Bản đồ không dự báo được thời điểm xảy ra trượt lở
Dự án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam" do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản triển khai thực hiện từ năm 2012 đã thành lập được bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 trên 22 tỉnh miền núi phía Bắc và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho 15 tỉnh.
Theo TS. Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, sản phẩm chính của Dự án là 2 loại bản đồ là bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai (TLĐĐ) và bàn đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ.
Về bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai đã hoàn thành tại 22 tỉnh miền núi phía Bắc gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Về bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ tại 15 tỉnh gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hòa Bình đã có loại bản đồ này.
Theo TS. Trịnh Xuân Hòa, bộ bản đồ hiện trạng TLĐĐ giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh thực trạng xảy ra TLĐĐ ở địa phương mình. Bản đồ này cung cấp thông tin chi tiết về từng vị trí, từng khu vực đã xảy ra TLĐĐ đến thời điểm được điều tra, khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra TLĐĐ cao trên cơ sở tổng hợp các kết quả khảo sát.
"Địa phương và các đơn vị liên quan có thể sử dụng bộ bản đồ như một công cụ cảnh báo sơ bộ về nguy cơ tái xuất hiện TLĐĐ tại các vị trí đã từng xảy ra trong các khu vực đã điều tra, cũng như cảnh báo về nguy cơ xảy ra TLĐĐ tại các vị trí, khu vực có điều kiện tự nhiên - môi trường tương đồng. Trên cơ sở đó, các địa phương có thể chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp tại mỗi vị trí tùy mức độ quy mô, nguy cơ (tái) xuất hiện trượt lở trong mùa mưa bão", ông Trịnh Xuân Hòa nói.
Hiện Viện đang hoàn thiện các bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ tỉ lệ 1/50.000 cho các huyện miền núi của Thừa Thiên-Huế. Loại bản đồ này có nội dung cảnh báo, phân vùng nguy cơ sạt lở đất đá chi tiết hơn tới từng huyện, xã… "Các bản đồ này chỉ đưa ra các dữ liệu, phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá, chứ không thể chỉ ra các điểm sạt lở chính xác, cũng như không thể dự báo thời điểm sạt lở được. Vì sạt lở ở đâu, lúc nào, thế nào còn rất nhiều yếu tố khác, chẳng hạn thời tiết, mưa lũ, biến động bề mặt. Khi sạt lở xảy ra trên thực tế, chúng tôi đều cập nhật vào kho dữ liệu chung", ông Hòa nói.
Chuyên gia địa chất, PGS. TS Phạm Hữu Sy cho rằng nghiên cứu về trượt lở mới dừng ở cảnh báo. Người đi đo vẽ bản đồ cho cả khu vực và phân chia ra các khu vực có mức độ trượt lở khác nhau. Đó là bản đồ cảnh báo trượt lở. Bản đồ ấy cũng giúp mọi người nhận thức được trượt nhưng không giúp dự báo thời điểm xảy ra.
Qua khảo sát, mỗi tỉnh có tới hàng nghìn điểm sạt lở, trong đó 20-30% điểm quy mô và khả năng gây thiệt hại lớn. Sạt lở có nhiều nguyên nhân tích hợp, từ địa hình, độ dốc, mạng lưới thủy văn, đất đá, thảm thực vật, cơ sở hạ tầng, hoạt động dân sinh… Tuy nhiên, yếu tố kích hoạt sạt lở ở Việt Nam thường là do mưa lớn cấp tập. Khi có bản đồ phân vùng sạt lở, lũ quét, cơ quan dự báo khí tượng sẽ chồng bản đồ dự báo mưa lên, từ đó, sẽ đưa ra cảnh báo nơi có nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất cho các địa phương chỉ đạo phòng chống.
Sạt lở có thể xảy ra sau mưa một thời gian dài
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng phân tích địa hình trên mô hình lập thể số kết hợp giải đoán ảnh viễn thám độ phân giải cao để thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá. Nghiên cứu được áp dụng thử nghiệm tại khu vực xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa và cho độ chính xác khá cao.
Việt Nam đã có bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tại hơn 20 tỉnh, nhưng vì sao cho đến nay vẫn không thể dự báo được sạt lở đất? PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, về lý thuyết là có thể dự báo được trượt lở nhưng chỉ dự báo được đối với một số sườn dốc quan trọng mà trượt lở xảy ra ở đó có thể gây ra hậu quả lớn về người và cơ sở vật chất. Ví dụ dọc các đường cao tốc, gần các trung tâm dân cư lớn... Còn nhìn chung đối với các sườn dốc tự nhiên, ở các vùng nông thôn, miền núi như Việt Nam vẫn rất khó khăn.
Theo PGS.TS Trần Tân Văn, có một điều ông đã cảnh báo từ lâu nhưng chưa được lắng nghe đúng mức là việc xây dựng công trình, nhà cửa ở chân các sườn đồi, sườn dốc sẽ dẫn đến nguy cơ sạt trượt rất lớn. Hiện nay, không chỉ ở miền Trung mà đa phần các tỉnh miền núi, hiện tượng này là phổ biến. Sạt trượt không chỉ xảy ra trong khi mưa mà còn có thể xảy ra sau khi mưa một thời gian khá dài, khi đất vẫn còn ngậm nước. Chỉ đến khi toàn bộ nền địa chất đã khô hẳn thì mới kết thúc chu trình sạt trượt. Do vậy, TS Trần Tân Văn cảnh báo người dân phải hết sức cảnh giác trước khi trở lại sinh sống ở các khu vực có nguy cơ, đã xảy ra sạt trượt.
Tốt nhất là sơ tán, chọn một địa điểm khác an toàn hơn để xây dựng nhà cửa. Bản đồ cảnh báo sạt trượt đã được các nhà khoa học bàn giao cho Sở Tài Nguyên và Môi trường địa phương, người dân có thể tham khảo.
Theo các chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, để phòng chống hiệu quả trượt lở đất đá, chúng ta cần cái nhìn tổng quan ở tầm vĩ mô. Ngoài những giải pháp về công nghệ nhằm quản lý hệ thống phân tích, chúng ta cần tiến hành phủ xanh đồi núi trọc bằng việc trồng rừng phòng hộ, khôi phục rừng tự nhiên (không trồng rừng để khai thác); hạn chế xây dựng, quy hoạch dân cư tại những khu vực được đánh giá có nguy cơ cao, mật độ trượt lở xảy ra nhiều.
Đối với công tác cảnh báo nguy cơ trượt, lở đất đá, cần tiến hành hướng dẫn, tuyên truyền đối với người dân địa phương về ứng phó, giảm thiểu thiệt hại của trượt, lở đất đá khi có cảnh báo cũng như trong mỗi mùa mưa bão. Tiến hành lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm trượt, lở đất, lũ quét tại những lưu vực có nguy cơ cao, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Ở Việt Nam, một số biện pháp sau có thể áp dụng tại các khu vực miền núi Việt Nam để bố trí các điểm dân cư tránh vùng nguy hiểm như: Di chuyển nhỏ lẻ các hộ gia đình xen kẽ vào trong các cụm dân cư an toàn, đã sinh sống ổn định. Phương pháp này ít phải đầu tư thêm cơ sở hạ tầng cho cụm dân cư, có thể tận dụng được những vùng có diện tích hạn chế để tái bố trí dân cư. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần hỗ trợ sinh kế cho người dân mới chuyển đến.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự Báo Thời Tiết Ngày 1/8: Mưa To Và Dông Kéo Dài Ở Nhiều Nơi Trên Cả Nước | SKĐS