Hà Nội

Phòng chống HIV/AIDS: Không để ai bị bỏ lại phía sau

18-11-2020 16:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việt Nam hướng đến đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Nhiều giải pháp đang được nhân rộng, chủ động tiếp cận đến từng cá nhân trong các nhóm có nguy cơ cao để không ai bị bỏ lại phía sau.

Từ nghi ngại đến tự tin

Nguyễn Trần Đăng Khoa (tên của nhân vật trong bài viết đã được thay đổi), 25 tuổi, ngụ tại TP.HCM là một thành viên trong cộng đồng nam giới có quan hệ tình dục đồng tính (MSM). Là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS nhưng còn nhiều khó khăn trong tiếp cận và điều trị dự phòng lây nhiễm.

Khoa kể, bản thân đã nhận ra điểm khác biệt của chính mình trong nhiều năm, thế nhưng quá trình công khai gặp nhiều khó khăn do việc xã hội còn nặng nề trong quan niệm và kỳ thị. Khoa cùng các thành viên trong cộng đồng chọn giải pháp “giấu mình” khi có những hành vi quan hệ tình dục, để bảo vệ bản thân. Khoa sử dụng giải pháp truyền thống (chủ yếu sử dụng bao cao su) để phòng chống lây nhiễm bệnh cho mình và bạn tình. Tuy nhiên, không phải bất cứ thời điểm nào biện pháp phòng tránh đó cũng sẵn sàng và mang lại hiệu quả.

Gần đây, xã hội không còn quá nặng nề đối với cộng đồng MSM, Khoa quyết định công khai giới tính, chủ động tìm hiểu các biện pháp phòng tránh an toàn. Khoa chọn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại một phòng khám cộng đồng. “Tôi tìm đến phòng khám, được tư vấn, khám sàng lọc, xét nghiệm HIV, hướng dẫn cách dùng thuốc, theo dõi và tái khám định kỳ. 3 tháng nay, tôi dùng thuốc đều đặn mỗi ngày 1 viên trước khi đi ngủ. Thuốc không có tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến công việc, giúp chuyện quan hệ tình dục an toàn hơn cho mình và cả bạn tình”, Khoa chia sẻ.

Khoa nói: “Trước khi dùng PrEP, tôi cũng từng nghi ngại về hiệu quả, nhưng đến nay tôi đã tự tin để tuyên truyền cho những thành viên trong cộng đồng về tính an toàn của PrEP và hiệu quả phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Một thành viên khác cũng trong nhóm MSM kể, việc công khai giới tính, xu hướng quan hệ tình dục của anh cũng đã trải qua nhiều khó khăn. Anh nhận thấy rõ sự kỳ thị khi đến các phòng khám để khám và được tư vấn các biện pháp đảm bảo an toàn trong quan hệ tình dục đồng giới. Khi đến với chương trình Điều trị dự phòng trước phơi nhiễmHIV- PrEP, anh đã tự tin hơn khi chia sẻ về những vấn đề của bản thân; bởi đội ngũ tư vấn viên hầu hết là những đồng đẳng viên, thành viên trong nhóm cộng đồng. Họ có thể đồng cảm, tư vấn tận tình kỹ lưỡng với anh.

Phòng chống HIV/AIDSThành viên cộng đồng MSM được tư vấn sử dụng PrEP

Theo các chuyên gia, các nhóm đối tượng có tiêm chích ma túy, nữ mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới…, là những nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS. So với những người đã tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc cộng đồng, vẫn còn một tỷ lệ người trong nhóm nguy cơ cao chưa tiếp cận được với các dịch vụ này. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như khoảng cách địa lý đối với những vùng sâu, vùng xa. Tâm lý e ngại, sợ kỳ thị và kỳ thị từ xã hội, dẫn đến những thiệt thòi trong chăm sóc sức khỏe, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho đối tượng và bạn tình.

Vòng tay rộng mở từ cộng đồng

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong nhiều năm qua, Việt Nam đã ghi nhận được nhiều kết quả tốt đẹp trong công tác phòng chống HIV/AIDS.  Trong đó, việc giảm số lượng trường hợp mắc hàng năm, giảm số lượng tử vong và đạt được mục tiêu kiểm soát HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.

