Hà Nội

Phòng chống dịch Ebola - Các “lá chắn” đã sẵn sàng

12-08-2014 20:42 | Thời sự
google news

SKĐS - Đây là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh Ebola do Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 12/8.

Đây là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh Ebola do Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 12/8. Cuộc họp báo còn có sự tham gia của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Các bệnh viện lớn đã sẵn sàng

Thông tin mới nhất được PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông báo cho thấy, đến ngày 12/8, tổng cộng có 1.848 trường hợp mắc, trong đó có 1.013 trường hợp tử vong. Đặc biệt, vụ dịch lần này đã ghi nhận hơn 200 cán bộ y tế mắc bệnh, là những người trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Ebola. Một thông tin đáng mừng nữa là đến thời điểm này các nước châu Á chưa có trường hợp nào xác định nhiễm virut Ebola.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp thông tin về dịch Ebola ngày 12/8.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp thông tin về
dịch Ebola ngày 12/8.

Tại Việt Nam, để ngăn chặn dịch xâm nhập, ngành y tế đã đưa ra 3 tình huống: dịch chưa xâm nhập vào Việt Nam, xuất hiện trường hợp mắc và dịch lan rộng trong cộng đồng. Mỗi kịch bản có đáp ứng riêng và giám sát, điều trị, phòng bệnh, chỉ đạo, truyền thông. Hiện đang ở tình huống 1 nhưng một số hoạt động tại tình huống 2 đã được thực hiện để đáp ứng kịp thời khi có dịch. Theo kịch bản, những trường hợp nghi ngờ ca bệnh ở miền Bắc có thể đưa vào BV Nhiệt đới TW, BV Đống Đa; ở miền Nam có thể đưa vào BV Nhiệt đới; tại miền Trung là vào BV TW Huế, Đà Nẵng; Khánh Hòa...

Về xét nghiệm, hiện Việt Nam có 2 phòng sinh hóa an toàn ở cấp độ 3 ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và ở Viện Pasteur. Việt Nam đang làm việc với WHO để nếu cần xét nghiệm có thể xét nghiệm tại 2 phòng sinh hóa này để không phải gửi mẫu xét nghiệm ra nước ngoài.

Trước sự việc mạng xã hội đang lan truyền tin đồn có bệnh nhân nhiễm Ebola đang điều trị tại BV Bạch Mai, tại buổi họp, ông Trần Đắc Phu khẳng định, hiện tại Việt Nam chưa có bệnh nhân nào nhiễm bệnh này.

Nguy cơ virut Ebola xâm nhập vào Việt Nam thấp

Một trong những vấn đề được quan tâm tại cuộc họp báo là năng lực xét nghiệm bệnh dịch Ebola của Việt Nam, ông Kato Masaya - chuyên gia của WHO cho biết, WHO có trung tâm phối hợp trên thế giới nên khuyến cáo các nước có ca nghi ngờ nên lấy mẫu gửi đến các trung tâm này để xét nghiệm. Nhưng trường hợp quốc gia có hệ thống xét nghiệm đảm bảo về phân tích, an toàn sinh học tương đối cao mà các nước này mong muốn tự xét nghiệm WHO sẽ hỗ trợ các quốc gia này kỹ thuật để bất hoạt virut Ebola và tiến hành xét nghiệm. Nếu như Việt Nam mong muốn tự xét nghiệm, WHO hướng dẫn cho Việt Nam bất hoạt virut này. Ông Kato đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan tại Việt Nam trong việc ứng phó với dịch Ebola. “Thực tế, phải nhìn nhận, nguy cơ lây nhiễm Ebola ở Việt Nam là thấp. Tôi mong muốn báo chí tuyên truyền thông tin chính xác để không gây hoang mang cho cộng đồng” - Ông Kato nêu quan điểm.

Cũng tại buổi họp báo, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, bệnh HIV có cách thức lây truyền khá giống với bệnh do virut Ebola, chỉ khác là tốc độ, sức phá hoại của virut Ebola nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Tại Việt Nam, các bệnh viện đang điều trị bệnh AIDS, tức là đã có kinh nghiệm. Để ứng phó với dịch bệnh, hội đồng chuyên môn bao gồm các bác sĩ tại bệnh viện lớn ở miền Nam và miền Bắc đã được thành lập. Theo kịch bản được xây dựng, khi phát hiện ca nghi mắc, cần phát hiện sớm đưa về trung tâm để xét nghiệm, khi có dịch lớn, giữ điều trị tại chỗ.

10 công dân Việt Nam đang sống trong vùng dịch Ebola

Trước đó, trong chiều ngày 11/8, đã diễn ra cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch với sự tham gia của 10 bộ, ngành tại Bộ Y tế. Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Bích Hằng - Phó trưởng phòng Quan hệ lãnh sự, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, Bộ đã có công điện gửi đến cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước Nigeria, Maroc, Guinea, Sierra Leone thông báo tình hình dịch. Đồng thời yêu cầu hướng dẫn công dân sinh sống tại các nước này phòng chống dịch; báo cáo số lượng người Việt Nam đang sinh sống tại đây. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo trong trường hợp diễn biến xấu có thể rút nhân viên ngoại giao về nước. Thông tin bước đầu, tại Nigeria có 15 công dân Việt Nam, trong đó 5 người ở ngoài vùng dịch bệnh, 10 người ở trong vùng có bệnh, hiện sức khỏe bình thường.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, có văn bản yêu cầu không đưa lao động sang vùng có dịch, yêu cầu các doanh nghiệp nhắc nhở lao động trong vùng có dịch có biện pháp phòng ngừa, khi có dấu hiệu báo ngay với chủ sử dụng để có biện pháp phòng ngừa.

