Hà Nội

Phòng chống dịch COVID-19 trong nhà trường: Y tế học đường đóng vai trò quan trọng

16-05-2020 17:58 | Thời sự
google news

SKĐS - Học sinh, sinh viên trên cả nước đã kết thúc 1 tuần đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài phòng, chống dịch COVID-19. Tại các trường học, nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường liên tục được triển khai. Qua đợt cao điểm của dịch bệnh cho thấy, y tế học đường có vai trò cực kỳ quan trọng trong kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số trường từ cấp mầm non đến đại học tại Hà Nội, các nhà trường đã tăng cường nhiều biện pháp quản lý bảo đảm vừa dạy học tốt, vừa nâng cao ý thức phòng, chống dịch.

Vai trò của y tế học đường được chú trọng

Công tác y tế học đường ngày càng được đánh giá có vai trò quan trọng trong giáo dục, liên quan trực tiếp đến phát triển thể chất của học sinh, sinh viên.

Cả nước hiện có gần 23 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên, chiếm tỷ lệ khoảng 1/4 dân số. Đây là nhóm đối tượng đang trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần, dần hình thành thói quen sinh hoạt cho cuộc sống sau này, vì vậy rất cần được chú ý trong giáo dục, rèn luyện, qua đó tạo thuận lợi, góp phần giúp các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.

Trong quá trình trưởng thành của các em, y tế học đường đóng vai trò quan trọng, vì lứa tuổi đi học là giai đoạn hoàn thiện thể chất, tinh thần, hành vi lối sống. Hơn nữa, trong đời sống xã hội hiện đại hôm nay, môi trường trường học ẩn chứa không ít nguy cơ tiềm ẩn dễ phát sinh bệnh tật ở học sinh, sinh viên.

Sổ theo dõi sức khỏe của học sinh trong suốt năm học.

Tại Trường mầm non Thực hành Linh Đàm (quận Hoàng Mai), trong tuần vừa qua, 80% học sinh của trường đi học trở lại, số còn lại vẫn ở quê chưa lên hoặc gia đình cho trẻ nghỉ học tại nhà. Trước đó, nhà trường đã thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

Nhân viên y tế của trường kết hợp với cán bộ giáo viên trong toàn trường kiểm tra thân nhiệt cho các con vào 2 buổi/ngày (đón và trả trẻ), hướng dẫn các con đeo khẩu trang đúng cách trên đường đến trường và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, kịp thời phát hiện trường hợp trẻ có dấu hiệu ốm ngay ở khâu đón trẻ và ghi nhật ký hằng ngày về diễn biến sức khỏe của từng trẻ tại trường.

Cô Nguyễn Ánh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ban Giám hiệu luôn đánh giá cao vai trò của cán bộ y tế trường học bởi họ là người có trách nhiệm tham mưu cho hiệu trưởng việc tổ chức triển khai các hoạt động giáo dục sức khỏe, các chương trình phòng chống dịch, bệnh cho học sinh trong trường. Mặt khác, nhân viên y tế tại trường không chỉ dừng lại ở việc sơ cứu ban đầu, mà còn chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của học sinh trong suốt năm học thông qua bệnh án được khám bệnh vào mỗi đầu năm, truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, xây dựng khung dinh dưỡng y tế, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng ngày cho bếp ăn trường học...”.

Tăng cường chất lượng y tế học đường

Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tới nay, Trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi sao Hà Nội luôn có những biện pháp ứng phó chủ động và phù hợp nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe của học sinh cùng các cán bộ nhân viên trong nhà trường.

Học sinh hát vang Quốc ca trong lễ chào cờ tại lớp học trong buổi sáng đầu tuần.

Ngày đầu tiên cho con trở lại trường học, nhiều phụ huynh chia sẻ, chỉ thực sự yên tâm cho con quay lại trường học khi môi trường học đường đảm bảo an toàn, các thầy cô giáo cũng như bộ phận nhân viên chăm sóc bán trú của nhà trường được tập huấn kỹ càng về việc phòng dịch COVID-19.

Trước khi học sinh chính thức đi học trở lại, nhà trường yêu cầu tất cả cán bộ giáo viên và học sinh khai báo y tế online; Liên tục tổ chức tập huấn cho cán bộ giáo viên để công tác đón học sinh được chu đáo và an toàn. Ngoài hoạt động tập huấn chung cho toàn trường, từng bộ phận cũng có những buổi tập huấn riêng theo đặc thù nhiệm vụ phụ trách.

Trong tuần vừa qua, nhà trường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn như: đo thân nhiệt; khử khuẩn tay trước khi vào trường; hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách, đúng thời điểm; giữ khoảng cách khi ăn uống; chiếu những video hướng dẫn học sinh các cách phòng chống dịch; phối hợp với phụ huynh nhắc nhở mang bình nước cá nhân, nước rửa tay khô, khẩu trang…

Bên cạnh hệ thống bình xịt dung dịch sát khuẩn được đặt tại các điểm công cộng trong trường còn có 3 máy rửa tay cảm ứng tự động tại các điểm chính ra vào trường.

Đặc biệt, y tế học đường được nhà trường hết sức lưu tâm. Phụ trách phòng Y tế là Bác sĩ tốt nghiệp ĐH Y Dược Thái Bình. Ngoài các trang thiết bị y tế theo đúng quy định, nhà trường cũng chủ động trang bị đầy đủ các thiết bị sau: Nhiệt kế thủy ngân theo đúng quy định tại phòng Y tế (12 cái); 80 nhiệt kế điện tử đo trán (giáo viên sẽ trực tiếp kiểm tra thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp)...

