Phòng chống dịch COVID-19: Cuộc chi viện tổng lực và hiếm có

02-09-2020 19:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 25/7, Đà Nẵng phát hiện ca bệnh COVID-19 số 416 - ca đầu tiên sau một thời gian Việt Nam không có ca bệnh lây nhiễm ở cộng đồng. Chỉ sau 1 tuần bùng phát, số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh liên tục. Nhận định tình hình nghiêm trọng, chiều tối 30/7, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Bộ phận Thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP. Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận.

Chiều tối ngày 31/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có mặt tại sân bay Phú Bài, Thừa Thiên Huế. Xuống sân bay, ông đi thẳng đến Bệnh viện (BV) TW Huế cơ sở 2 - nơi đang điều trị 12 bệnh nhân COVID-19 rất nặng được chuyển từ Đà Nẵng ra. Tại đây, sau khi thăm, động viên bác sĩ bệnh viện đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, một cuộc làm việc trực tuyến chớp nhoáng giữa Huế và Đà Nẵng được nối cầu truyền hình. Kết thúc buổi làm việc cũng hơn 21h. Và từ đây, thế trận nhân dân chống dịch COVID được... bắt đầu.

Quyết sách kịp thời, làm việc không kể ngày đêm

Khi vào miền Trung thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ nơi tuyến đầu vững tin hơn vì luôn nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời, luôn đồng hành và chia sẻ với anh em tại Đà Nẵng của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Trong gần 1 tháng trực tiếp tại hiện trường, Bộ phận Thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao, liên tục, không kể ngày đêm của Quyền Bộ trưởng. Ông lo lắng trong những ngày có ca bệnh tăng nhanh với 2 con số. Ông gọi điện động viên, chia sẻ, cảm thông đến Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khi có những bệnh nhân quá nặng dù các bác sĩ đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn tử vong.

Động viên người bệnh yên tâm điều trị tại BV Dã chiến Hòa Vang - Đà Nẵng.

Động viên người bệnh yên tâm điều trị tại BV Dã chiến Hòa Vang - Đà Nẵng.

Quyền Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã tập trung toàn lực hỗ trợ, chia sẻ với TP. Đà Nẵng - “tâm dịch” trong việc xét nghiệm, truy vết, dập dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19... “Ngành y tế tập trung tối đa lực lượng tinh nhuệ nhất để khoanh vùng, dập dịch ở Đà Nẵng.

Ngoài các lực lượng của Bộ Y tế đang ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã cử các chuyên gia đầu ngành ở các BV Trung ương vào tuyến đầu”. Hơn 300 cán bộ, chuyên gia y tế, bác sĩ, điều dưỡng từ mọi miền đất nước đã được huy động trong cuộc chi viện tổng lực hiếm thấy vào miền Trung khống chế dịch COVID-19.

Bộ Y tế đã cử đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tinh nhuệ nhiều lĩnh vực như hồi sức, truyền nhiễm, cấp cứu, thận nhân tạo, xét nghiệm, dịch tễ, tim mạch, ung bướu... của các BV và viện lớn như BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, BV Đại học Y Hà Nội, BV Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang... lên đến hàng trăm người vào hỗ trợ BV TW Huế cơ sở 2, BVĐK TW Quảng Nam, BV Đà Nẵng, BV Dã chiến Hòa Vang, BV Phổi Đà Nẵng và một số cơ sở y tế khác của Đà Nẵng... nhằm nâng cao năng lực điều trị, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Ngày 7/8, Quyền Bộ trưởng đã chủ trì buổi giao ban giữa “Tổng hành dinh” của Bộ với Bộ phận Thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng. Tại buổi giao ban này, Quyền Bộ trưởng đã yêu cầu “Bộ Chỉ huy tiền phương” mà trực tiếp là Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phải có sự điều phối về nhân lực để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã huy động cũng như tránh sự chồng chéo.

Năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng tăng hàng chục lần chỉ trong vòng ít ngày nhờ sự chi viện tổng lực của Bộ Y tế

Ngay sau buổi giao ban, đã có nhiều quyết định nhanh chóng được đưa ra vì khoanh vùng, truy vết, điều trị bệnh nhân nặng cần khẩn trương, không có thời gian cân nhắc.

Nhờ các quyết định ngay tại chỗ của Bộ phận Thường trực đặc biệt mà việc điều chuyển sinh phẩm máy móc, trang thiết bị, con người từ các BV, từ các viện nghiên cứu đều được đáp ứng nhanh, chính xác, kịp thời. Từ đó, cứu chữa cho bệnh nhân đã nhanh chóng đạt được những kết quả khả quan.