Với quyết tâm bằng mọi biện pháp không để dịch bệnh xâm nhập vào nước ta, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, các bộ, ngành khẩn trương triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Ebola với quyết tâm không để dịch xâm nhập vào Việt Nam. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ các biện pháp cần thiết; đồng thời tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho cán bộ cũng như người dân để tránh gây hoang mang trong cộng đồng... Mặt khác, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường giám sát việc nhập các vật nuôi, sản phẩm từ vùng có dịch. Bởi Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo virut Ebola trong tự nhiên tồn tại trên các động vật hoang dã như tinh tinh, dơi ăn quả, nhím, lợn rừng... Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Ngoại giao không cử cán bộ đi đến vùng đang có dịch bệnh trong trường hợp không cần thiết...

Bộ Y tế và UBND TP. Hà Nội kiểm tra việc kiểm dịch y tế tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Bộ Y tế và UBND TP. Hà Nội kiểm tra việc kiểm dịch y tế tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Tăng cường các “lá chắn”

Hiện hầu hết các cửa khẩu đã áp dụng tờ khai y tế đối với người nhập cảnh từ vùng dịch. Sáng ngày 12/8, đoàn công tác Sở Y tế TP.HCM đã đi thị sát kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Ebola tại cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Mỗi ngày, cảng hàng không Tân Sơn Nhất có 3 chuyến bay từ khu vực Trung Đông (nơi có những chuyến bay có hành khách từ vùng Tây Phi nhập cảnh về Việt Nam), với khoảng 750 hành khách. Tính đến trưa 12/8, tại TP.HCM mới chỉ có 1 du khách người Nigeria tới Việt Nam nhưng trong tình trạng sức khỏe tốt. Để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa dịch bệnh Ebola có nguy cơ xâm nhập, Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế đã triển khai nhiều biện pháp như đặt bốn máy đo thân nhiệt hành khách từ xa - trong đó hai máy hoạt động thường xuyên, hai máy còn lại sẽ bổ sung khi hành khách quá đông. Giám sát thân nhiệt hành khách nhập cảnh và thực hiện tờ khai y tế đối với những hành khách đã đến, lưu trú tại 4 quốc gia (Guinea, Liberia, Sierra Leone, Nigeria) đang có dịch Ebola bùng phát. Cụ thể, kiểm dịch viên y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ kiểm tra nội dung khai báo y tế của hành khách và đóng dấu xác nhận đã kiểm tra trước khi hành khách làm thủ tục nhập cảnh, quá cảnh. Tờ khai báo y tế có đủ các nội dung như tên, tuổi, vùng quốc gia xuất phát; các triệu chứng sốt, tiêu chảy, vàng da, xuất huyết, khó thở... Kiểm dịch viên y tế của trung tâm đã được hướng dẫn những quy trình giám sát, kiểm soát, xử lý dịch bệnh theo quy định. Khi phát hiện hành khách nghi ngờ nhiễm Ebola, kiểm dịch viên y tế áp dụng biện pháp cách ly, điều tra dịch tễ và chuyển đến bệnh viện điều trị bằng xe chuyên dụng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phân phát tờ rơi, các địa chỉ của các cơ sở y tế để du khách có thể liên hệ khi cần...

Sáng 11/8, Bộ Y tế và UBND TP. Hà Nội đã kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh tại sân bay Nội Bài. Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế có 2 phòng cách ly với các thiết bị cấp cứu cần thiết, 2 máy kiểm tra thân nhiệt hoạt động tốt. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện Việt Nam không có đường bay thẳng từ châu Phi về nên việc tổ chức giám sát người đến từ vùng có dịch rất khó khăn. Sở đã chỉ đạo giám sát tất cả những hành khách đến từ châu Phi rải rác tại tất cả các chuyến bay thông qua hộ chiếu. Đồng thời tiến hành phân loại hành khách. “Nếu khách đến các khu vực dân cư thì trung tâm y tế các quận, huyện sẽ chịu trách nhiệm giám sát. Nếu về khách sạn, nhà nghỉ thì chúng tôi cử người phối hợp với cơ chính quyền địa phương. Thời gian giám sát trong vòng 21 ngày. Nếu khách về các tỉnh khác thì chúng tôi báo cáo với Cục Y tế dự phòng để Cục thông báo cho các địa phương đó và ngược lại”, ông Hiền nhấn mạnh.

Cũng trong ngày 11/8, Văn phòng đáp ứng khẩn cấp với các loại dịch bệnh (EOC) trong đó có dịch bệnh Ebola chính thức đi vào hoạt động. Văn phòng này sẽ tiếp nhận, tổng hợp, xác định, phân tích thông tin về tình hình dịch bệnh và các hoạt động đáp ứng từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; tổ chức đánh giá nguy cơ của dịch bệnh và thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày, tuần, tháng theo quy định.

Thái Bình - Nguyễn Huyền

 


Ý kiến của bạn