Sáng ngày 30/11/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Mít tinh truyền thông phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam năm 2016 do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Hà Nội và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong y tế, trong quản lý thức ăn chăn nuôi và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường...
Kháng thuốc - Mối lo toàn cầu
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Nó không chỉ được sử dụng trong điều trị mà còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm mục đích trị bệnh và kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết... đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Trong khi đó, việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ nay, dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng.
Người dân chỉ mua và sử dụng kháng sinh theo đơn của bác sĩ. Ảnh:TM
Thực tế cho thấy, mỗi năm trên thế giới có hàng chục ngàn người tử vong do kháng thuốc và phải chi phí hàng chục tỷ đô-la cho kháng thuốc. Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của WHO được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại châu Âu: số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm; Thái Lan tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm; Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm. Điều này tác động lớn đến kinh tế, xã hội (ở Mỹ chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ đô-la/năm và chi phí gián tiếp hơn 30 tỷ đô-la/năm) đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển.
Ở Việt Nam, việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi đã khiến cho tình trạng kháng thuốc tăng lên nhanh chóng và là một trong những nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Điều đáng báo động ở nước ta đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng đặc biệt ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện và đã có vi khuẩn biến đổi gene đa kháng với carbapenem thế hệ mới.
Việt Nam làm gì để chống kháng thuốc?
Để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh, triển khai thực hiện chiến lược phòng chống kháng thuốc của WHO, với khẩu hiệu “Không hành động hôm nay, ngày mai không còn thuốc chữa”, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 - 2020, với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Cụ thể, đối với ngành y tế, Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc sử dụng thuốc tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân và các hiệu thuốc trong cộng đồng, thắt chặt việc quản lý bán thuốc theo đơn.
Tại các bệnh viện triển khai các hoạt động tăng cường quản lý và sử dụng kháng sinh tại bệnh viện; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, xây dựng hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm của vi khuẩn đa kháng; nâng cao năng lực xét nghiệm vi sinh trong bệnh viện nhằm theo dõi, cung cấp bằng chứng cho việc chỉ định, sử dụng kháng sinh hợp lý tại bệnh viện.
Tại cộng đồng, tăng cường truyền thông trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tuân thủ chặt chẽ việc dùng kháng sinh theo hướng dẫn của thầy thuốc. Quản lý chặt chẽ việc bán thuốc theo đơn, không tự ý mua thuốc hoặc dùng thuốc kháng sinh không theo đơn.