Phòng, chống lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con

26-10-2021 14:00 | Y tế
google news

Việc đẩy mạnh dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con những năm gần đây được triển khai mạnh mẽ ở Khánh Hòa đã giảm được tình trạng trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nên nâng cao sức khỏe, ổn định đời sống, tâm lý.

Hướng tới loại trừ HIV từ mẹ sang con vào năm 2030

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, việc phòng, chống lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con rất được địa phương chú trọng. Ngay từ tháng 5/2021, ngành y tế địa phương đã có công văn chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn tỉnh Khánh Hòa về triển khai tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2021. Tiếp sau đó, việc phòng, chống lây truyền được duy trì một cách hiệu quả. Mục tiêu phấn đấu hướng đến là loại trừ HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

BS Tôn Thất Toàn, Phó GĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết: Không chỉ tháng cao điểm mà tất cả thời gian trong năm, các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: Phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai (thông quá xét nghiệm), cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV cũng như phụ nữ HIV mang thai, cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con được làm đẩy đủ, chu đáo. Việc chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng được làm tích cực. Cùng với đó đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Chính các giải pháp đồng bộ này nên công tác điều trị dự phòng không bị đứt quãng ngay cả trong thời gian giãn cách xã hội bởi COVID-19.

photo-1635227044769

Phát thuốc điều trị dự phòng HIV ở Khánh Hòa

Thực tế ở Khánh Hòa đã áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp cung cấp thuốc điều trị dự phòng ARV thông qua các Trạm y tế tuyến xã/phường hoặc thông qua bưu điện.

Việc chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con làm càng sớm thì hiệu quả đạt được càng cao. Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa); Trung tâm y tế các huyện, thị xã thành phố ở Khánh Hòa còn có sự kết nối chặt chẽ trong quá trình chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con.

photo-1635227045852

Phụ nữ được tư vấn xét nghiệm HIV tận tình

Để có thể đạt những mục tiêu khả quan trong việc phòng, chống lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con ở Khánh Hòa, ngành y tế địa phương đã huy động sự vào cuộc, kết hợp của nhiều tổ chức, cá nhân trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, của Bộ Y tế và UBND tỉnh. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa giữ vai trò đầu mối triển khai thông suốt các biện pháp. Vậy nên, từ tư vấn, xét nghiệm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai; khuyến khích trì hoãn quan hệ tình dục đối với thanh thiếu niên; thực hiện tình dục an toàn; phát hiện sớm và điều trị kịp thời các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục…được làm một cách hiệu quả.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, việc chẩn đoán tình hình sức khỏe cũng như khả năng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai rất quan trọng đối với công tác bảo vệ thế hệ tương lai-là các trẻ em. Do đó, phụ nữ bị nhiễm HIV khi có dấu hiệu mang thai nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và quản lý thai sớm nhất. Ngay cả một số phụ nữ chưa xác định nhiễm HIV/AIDS khi mang thai cũng nên xét nghiệm, nhất là là những phụ nữ có chồng hoặc bạn tình làm việc trong môi trường có nguy cơ cao về nhiễm HIV/AIDS.

Xét nghiệm HIV cho mẹ, sức khỏe cho con

Khi phát hiện các bà mẹ mang thai nhiễm HIV cần quản lý thai sản chặt chẽ và theo dõi điều trị ARV tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Điều trị dự phòng ARV cho con ngay sau khi sinh. Trong quá trình mang thai, các bà mẹ cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng như một thai phụ bình thường, khám thai định kỳ, tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của các nhân viên y tế hoặc y bác sĩ. Xét nghiệm HIV sớm nhất cho mẹ chính là để bảo vệ sức khỏe cho con. Người mẹ bị nhiễm HIV có thể sẽ sinh ra đứa con hoàn toàn khỏe mạnh nếu tuân thủ mọi biện pháp nhằm tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Chúng ta đều biết rằng, một trong ba đường lây truyền HIV chủ yếu là truyền từ người mẹ sang người con qua bánh rau khi có thai, qua máu và dịch âm đạo khi chuyển dạ đẻ, qua sữa khi cho con bú. Khả năng người phụ nữ bị nhiễm HIV có thai có thể truyền HIV cho con là 20 - 30%. Phụ nữ bị nhiễm HIV nếu có thai sẽ bị biến chuyển thành bệnh AIDS nhanh hơn những người khác.

Theo khuyến cáo để phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con và điều trị dự phòng một cách hiệu quả nhất thì:

Trước khi mang thai: Chủ động đến các cơ sở y tế để tư vấn và xét nghiệm HIV, nhất là những phụ nữ có nguy cơ (có chồng, bạn tình là người nghiện chích ma túy hay có nguy cơ nhiễm HIV). Nếu phát hiện nhiễm HIV sẽ được bác sĩ tư vấn, điều trị hiệu quả trước khi mang thai. 

Trong khi mang thai: Kịp thời xét nghiệm và phát hiện ngay từ những tháng đầu của thai kỳ. Nếu phát hiện nhiễm HIV trong quá trình mang thai sẽ được tư vấn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm nhất, hiệu quả mang lại sẽ cao nhất.

Đối với những phụ nữ đã nhiễm HIV: Cần phải điều trị ARV sớm và tuân thủ điều trị nghiêm ngặt để giảm nhanh tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Đăng ký sinh con tại các cơ sở sản khoa có cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Quá trình chăm sóc trẻ từ mẹ nhiễm HIV: Cần được làm theo đúng các hướng dẫn của y bác sĩ và làm các xét nghiệm cần thiết cho trẻ.

Chị H, một bệnh nhân HIV được tư vấn xét nghiệm, điều trị dự phòng ngay từ những ngày đầu mang thai chia sẻ: Tôi cùng nhiều người cùng cảnh ngộ và các phụ nữ khác đều được hướng dẫn tận tình xét nghiệm sớm. Kinh nghiệm của chị H cũng cho thấy, điều trị thuốc ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây truyền HIV cho người khác. Và, điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ cũng chính là giúp giảm lây truyền HIV sang con.

Tăng cường phòng, chống

Trong suốt thời gian qua, công tác tư vấn, cung cấp thuốc dự phòng cho người nhiễm HIV, nhất là phụ nữ ở Khánh Hòa được thực hiện đầy đủ.

Để phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con có hiệu quả, mỗi nữ thanh niên trong độ tuổi sinh đẻ (từ 18 đến 35 tuổi) cần biết và hiểu rõ: Các nguồn nguy cơ dễ bị lây nhiễm HIV để áp dụng các biện pháp dự phòng, thực hiện các hành vi an toàn.

Chung thủy một vợ, một chồng. Không quan hệ tình dục với nhiều người. Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục. Đến phòng tư vấn hoặc các cơ sở y tế để tìm hiểu các thông tin liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng chống HIV và phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Trước khi kết hôn, trước khi định có thai nên đi xét nghiệm HIV để được tư vấn kỹ. Nếu có thai mà nhiễm HIV vẫn quyết định đẻ, nên đến các cơ sở sản khoa để được tư vấn sâu hơn và xem xét khả năng sử dụng một số thuốc làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ người mẹ sang người con.

Ngoài xét nghiệm, điều trị dự phòng kịp thời thì phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã không còn bị kỳ thị hay phân biệt đối xử. Họ nhận được sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con nên an tâm hơn.



PV
Ý kiến của bạn