Cán bộ y tế kiểm tra thân nhiệt cho học sinh.

Hàng ngày, sau khi kết thúc buổi học, các lớp đều được khử khuẩn bằng cồn 70 độ. Cuối tuần nhà trường sẽ tiến hành vệ sinh khử khuẩn toàn trường bằng Cloramin B 0,5%.

Sau 1 tuần các con đến trường, phòng Y tế nhà trường ghi nhận 6 học sinh có biểu hiện sốt, trong đó có 4 bạn sốt nhẹ (37,5 độ C) và 2 bạn sốt vừa (38,2 độ) do cảm cúm, viêm amidal, viêm họng (kết quả được phụ huynh thông báo sau khi cho con đi khám).

Công tác bán trú cũng được nhà trường đặc biệt chú trọng khi học sinh đi học trở lại. Trong giai đoạn này, nhà trường ưu tiên đưa vào thực đơn các các món ăn nâng cao sức đề kháng cho học sinh...

Y tế học đường - điều kiện then chốt để kiểm soát dịch

Là một trường thuộc Bộ Công an, Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) là cơ sở duy nhất ở Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực cán bộ PCCC, cứu nạn, cứu hộ cho ngành Công an và các ngành kinh tế quốc dân. Hiện Trường PCCC tập hợp tất cả học viên từ 64 tỉnh thành trên cả nước học tập tại đây nên công tác phòng chống dịch luôn được  nhà trường chú trọng.

Tổng số học viên đang theo học tại trường là 2612 người. Từ 8/2-4/5, tất cả học viên đều học tập, sinh hoạt tại trường, nghỉ tại ký túc xá, trừ trường hợp bất khả kháng thì được về và khi nhập trường phải theo dõi cách ly 14 ngày tại Bệnh xá nhà trường. Tuy rằng số học viên đều học tập và sinh hoạt tại trường trong thời gian dịch bệnh xảy ra nhưng Bệnh xá nhà trường vẫn thực hiện nghiêm những nội dung phòng chống dịch mà các cấp đề ra.

Học viên được kiểm tra thân nhiệt trước mỗi buổi lên giảng đường.

BS. Đoàn Thị Nhung – Phụ trách bệnh xá của trường cho biết: Từ khi dịch COVID-19 bùng phát tới nay, Phòng Hậu cần là đơn vị thường trực theo dõi, tổng hợp tình hình, diễn biến dịch bệnh toàn trường và hằng ngày có báo cáo nhanh về Ban chỉ đạo nhà trường để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời. Nhà trường luôn đảm bảo đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, phòng ở bệnh nhân, giường bệnh, khu vực cách ly, phương tiện phòng hộ cá nhân để sẵn sàng phòng chống dịch.

Bệnh xá nhà trường thường xuyên nắm bắt tình hình sức khỏe của cán bộ, giáo viên, học viên, quán triệt nhắc nhở cán bộ, học viên, giáo viên thực hiện nghiêm các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Yêu cầu tất cả cán bộ, chiến sĩ phải kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào phòng làm việc, phòng học. Ngoài ra, Bệnh xá còn thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch bệnh cho học viên trong trường giúp các em có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng, chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội.

Có thể khẳng định, từ thực tiễn công tác y tế trường học và khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, vai trò của nhân viên y tế trường học là cực kỳ quan trọng để kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh.

Theo báo cáo kết quả khảo sát tại các địa phương của Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT mới đây cho thấy, cả nước có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nhưng tổng số nhân viên y tế trường học chỉ chiếm 74,9%, trong đó biên chế là 53,7%, hợp đồng là 21,2% và số cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế trường học là 25,1%, chủ yếu ở cấp học mầm non. Số trường có cán bộ làm công tác y tế trường học có trình độ chuyên môn đảm bảo theo quy định (từ y sĩ trở lên) chỉ đạt khoảng 30%.

Ngành giáo dục cũng đánh giá, hơn 10 năm thực hiện chỉ thị của Bộ Y tế về chăm sóc sức khỏe học đường, công tác này vẫn chưa có những thay đổi vượt bậc ở hầu hết các địa phương. Tỉ lệ trường có phòng y tế mới đạt hơn 50%, cùng với đó chỉ có khoảng 55% số trường thực hiện quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của học sinh. Thông tư 13 quy định, nhân viên y tế trường học phải có trình độ từ trung cấp y trở lên, nhưng số trường có cán bộ đảm bảo trình độ chuyên môn này chỉ đạt khoảng 30%.

Để công tác phòng chống dịch tại trường học có hiệu quả cần nhanh chóng thống kê xem trường nào chưa có nhân viên y tế trường học để bổ sung gấp, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Y tế trường học không những cần trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế… mà chất lượng cán bộ y tế phải đảm bảo được yêu cầu.

Mong rằng, công tác y tế học đường ngày càng được nâng cao trong vai trò, vị trí, tầm quan trọng đã được xác định và sự quan tâm của toàn xã hội. Là công tác quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp giáo dục sức khỏe cho thế hệ trẻ và tầm quan trọng ngang với các nội dung khác của nhà trường, nhằm thực hiện khẩu hiệu: Tất cả vì tương lai con em chúng ta. Tất cả vì học sinh thân yêu!


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn