Phòng chống HIV/AIDS: Kinh nghiệm của Quan Hóa

05-10-2015 14:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Là một huyện miền núi, việc đi lại rất khó khăn (xã xa nhất cách trung tâm huyện 65km), dân cư ở rải rác, trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động còn thiếu thốn, không đủ điều kiện theo hướng dẫn; vậy mà Quan Hóa được đánh giá cao trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

Thu hút đối tượng tự nguyện đến với dịch vụ

Quan Hóa là 1 trong 11 huyện vùng cao miền núi của tỉnh Thanh Hóa và là 1 trong 61 huyện nghèo nhất nước. Quan Hóa có 5 dân tộc anh em, trong đó 64,5% là người Thái. Ca nhiễm HIV đầu tiên năm 2001 nhưng đến năm 2004, công tác phòng chống HIV/AIDS mới thực sự đi vào hoạt động. Đến nay tích lũy số người nhiễm HIV là 683 người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 88% (602). Hiện nay còn sống 401, đã điều trị 352 người. Trao đổi với phóng viên, BS. Phạm Thị Sử, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) cho biết, hiện nay trung tâm đã và đang triển khai các dịch vụ HIV/AIDS toàn diện: điều trị ARV, tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị methadone, triển khai tiếp cận điều trị 2.0.

Phòng chống HIV/AIDS: Kinh nghiệm của Quan Hóa
Bệnh nhân đến uống methadone tại Trạm y tế xã Thành Sơn.

“Làm thế nào để thu hút được các nhóm đối tượng tự nguyện đến với các dịch vụ HIV/AIDS?” - Đây là câu hỏi mà những cán bộ truyền thông, những y bác sĩ tại Trung tâm Y tế dự phòng Quan Hóa trăn trở. Nhưng thế rồi, những cán bộ tại trung tâm lại có thể “chỉ mặt, điểm tên” được từng người nhiễm HIV, nghiện chích trên địa bàn. Điển hình khi đưa methadone về đến xã Thành Sơn (một xã hẻo lánh của Quan Hóa), chỉ trong 2 tháng mà đã có đến 200 người tham gia...

Để làm được điều đó, các cán bộ y tế trên địa bàn phải ngày đêm tuyên truyền vận động đến từng bản với chiến lược “mưa dầm thấm lâu”. Hà Thị Quỳnh, cô gái dân tộc Thái còn khá trẻ, cán bộ đoàn xã Hồi Xuân, tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS từ năm 2007 đến nay, cho biết: Nói chuyện, phân tích, khuyến khích, động viên người bệnh đi nhận dịch vụ HIV/AIDS bằng chính tiếng dân tộc mình, cô có rất nhiều lợi thế. Đến nay hàng chục lượt người đã sử dụng dịch vụ HIV/AIDS nhờ có sự thuyết phục của Quỳnh.

Làm sao để được điều trị miễn phí lâu dài?

Trên thực tế, đa số những người nghiện, những người nhiễm HIV đang phải điều trị bằng methadone và ARV đều có chung một mong muốn là được dùng thuốc miễn phí để điều trị bệnh lâu dài, để có sức khỏe làm việc.

Hà Thị Diệu (sinh năm 1993), cô gái nhỏ nhắn, nước da rám nắng khỏe mạnh, nụ cười hồn nhiên tươi tắn, bản Chăm Xuân Phú (Thành Sơn - Quan Hóa) bệnh nhân HIV, cho biết, cô đã được điều trị dự phòng bằng ARV ở tháng thứ 3 (thời điểm năm 2010). Lúc này cô đang mang thai lần đầu. Lo lắng vô cùng nhưng khi được các cán bộ tuyền thông về HIV/AIDS động viên và hướng dẫn cô đã yên tâm uống thuốc ARV. Con gái của Diệu được điều trị dự phòng ngay từ khi mới sinh và không bị lây nhiễm HIV. Hiện nay bé đã 5 tuổi. Sau này, Diệu động viên chồng làm xét nghiệm và cùng uống thuốc ARV. Giờ đây, Diệu chỉ mong muốn được uống thuốc miễn phí lâu dài để có sức khỏe lao động, có thu nhập nuôi, dạy con cái.

“Làm thế nào để bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị miễn phí lâu dài?” Để trả lời cho yêu cầu chính đáng này của người bệnh, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS khẳng định: Chính phủ, Bộ Y tế đã có những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này. Theo đó, Chính phủ đã có những gói kinh phí để hỗ trợ chương trình, đồng thời các địa phương cũng cần phải đảm bảo nguồn kinh phí để hỗ trợ thực hiện đề án phòng chống HIV như đã cam kết. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đồng ý đưa các loại dịch vụ điều trị bệnh nhân HIV vào danh mục bảo hiểm y tế. Điều này sẽ giúp những người nhiễm HIV giảm được chi phí điều trị khi đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh. Đây thực sự là một tin vui với đối tượng người nghiện, bệnh nhân HIV/AIDS và với cả những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS.

Nguyễn Hạnh

 

 

 


Ý kiến của bạn