Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã bàn thảo về vấn đề quản lý người xuất nhập cảnh, tổ chức công tác cách ly đối với các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao và người thân vào Việt Nam làm việc, sinh sống, học tập; giáo viên người nước ngoài, lưu học sinh; đưa người Việt Nam từ nước ngoài về nước; quản lý phi hành đoàn, tổ bay quốc tế; xem xét ý kiến về việc tái khởi động hoạt động du lịch quốc tế;…
Phát biểu tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế chia sẻ: Chúng ta đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh trong nước nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn hết sức phức tạp. Trong bối cảnh chúng ta đón các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài vào làm việc; đưa người Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch về nước, dẫn tới nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào trong nước là rất lớn.
“Với những người làm công tác phòng, chống dịch, chúng tôi lại cảm thấy lo ngại hơn. Vì chỉ cần để lọt 1 ca bệnh xâm nhập vào trong nước mà không kịp thời phát hiện sẽ dẫn tới tình trạng dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục phải quản lý chặt chẽ người nhập cảnh theo quy định”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Tán thành quan điểm này, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng đề nghị tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ người nhập cảnh; tổ chức cách ly tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định. Các ý kiến đề nghị giao Bộ Quốc phòng tổ chức tiếp nhận quản lý cách ly đối với các lưu học sinh vào Việt Nam học tập.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất thời gian tới cần tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh theo quy định. Ảnh: VGP/Đình Nam
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng các bộ ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phòng, chống dịch (bao chặt bên ngoài, nới lỏng bên trong) để tổ chức thực hiện cách ly thành viên tổ bay quốc tế, chuyên gia, lưu học sinh vào Việt Nam theo đúng quy định, vì nguy cơ xâm nhập rất cao.
Ban Chỉ đạo thống nhất yêu cầu các địa phương phải tiếp tục quản lý chặt chẽ các phi công, thành viên tổ bay quốc tế; đặc biệt phải quản lý chặt chẽ các khách sạn cũng như những người làm việc tại khách sạn được sử dụng để tổ chức cách ly phi hành đoàn quốc tế theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh. Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế cử các đội phản ứng nhanh đến kiểm tra ngay các khách sạn đang được sử dụng để tổ chức cách ly tổ bay, phi hành đoàn quốc tế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có)…
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết: Vừa qua chúng ta đã tiến hành khởi động lại du lịch nội địa. Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn,… đã cung cấp nhiều chương trình khuyến mại, sản phẩm hấp dẫn đối với du khách trong nước. Qua đó, du lịch nội địa đã có tăng trưởng tương đối tốt, thậm chí có những khách sạn đã đạt công suất tới 100%. Đây là những tín hiệu rất lạc quan đối với du lịch nội địa.
Đối với ý kiến về tái khởi động hoạt động du lịch quốc tế sau đại dịch COVID-19, các thành Ban Chỉ đạo thống nhất chưa mở cửa đón du khách quốc tế vào Việt Nam; chưa bàn về thời gian mở cửa du lịch trở lại.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thống nhất cho rằng, chỉ khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế khi đáp ứng đủ điều kiện và trước tiên chỉ xem xét đón khách đến từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh và bước đầu chỉ nên tổ chức thí điểm đón khách du lịch đến một số đảo, song song với đó phải có các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ cho người dân địa phương và du khách trong nước.
Về đề xuất của UBND tỉnh Kiên Giang cho phép đón du khách nước ngoài đến du lịch ở đảo Phú Quốc. Ban Chỉ đạo giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch bàn bạc, trao đổi cụ thể, thống nhất với tỉnh Kiên Giang về thời điểm, lộ trình mở cửa và các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ, báo cáo lại Ban Chỉ đạo xem xét.
Trên Thế giới: Ghi nhận 5.701.324 trường hợp mắc Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận số mắc cao nhất, với1.725.278trường hợp; 11 quốc gia khác có số mắc trên 100.000 trường hợp (Brazil, Nga, Tây Ban Nha, Anh, Ý, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Iran, Peru); 37 quốc gia có số từ 10.000 - 100.000 trường hợp; 61 quốc gia/vùng lãnh thổ có số mắc từ 1.000 - 10.000 trường hợp; 105 quốc gia/vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc.
Ghi nhận 352.573 trường hợp tử vong, trong đó số tử vong tại cao nhất tại Mỹ với 100.572 trường hợp, 5 quốc gia khác có trên 10.000 trường hợp tử vong (Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Brazil), 20 quốc gia có số tử vong từ 1.000 - 10.000 trường hợp, 31 quốc gia/vùng lãnh thổ chưa ghi nhận tử vong do Covid -19 (trong đó có Việt Nam).
Tại khu vực Đông Nam Á, ghi nhận 83.275 trường hợp mắc và 2.579 tử vong, trong đó Singapore ghi nhận số mắc cao nhất (32.876), Indonesia ghi nhận số tử vong cao nhất (1.473); 4 quốc gia chưa ghi nhận tử vong do dịch Covid-19 (Việt Nam, Campuchia, Timo-Leste và Lào).
Tình hình dịch trong tuần từ 20 – 27/5: Trong tuần từ 20-27/5, thế giới ghi nhận thêm 700.725 trường hợp mắc và 27.417 tử vong. So với tuần trước đó (từ 12-19/5), số mắc vẫn tiếp tục tăng trên 100 ngàn trường hợp, tuy nhiên số tử vong giảm hơn 5 ngàn trường hợp.
Khu vực Nam Mỹ được ghi nhận là tâm dịch mới của thế giới với 686.365 trường hợp mắc và 33.981 tử vọng tại toàn bộ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch Covid-19 trong khu vực Nam Mỹ, với 394.507 trường hợp mắc và 24.593 tử vong.
Tại Việt Nam: Ghi nhận 327 trường hợp mắc COVID-19 (liên tiếp 41 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới tại cộng đồng); ngày 27/5 không ghi nhận trường hợp mắc mới, ghi nhận 6 trường hợp khỏi bệnh đã được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Ghi nhận tổng số 278 trường hợp đã được điều trị khỏi, chiếm 85% số trường hợp mắc. Hiện có 49 bệnh nhân đang điều trị tại 8 cơ sở khám, chữa bệnh; 23 trường hợp âm tính từ 1 lần trở lên (trong đó có 17 trường hợp âm tính từ 2 lần trở lên).
Về các trường hợp bệnh nhân nặng: bệnh nhân số 91 vẫn trong tình trạng nguy kịch; bệnh nhân số 298 và 320 có biểu hiện viêm phổi, đang được thở ô xy.