Cần thay đổi nhận thức về tình dục đồng giới. |
Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM luôn cao hơn nhiều so với tỷ lệ nhiễm trong dân cư nói chung. Tại Thái Lan, năm 2005, tỷ lệ hiện nhiễm HIV ở người trưởng thành là 1,4% trong khi đó ở nhóm MSM (Băng-Cốc) là 28%. Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HIV trong dân cư là 0,5% nhưng trong nhóm MSM (tại TP. Hồ Chí Minh) là 8% và có ít nhất 5-10% trường hợp nhiễm HIV trên thế giới là lây truyền qua tình dục đồng giới nam không an toàn.
Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM. Ngoài việc thiếu hiểu biết hoặc hiểu sai về những nguy cơ đi liền với tình dục không an toàn và quan niệm HIV không lây truyền trong những người trông khoẻ mạnh thì kỳ thị, phân biệt đối xử là nguyên nhân quan trọng nhất. Do vấn đề quan hệ tình dục đồng giới nam không được thừa nhận khiến cho họ e ngại trong việc công khai xu hướng tình dục của mình (dẫn đến các hành vi tình dục không an toàn như không dùng bao cao su, trong khi đó ở những người này thường có số lượng bạn tình nhiều, phức tạp), khó khăn khi thảo luận thẳng thắn và cởi mở về nó, ngại ngùng khi bộc lộ với bạn tình cũng như tiếp cận với các dịch vụ y tế, làm hạn chế thông tin cần thiết giúp cho việc hoạch định chính xác, xác định những việc cần làm để khống chế dịch HIV trong nhóm dân cư này... Vấn đề nam giới có quan hệ tình dục đồng giới hiện vẫn còn bị bỏ ngỏ trong ứng phó với AIDS của các quốc gia ở khu vực Châu Á (trong đó có nước ta) và khu vực Thái Bình Dương.
Thực tế ở nước ta, cộng đồng cũng có cách nhìn không mấy thiện cảm với MSM, coi họ như những người “bệnh hoạn”, “pê đê”, “hifi”... và có tới 41% các tác phẩm báo chí khi nói về họ với thái độ đầy kỳ thị (nguồn của UNAIDS). Vì thế để góp phần phòng tránh lây nhiễm HIV trong nhóm MSM, trong khoá tập huấn về “chương trình phòng chống HIV/AIDS trong nhóm MSM” cho phóng viên viết về HIV/AIDS của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương trên địa bàn Hà Nội do Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội và UNAIDS vừa tổ chức, vấn đề giảm kỳ thị và phân biệt đối xử được đặc biệt coi trọng. TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội nhấn mạnh: Cần phải giảm kỳ thị và phân biệt đối với nhóm người này mà trước hết phải thay đổi nhận thức ở chính những người cầm bút.
Thu Hương