Phòng chống HIV/AIDS trong dịch COVID-19 tại y tế địa phương

15-09-2022 11:04 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau hơn 2 năm có dịch COVID-19, nhiều hoạt động phải thay đổi để thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế từng giai đoạn, trong đó có chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Tại Việt Nam, với những tác động của dịch COVID-19 đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS làm cho nhiều khách hàng khó tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và hậu quả dễ nhận thấy là số người nhiễm HIV gia tăng tại nhiều địa phương.

Đường lây truyền HIV cũng có sự thay đổi, nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên…

Đặc biệt, lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo số liệu giám sát trọng điểm HIV, năm 2014 tỷ lệ nhiễm HIV trung bình trong nhóm này là 6,7%, năm 2017 là 12,2% và năm 2020 là 13,3%. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

Các chuyên gia nhấn mạnh, việc tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nhằm mục tiêu tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Tại nhiều địa phương, các hoạt động phòng chống HIV/AIDS đã được tăng cường như:

- Xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ trong các tình huống tùy theo diễn biến của dịch bệnh COVID-19 đảm bảo người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận liên tục và an toàn các dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng HIV tuân thủ điều trị.

- Người điều trị các chất dạng thuốc phiện được điều trị liên tục và an toàn bằng thuốc Methadone nhất là với người bệnh bị cách ly do dịch COVID-19.

- Vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS.

- Vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, đảm bảo người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế một cách liên tục, nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone…

- Thích ứng với đại dịch, nhiều hình thức truyền thông online về phòng, chống HIV/AIDS được tăng cường trên hệ thống mạng xã hội như Fanpage, Facebook, Tik tok, Zalo, các ứng dụng đặc thù có khả năng tiếp cận và được các nhóm khách hàng đích thường tiếp cận...

Phòng chống HIV/AIDS trong dịch COVID-19 tại y tế địa phương - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, hiện nay, HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Báo cáo của địa phương cho thấy, hiện có hơn 213.800 người nhiễm còn sống, lũy tích tử vong là 110.990 trường hợp. Năm 2021, cả nước phát hiện hơn 13.000 người nhiễm HIV và 1.855 người nhiễm HIV tử vong.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn, các địa phương cần tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, truyền thông là một trong những biện pháp chủ yếu trong phòng, chống HIV/AIDS.

Truyền thông không chỉ làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng tránh, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS mà còn kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

Đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, từ đó đã góp phần kiểm soát sự gia tăng dịch HIV/AIDS ở Việt Nam trong nhiều năm qua.

Người sống chung với HIV cần chuẩn bị những gì để bảo vệ bản thân trong tình hình dịch COVID-19?

Một số bước mà người nhiễm HIV có thể thực hiện để bảo vệ bản thân, ngoài những khuyến cáo chung cho tất cả cộng đồng, gồm:

- Hãy chắc chắn bạn có đủ ít nhất 30 ngày thuốc ARV, cùng các loại thuốc và vật tư y tế khác bạn cần để kiểm soát HIV.

- Xây dựng một kế hoạch chăm sóc bản thân nếu bạn phải ở nhà trong một vài tuần. Cố gắng tối đa liên lạc trực tuyến với phòng khám cấp thuốc điều trị HIV cho bạn (điện thoại, tư vấn online).

- Người sống chung với HIV đôi khi cần sự giúp đỡ thêm từ bạn bè, gia đình, hàng xóm, nhân viên y tế cộng đồng,… Nếu bạn bệnh, hãy chắc chắn rằng bạn giữ liên lạc qua điện thoại hoặc email với những người có thể giúp bạn.

Giang mai - "Bạn đồng hành" của HIV, phòng ngừa thế nào?Giang mai - 'Bạn đồng hành' của HIV, phòng ngừa thế nào?

SKĐS - Có thể nói, giang mai và HIV là bạn đồng hành của nhau. Nghĩa là người nhiễm HIV có nguy cơ cao hoặc đồng thời cũng nhiễm giang mai và ngược lại, do đây là hai bệnh có cơ chế lây truyền giống nhau.


Minh Đức
Ý kiến của bạn