Hà Nội

Phòng chống HIV/AIDS vùng Tây Bắc: Khó, không bó tay

10-06-2016 11:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trung bình mỗi năm, Tây Bắc vẫn có khoảng 3.000 người nhiễm HIV mới và 500 - 800 trường hợp tử vong do HIV/AIDS.

Trung bình mỗi năm, Tây Bắc vẫn có khoảng 3.000 người nhiễm HIV mới và 500 - 800 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Hành vi lây nhiễm HIV diễn biến phức tạp và một số địa bàn có nguy cơ dịch HIV toàn thể.

Nghiện chích ma túy - Nguy cơ lây nhiễm HIV chủ yếu ở Tây Bắc

Đây là nhận định của bà Hoàng Thị Hạnh - Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc tại Hội nghị phòng chống HIV vùng Tây Bắc mới đây. Bà cũng cho biết thêm, trong những năm qua, mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song hiện nay, toàn khu vực Tây Bắc có trên 63.500 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Trung bình mỗi năm Tây Bắc vẫn có khoảng 3.000 người nhiễm HIV mới và 500 - 800 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Hành vi lây nhiễm HIV diễn biến phức tạp và một số địa bàn có nguy cơ dịch HIV toàn thể. Trong khi đó, hiểu biết về HIV trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Điều này khẳng định HIV đang là gánh nặng bệnh tật ở Tây Bắc vì ở đây có thể nhìn thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa HIV/AIDS với ma túy, đói nghèo và trình độ thấp.

Tư vấn cho người nhiễm HIV ở BVĐK huyện Sông Mã, Sơn La. Ảnh: Tuấn Dũng

Ông Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, nguy cơ cao lây nhiễm HIV ở khu vực Tây Bắc là lây nhiễm HIV do sử dụng chung bơm kim tiêm; lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy sang thanh niên bình thường do lôi kéo sử dụng ma túy sau khi sử dụng các chất kích thích như rượu. Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm HIV từ chồng sang vợ, bạn tình của họ; lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; lây nhiễm HIV từ vợ, bạn tình của nhóm nghiện chích ma túy bị nhiễm HIV sang nam giới bình thường; lây nhiễm HIV từ nữ bán dâm sang nam giới bình thường hoặc nhóm nghiện chích ma túy.

Trước tình hình đó, thời gian qua, các tỉnh vùng Tây Bắc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cùng với các biện pháp can thiệp giảm tác hại và đạt được hiệu quả khá cao, giảm được 50% số ca nhiễm HIV mới. Đặc biệt, có tới 58,9% số người nghiện chích ma túy ở Tây Bắc tiếp cận với các biện pháp can thiệp giảm tác hại (mức bình quân cả nước là 37,4%). Tiếp cận dịch vụ dự phòng trong nhóm phụ nữ mại dâm tại khu vực Tây Bắc cũng cao hơn so với mức chung của toàn quốc. Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Hạnh băn khoăn: “Phần lớn hoạt động can thiệp giảm tác hại là do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, do đó, trong thời gian tới, khi kinh phí từ viện trợ bị cắt giảm, trong khi ngân sách trung ương và địa phương hạn chế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động này”.

Tỷ lệ xét nghiệm vẫn còn thấp

Trong nhiều năm qua, khu vực Tây Bắc luôn là điểm nóng về dịch HIV/AIDS. Mặc dù tỷ lệ nhiễm HIV đã giảm đáng kể trong 5 năm qua nhưng nguy cơ lây lan HIV vẫn tiềm ẩn. Theo số liệu thống kê, khu vực Tây Bắc có khoảng 14,6 triệu người sinh sống, chiếm khoảng 16% dân số cả nước nhưng có tới khoảng 38.000 người nhiễm HIV còn sống, chiếm khoảng 20% tổng số bệnh nhân HIV còn sống của cả nước. Số người tử vong do AIDS ở vùng Tây Bắc cũng chiếm khoảng 25% số ca tử vong do AIDS trên cả nước (khoảng 21.000 người). Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên nhân làm lây nhiễm HIV tại khu vực này cao là do nhận thức của người dân về HIV/AIDS vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, khó khăn về địa lý và sự bất đồng về ngôn ngữ văn hóa, phong tục tập quán là rào cản lớn ảnh hưởng đến công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Sự thiếu hụt về nhân lực và kinh phí eo hẹp đã cản trở việc mở rộng chương trình can thiệp giảm tác hại, chăm sóc hỗ trợ điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã. Điều này làm cho người dân vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Mặc dù nguy cơ dịch cao nhưng việc tư vấn, xét nghiệm HIV ở khu vực Tây Bắc còn thấp: Tỷ lệ người nghiện chích ma tuý được xét nghiệm HIV trong vòng 12 tháng qua rất thấp, chỉ khoảng 26%, tỷ lệ phát hiện HIV chỉ đạt 61%. Chính vì thế, công tác tư vấn, xét nghiệm phát hiện HIV và các hoạt động giảm hại cần phải được triển khai quyết liệt để tránh nguy cơ lây lan rộng, gia tăng số lượng người nhiễm HIV trong thời gian tới. Theo ông Đào Đình Cường - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn, để giảm thiểu số người nhiễm HIV, công tác truyền thông cần nhấn mạnh hơn nữa về các nguy cơ lây nhiễm HIV và các cách dự phòng. Đồng thời, nêu bật được tầm quan trọng của việc xét nghiệm sớm, điều trị sớm, vai trò của Bảo hiểm y tế. Ngoài ra, cần lồng ghép hoạt động thông tin giáo dục truyền thông vào các hoạt động truyền thông khác của các địa phương; tăng cường hơn nữa số lượng truyền thông về HIV/AIDS trên truyền thông xã phường, thôn bản; truyền thông bằng tiếng dân tộc.

Thiết nghĩ, để tiến tới chấm dứt đại dịch HIV vào năm 2030, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan chuyên môn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS bằng nhiều biện pháp, đẩy mạnh triển khai tư vấn xét nghiệm HIV không chuyên tại cộng đồng để giảm thiểu các nguy cơ lây lan HIV, đẩy nhanh việc điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng methadon ở tuyến xã...


Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn