Hà Nội

Phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam – thách thức và mục tiêu

28-12-2020 17:02 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như liên tục đạt “3 giảm” (giảm số người nhiễm HIV mới phát hiện, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS). Song thách thức và khó khăn vẫn hiện hữu, đòi hỏi chúng ta phải đặt ra những mục tiêu phù hợp và quyết tâm hoàn thành những mục tiêu đặt ra trong thời gian tới.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo SK&ĐS đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long – Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế.

Phóng viên: Thưa PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, xin ông cho biết tình hình dịch HIV/AIDS hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam như thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long – Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS: Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào năm 1990. Qua 30 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS, tình hình dịch đã dần được kiểm soát. Trong giai đoạn 2005-2010, mỗi năm cả nước phát hiện trung bình khoảng 30.000 trường hợp nhiễm HIV và ghi nhận khoảng 10.000 trường hợp tử vong  thì hiện nay mỗi năm chỉ còn phát hiện được khoảng 10.000 người nhiễm HIV và khoảng 2.000 người tử vong do HIV/AIDS. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ước khoảng 0,23% năm 2020, vượt mục tiêu dưới 0.3% của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 230.000 người nhiễm HIV, trong đó có 211.988 người nhiễm HIV hiện đang còn sống đã được phát hiện. Tỷ lệ nhiễm HIV đã giảm rõ rệt trong nhóm nghiện chính ma túy (từ gần 30% năm 2007 xuống còn 10% hiện nay) và phụ nữ mại dâm (từ 6% 2007 xuống 2,5% hiện nay). Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV đang tăng rất nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng tăng, chiếm đến 70% người nhiễm HIV mới được phát hiện hàng năm.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên hưởng ứng Mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc vào năm 2020 (90% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế). Đến cuối năm 2019, các chỉ tiêu này ở Việt Nam đã đạt mức 83%-75%-96%. Đây là mức cao so với nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á, và là quốc gia thứ 4 trên thế giới (sau Thụy Sỹ, Vương quốc Anh và Cộng hòa liên bang Đức) vượt chỉ tiêu 90% thứ 3, lên đến mức 96%, tức là hầu hết các trường hợp nhiễm HIV đang điều trị ARV ở Việt Nam không còn khả năng lây nhiễm HIV cho người khác qua con đường tình dục.

Theo ước tính của các chuyên gia trong nước và quốc tế, trong những năm qua, Việt Nam đã dự phòng cho 460.000 tránh được lây nhiễm HIV và khoảng 200.000 người tránh được tử vong liên quan đến HIV/AIDS.

Một số kết quả tổng quát: Liên tục giảm số nhiễm HIV, số mắc AIDS và số tử vong do HIV/AIDS. 12 năm qua đã giảm 2/3 so với đỉnh dịch (2008); Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đã đạt 0.23%; Mục tiêu 90-90-90 đạt mức 83-75-96, mức rất cao so với các nước trên thế giới; 460.000 người không bị nhiễm HIV; 200.000 người không tử vong do AIDS.

Có được kết quả này phải kể đến sự chỉ đạo, lãnh đạo tích cực, quyết liệt, sát sao của các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương, sự chỉ đạo, lãnh đạo thường xuyên của Ban Cán sự Đảng, Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ, của Đảng bộ Cục phòng, chống HIV/AIDS.

Tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDSTư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS.

Phóng viên: Xin PGS. có thể cho biết trước tình hình dịch HIV/AIDS như vậy, chúng ta phải đối mặt với những khó khăn và thách thức nào?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long – Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS: Trước diễn biến dịch HIV/AIDS như vậy Việt Nam chúng ta phải đương đầu với một số khó khăn và thách thức trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS. Đó là:

- Dịch chưa ổn định: HIV/AIDS hiện vẫn là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có 10.000 HIV dương tính mới và 2.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, còn xa so với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là dưới 1.000 người nhiễm HIV/năm. Do điều trị ngày càng tiến bộ, tỷ lệ tử vong thấp nên số lũy tích người nhiễm HIV ngày càng tăng với trên 200.000 người nhiễm HIV cần được điều trị, chăm sóc thường xuyên, liên tục, suốt đời. Hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV ngày càng phức tạp, như sử dụng ma túy tổng hợp, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM gia tăng nhanh (từ 5-7% lên 12-15%). Dịch HIV/AIDS có nguy cơ bùng phát trở lại nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.

- Tổ chức biến động: Tổ chức bộ máy phòng, chống HIV/AIDS biến động, đặc biệt khi các địa phương triển khai sáp nhập Trung tâm PC HIV/AIDS vào Trung tâm CDC tuyến tỉnh. Nhân lực cho phòng, chống HIV/AIDS ngày càng suy giảm, cả về số lượng và chất lượng. Công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều vướng mắc do thay đổi lãnh đạo Trung tâm. Kinh phí cho P/C HIV/AIDS bị ảnh hưởng.

- Kinh phí cắt giảm: Kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước (NSNN, BHYT) chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính. Việc chuyển điều trị sang BHYT vẫn còn nhiều khó khăn. Ngân sách các địa phương phân bổ cho phòng, chống HIV/AIDS còn thấp.

Phóng viên: Vậy Đảng ủy Cục đã đặt ra những phương hướng nào trong giai đoạn tới cho công tác phòng chống HIV/AIDS, thưa PGS.?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long – Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS: Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành TW Đảng khóa XII “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” đưa ra mục tiêu “Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét” vào năm 2030. Để thực hiện thành công mục tiêu “Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét” vào năm 2030, Đảng uỷ và tập thể lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS xác định, trước hết phải đạt mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 (95% người nhiễm HIV trong cộng đồng được phát hiện; 95% người nhiễm HIV đã được phát hiện được điều trị ARV; 95% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế). Trong giai đoạn tới, cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Hoàn thiện văn bản pháp luật: Sửa luật phòng, chống HIV/AIDS cho phù hợp với tình hình thực tế, dự kiến trình ban hành vào cuối năm 2020. Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia kết thúc đại dịch AIDS vào 2030.

Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn: Mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV, như phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị Methadone, Buprenorphine, PrEP; đổi mới công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV; mở rộng độ bao phủ và đảm bảo chất lượng dịch vụ điều trị HIV/AIDS; theo dõi, đánh giá và giám sát dịch HIV/AIDS...

Củng cố tổ chức, đảm bảo nhân lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS tại các tuyến từ trung ương đến địa phương. Đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS các tuyến, đặc biệt là tuyến tỉnh và tuyến huyện.

Đảm bảo tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS: Nghị quyết 20-NQ/TW có nêu “Tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS...”. Vì vậy, cần ưu tiên bố trí NSNN cho phòng, chống HIV/AIDS, đặt biệt là các hoạt động can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV; tiếp tục huy động nguồn ngân sách của các địa phương cho phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả theo quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế; tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn PGS. về cuộc trò chuyện!


Mai Hương (thực hiện)
Ý kiến của bạn