Tỷ lệ HIV trong các nhóm nguy cơ cao đã giảm rất rõ rệt. Trước đây, tỷ lệ HIV trong nhóm tiêm chích ma túy lên đến gần 30%, thì đến nay tỷ lệ này chỉ còn khoảng 10%. Tương tự, ở nhóm phụ nữ mại dâm cũng giảm đến 2/3, tuy nhiên tỷ lệ dương tính trong nhóm cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang gia tăng nhanh. Theo thống kê  trong năm 2010-2012, tỷ lệ dương tính HIV trong cộng đồng MSM có khoảng 3%, đến nay tỷ lệ còn khoảng 12-15%. Đặc biệt là tỷ lệ nhiễm mới cao, dù đã có nhiều biện pháp kiểm soát, nhưng tình hình dịch vẫn chưa được kiểm soát như mong muốn.

PrEP là một trong các giải pháp hiệu quả để kiểm soát tình hình này. Dự phòng trước phơi nhiễm PrEP được triển khai thí điểm tại Việt Nam vào năm 2017 với số lượng đăng ký sử dụng ngày càng tăng và tỷ lệ người tiếp tục sử dụng PrEP cao. Từ tháng 11/2019 PrEP đã được mở rộng ra thêm 15 tỉnh thành phố, đưa dịch vụ này sẵn có tại 26 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ, Quỹ Toàn cầu và Chính phủ Việt Nam. Kể từ khi khởi động chương trình đến nay đã có hơn 13.000 người đăng ký sử dụng PrEP. Được đánh giá là liệu pháp dự phòng mang tính đột phá, có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tới hơn 92% nếu được sử dụng hàng ngày, như 1 phần của chiến lược dự phòng tổng thể.

Ước tính mỗi năm PrEP thực hiện phòng cho hơn 700 người không bị nhiễm HIV mới. PGS.TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, với những kết quả đạt được, trong tương lai, để đảm bảo khống chế HIV/AIDS, đặc biệt là trong nhóm cộng đồng MSM, cần phải đồng bộ nhiều biện pháp, cụ thể là mở rộng hơn nữa các cơ sở cung cấp dịch vụ, trong đó có cả cơ sở nhà nước và tư nhân. Bên cạnh đó là các hoạt động để tạo cầu nối, các tổ chức cộng đồng, các đồng đẳng viên, cán bộ ở cơ sở cần tiếp tục nỗ lực để tuyên truyền, hỗ trợ PrEP đến được với tận tay người dùng. Nhất là sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về kinh phí và chuyên môn kỹ thuật cho Việt Nam, để đảm bảo nguồn thuốc bền vững cho người dân.

BS Vũ Ngọc Bảo - Phó giám đốc dự án Usaid/Path Healthy Markets chia sẻ: “Chúng tôi vui mừng vì nhìn thấy hiệu quả trong 3 năm qua, PrEP đã triển khai đến 27 tỉnh thành của cả nước, phát huy tốt sức mạnh của chương trình phòng chống HIV/AIDS. Đã triển khai phối hợp đa ngành, huy động khối tư nhân đầu tư và các tổ chức cộng đồng cùng chung tay với nhà nước cung cấp các điểm PrEP. Thành lập các phòng khám cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong thu hút và duy trì khách hàng sử dụng PrEP. Đây biện pháp dự phòng HIV hiệu quả, tuy nhiên để đạt hiệu quả lớn phải đảm bảo độ bao phủ của PrEP. Do vậy, rất cần triển khai nhiều mô hình mới, tăng khả năng tiếp cận, bao gồm các phòng khám cộng đồng, phòng khám công, tư thân thiện với nhóm khách hàng đích. Các dịch vụ lưu động, từ xa và dịch vụ cung cấp PrEP tại cộng đồng. Tiện ích của các phần mềm Telehealth cũng cần được quan tâm trong việc nhân rộng dịch vụ này. Hướng đến những vùng nông thôn xa xôi để các đối tượng có liên quan được tiếp cận dịch vụ. Chúng tôi tâm niệm, sẽ không một ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến này”.

Nếu sử dụng PrEP, liệu có cần sử dụng bao cao su?

l Điều này tùy thuộc vào trường hợp của bạn, PrEP sẽ bảo vệ bạn khỏi HIV, nhưng sẽ không thể bảo vệ bạn khỏi các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tình dục (STIs). Sử dụng bao cao su là cách tốt nhất để ngăn chặn các STIs khác như lậu, giang mai, chlamydia và một số bệnh khác như viêm gan B, viêm gan C. Ngoài ra, PrEP cũng không có tác dụng trong việc ngăn ngừa mang thai. Để được bảo vệ toàn diện nhất có thể cần thực hiện uống PrEP song song với việc sử dụng bao cao su.

(Thông tin từ cục Phòng chống HIV/AIDS)

NGUYÊN NAM
Ý kiến của bạn
Tags: