Phòng, chống dịch tại Bảo Lâm (Cao Bằng): Khó nhất ở khâu tuyên truyền?

03-06-2016 09:47 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Liên quan đến sự việc 7 trẻ dưới 6 tháng tuổi tử vong do bệnh viêm não cấp ở xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng...

Liên quan đến sự việc 7 trẻ dưới 6 tháng tuổi tử vong do bệnh viêm não cấp ở xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, ngày 1/6, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến giám sát công tác phòng chống dịch tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm và BVĐK huyện Bảo Lâm. Qua buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ Y tế đã nắm bắt tình hình dịch bệnh, đồng thời hiểu rõ hơn những khó khăn thiếu thốn trong công tác phòng chống dịch tại địa phương nghèo và xa nhất của tỉnh Cao Bằng.

Nhiều khó khăn

Y sĩ Sầm Ngọc Nhậm - Trạm trưởng Trạm y tế xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm cho biết, Quảng Lâm là một xã vùng cao của huyện Bảo Lâm, cách huyện Bảo Lâm 12km. Giao thông đi lại khó khăn, trong xã có 1.013 hộ với 5.608 nhân khẩu. Người dân chủ yếu là dân tộc thiểu số, ít người sinh sống, nghề nghiệp chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí thấp, điều kiện vệ sinh kém, cơ cấu các dân tộc trên địa bàn xã, thêm vào đó là thu nhập bình quân thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra giám sát dịch bệnh tại một hộ gia đình tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng.

Mặc dù nhận được nhiều sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương sau khi phát hiện dịch trên địa bàn xã, tuy nhiên do địa bàn rộng, hiểm trở, trình độ dân trí thấp nên công tác phòng chống dịch bệnh tại xã gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, khó khăn nhất trong công tác tuyên truyền bởi bất đồng ngôn ngữ - Trưởng trạm y tế xã Quảng Lâm nhấn mạnh.

Y sĩ Nhậm cho biết thêm, ngày 19/5/2016, tại xã Quảng Lâm có 6 ca tử vong tại 3 xóm của xã: Tổng Ngoảng, Tổng Chảo, Nà Kiềng. Trong đó ghi nhận ca tử vong đầu tiên vào ngày 21/4/2016 tại xóm Tổng Quảng xã Quảng Lâm. Từ ngày 21/4-21/5 ghi nhận thêm 7 ca tử vong với các triệu chứng chủ yếu: quấy khóc, bỏ bú, bú kém, khó thở, sốt, nôn, tiêu chảy. Sau khi phát hiện, UBND xã đã thành lập tổ công tác phối hợp trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện xuống các xóm khám, điều trị và cấp phát thuốc cho những trường hợp mắc tại hộ gia đình; Hướng dẫn cho người dân cách xử lý phân và rác thải của người bệnh bằng cách đào hố để chôn lấp, hướng dẫn vệ sinh và ăn uống như: rửa trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn chín, uống chín; Phun khử khuẩn môi trường bằng cloramin B; tuyên truyền cho người dân chủ động tăng cường phòng chống dịch bệnh. Tính đến ngày 1/6/2016, tại xã không ghi nhận thêm trường hợp nào mắc mới.

BSCKI. Nguyễn Thị Minh - Giám đốc BVĐK huyện Bảo Lâm cho biết: “Bảo Lâm hiện còn gặp nhiều khó khăn trong công tác y tế. Huyện gồm 13 xã, dân cư thưa thớt chỉ 62 người/km2, chủ yếu là đồng bào người Mông với nhiều hạn chế về nhận thức và hiểu biết y tế. Đội ngũ y bác sĩ ở đây cũng còn thiếu và không được đào tạo chuyên sâu. Bệnh viện trung bình điều trị cho khoảng 130 bệnh nhân cả nội trú và ngoại trú, những đợt cao điểm thì lên đến 160, gấp hơn 10 lần số lượng bác sĩ hiện có tại bệnh viện”. Hiện bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn trong khâu chẩn đoán bởi chất lượng nhân lực còn hạn chế. Bên cạnh đó, do tập quán của người dân cũng như do đặc thù vùng miền và sự thiếu thốn về trang thiết bị nên bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong quá trình chẩn đoán, điều trị cũng như tuyên truyền cho người dân.

Giải pháp nào hiệu quả?

Các chuyên gia đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương được cử xuống tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tại Cao Bằng cũng nhận định, thực tế tại các địa phương cho thấy công tác y tế dự phòng, cụ thể là truyền thông về vệ sinh cá nhân và vệ sinh cộng đồng cần được tăng cường, đặc biệt là tại các địa bàn tập trung nhiều dân cư thuộc dân tộc thiểu số. Các bác sĩ tuyến cơ sở (xã, huyện) cần được tăng cường năng lực chuyên môn để phát hiện chính xác triệu chứng bệnh lý trẻ em, tiếp cận chẩn đoán ban đầu và đưa ra hướng xử trí phù hợp. Ngoài ra, cán bộ y tế cần tuyên tuyền cho người dân các phương pháp dự phòng viêm não bằng ăn chín, uống sôi, vệ sinh cho trẻ, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải của trẻ em và người lớn...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Sở Y tế Cao Bằng, UBND huyện Bảo Lâm cần chủ động và chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực để bảo đảm cho công tác phòng chống dịch; đồng thời tuyên truyền cho người dân để nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống...; trạm y tế phải phối hợp với UBND xã trong việc tuyên truyền cho bà con, khi có các dấu hiệu đau đầu, sốt, tiêu chảy thì đến ngay trạm y tế để khám và điều trị, không được tự ý điều trị tại nhà.

Trong một diễn biến liên quan, theo báo cáo của Sở Y tế Cao Bằng, ngày 31/5, trên địa bàn xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm đã có 36 người mắc bệnh với biểu hiện: sốt, đau đầu, tiêu chảy... trong đó có 23 người mắc là trẻ em dưới 5 tuổi. Nguyên nhân được xác định là bệnh tiêu chảy do lỵ trực trùng gây nên. Sau khi phát hiện, UBND xã đã thành lập tổ công tác phối hợp trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện xuống các xóm khám, điều trị và cấp phát thuốc cho những trường hợp mắc tại hộ gia đình.


Phương Tiến - Trung Thủy
Ý kiến của bạn