Phòng chống dịch sau bão, lũ: Không để người dân thiếu thuốc và chăm sóc y tế

18-11-2020 14:39 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong và sau mưa bão, lũ lụt, có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải... theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Ngành y tế các địa phương tỏa xuống địa bàn, chống dịch cùng nhân dân.

Tại Quảng Nam, bão lũ đã nhấn chìm nhiều ngôi nhà, làng mạc, tài sản và cả tính mạng của người dân. Không chỉ vậy, sau mưa lũ, người dân còn phải đối mặt với nguy cơ nhiều loại dịch bệnh bùng phát.

Theo TS.BS. Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam), việc chủ động phòng chống dịch bệnh là điều mà CDC Quảng Nam cần hỗ trợ làm ngay lúc này để đảm bảo sức khỏe và ổn định lại đời sống người dân sau những ngày bão lũ.

Ngành y tế đã kịp thời hỗ trợ phương tiện, nhân lực phòng chống dịch bệnh.

Sau bão lũ, CDC Quảng Nam đã được Bộ Y tế và Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ hơn 1.100kg cloraminB, 1.220.000 viên aquatabs, 50 cơ số thuốc, 25 bộ dụng cụ phòng, chống bão lụt, tất cả được cấp cho các trung tâm y tế 18 huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ người dân vệ sinh nước, vệ sinh môi trường... phòng chống dịch bệnh sau bão lũ.

Xử lý nước sau mưa lũ đảm bảo sức khỏe cho người dân. Ảnh: Thu Phương

Xử lý nước sau mưa lũ đảm bảo sức khỏe cho người dân. Ảnh: Thu Phương

Song song đó, công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ trong công tác vệ sinh môi trường cũng được CDC đẩy mạnh. Ngay sau bão lũ, trung tâm đã tiến hành kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, xác động vật chết, cung cấp phương tiện và hướng dẫn khử khuẩn nước, kiểm tra chất lượng sạch của các cơ sở cấp nước... tại các huyện ngập sâu và bị thiệt hại nặng nề sau bão như Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My...

Để kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm vùng lũ lụt, trung tâm cũng đã triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh ngay sau khi nước rút và sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật khi có dịch bệnh xảy ra.

TS.BS. Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết: “Trung tâm đã phân bổ theo nhu cầu các trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thường gặp sau bão lụt cho các huyện. Chỉ đạo các đội phòng chống bệnh truyền nhiễm của CDC bám sát địa bàn, hướng dẫn, giúp đỡ các huyện xử lý vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt sau lũ lụt với phương châm nước rút đến đâu xử lý môi trường và nguồn nước đến đó. Trước mắt tập trung cho các huyện ngập sâu”.

Đề phòng các dịch bệnh phổ biến. Sau mưu lụt do môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân phát sinh nhiều dịch bệnh như: đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....

Từ mấy năm nay, ngành y tế thị xã Ninh Hòa xuống cấp phát hàng loạt thuốc phòng ngừa và chống các loại dịch bệnh cho ngư dân, nhất là sau mỗi đợt lũ. Cùng với đó còn phun hóa chất trên diện rộng để dập tắt các mầm bệnh lây nhiễm. Các y, bác sĩ còn mở nhiều buổi tuyên truyền kiến thức phòng chống dịch cho bà con nên yên tâm hăng say lao động, sản xuất.

Tại Khánh Hòa, từng ngõ ngách trong làng chài Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa nhà nhà đều nắm vững cách phòng chống các loại dịch bệnh. Được sự hướng dẫn của cán bộ y tế, cách pha chloraminB khử khuẩn các giếng nước bị ngập trong lũ lụt, quy trình ăn chín, uống sôi, cách phát hiện sớm bệnh mắt đỏ, dịch tả... từ người già đến trẻ nhỏ đều nắm được. Theo đại diện của Trạm y tế xã Ninh Thủy, các cán bộ của trạm liên tục cung cấp kiến thức về dịch bệnh cho bà con thì họ sẽ có tinh thần chủ động, không còn cảnh ở nhà có bệnh rồi mới gọi bác sĩ hay đến trạm y tế nữa. Cách sử dụng và kiến thức về các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm ho, thuốc bôi ngoài da, chai nhỏ mắt, tiêu chảy... cũng được tư vấn hướng dẫn tận tình đến từng hộ dân.

Nhiều ngư dân cho biết: Đợt mưa lũ nào cũng có ngành y tế cử đoàn xuống thăm khám bệnh miễn phí. Thăm khám liên tục như vậy sẽ sớm phát hiện các mầm mống bệnh.

Để phòng bệnh, TS.BS. Trần Văn Kiệm cho rằng, bên cạnh công tác vệ sinh môi trường, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nâng cao hiểu biết, tự phòng chống các loại dịch bệnh thường gặp sau bão lũ.

Người dân cần chọn những thực phẩm hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi; vệ sinh và làm sạch các ngón chân khi tiếp xúc với nguồn nước nhiễm bẩn. Mưa bão sẽ làm tồn đọng nước xung quanh nhà ở, dễ sinh sôi lăng quăng, bọ gậy, do vậy, người dân cần diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ôtô... hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng, ngủ màn...; vệ sinh nguồn nước giếng sinh hoạt theo đúng quy định; thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.


Hải An - Văn Đạo
Ý kiến của bạn