Bộ phận thường trực đặc biệt đã nỗ lực trên tất cả “mặt trận” truy vết, giám sát, cách ly, điều tra dịch tễ, điều trị, phân luồng điều trị, hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến dưới để giải tỏa bệnh nhân cho Đà Nẵng.

Đặc biệt, trong vấn đề xét nghiệm, với sự tăng cường cả nhân lực và phương tiện, hiện nay, công suất xét nghiệm tại Đà Nẵng đã tăng vượt bậc, đạt trên 15.000 mẫu/ngày.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và các đồng nghiệp phải di chuyển liên tục từ nơi này qua nơi khác để kiểm tra, giám sát, thăm hỏi, trao đổi về việc điều trị bệnh nhân, chống lây lan bệnh tại cộng đồng.

Các chuyến đi dày đặc, như con thoi giữa Đà Nẵng với huyện Phong Điền (cơ sở 2 của BV TW Huế) rồi đến Quảng Nam, vào Quảng Ngãi, ra đến Quảng Trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, làm việc tại BV Trung ương Huế cơ sở 2

Các tổ nhóm ở các BV, viện thường hội ý vào buổi tối, sau bữa cơm ăn vội. Sáng sớm hôm sau, Bộ phận Thường trực đặc biệt (bao gồm 2 nhóm: dịch tễ và điều trị) tỏa đi từng đơn vị điều trị như  BV TW Huế, BV Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn, BVĐK TW Quảng Nam, BVĐK Quảng Ngãi, BVĐK Quảng Trị, tập huấn ngay tại chỗ cho cán bộ chủ chốt CDC Quảng Trị... tìm hiểu khó khăn, gỡ khó hoặc đi đến các ổ dịch để hỗ trợ về cách ly, khoanh vùng, dập dịch cho địa phương.

Sau đó, họ lại phải chuẩn bị các báo cáo về tình hình dịch, bàn thảo để đưa ra các quyết định phòng chống dịch bệnh, điều trị cho bệnh nhân.

Tôi không thể nào quên cuộc điện thoại lúc 1h30 ngày 6/8/2020 của BSCKII. Trần Thanh Linh - Phó khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy dựng dậy để theo anh đến  BV Dã chiến Hòa Vang thực hiện ca đặt ECMO cho bệnh nhân 585.

Những cuộc làm việc bất ngờ giữa đêm khuya hay rạng sáng là chuyện rất đỗi bình thường mà các bác sĩ tăng cường từ Chợ Rẫy, Bạch Mai khi làm việc tại Đà Nẵng. Bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nói: “Tôi thấy có những khi 2 giờ sáng mà các bác sĩ phải từ BV Dã chiến Hòa Vang sang BV Phổi để hội chẩn cho bệnh nhân. Những lần 2, 3 giờ sáng, các bác sĩ vẫn có cuộc trao đổi về chuyên môn là không ít. Gần như các y bác sĩ không hề có khái niệm về thời gian mà làm hết mình dù bất cứ lúc nào, ở đâu”.

Nốt trầm

Ngày 16/8 chắc chắn sẽ là ngày khó quên của các thầy thuốc trên tuyến đầu khi công bố BN 582 khỏi COVID-19. BN 582 nhập viện ngày 31/7 với biểu hiện khó thở và có các bệnh nền: tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cục bộ.

Sau 2 ngày nhập viện, bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng nề. Đến ngày 2/8, phổi của BN diễn tiến nhanh, phải tiến hành chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), đồng thời lọc máu. Ngoài tổn thương phổi, BN còn bị tổn thương tim trên bệnh lý nền của tăng huyết áp, suy tim.

Có những thời điểm, bác sĩ tiên lượng BN sẽ khó qua khỏi. Với tinh thần quyết liệt, hội chẩn trực tuyến, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Y tế và Tiểu ban Điều trị, các y bác sĩ đã nỗ lực theo dõi sát chỉ số sức khỏe hàng ngày và niềm vui thật vỡ òa khi bệnh nhân khỏi COVID-19 và rời Đơn vị Hồi sức tích cực. BS. Trần Thanh Linh - Phó Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy giọng nghèn nghẹn xúc động khi đọc những dòng cảm ơn của bệnh nhân viết vội trên bìa các-tông khi nằm trên giường bệnh: “Cảm ơn sự thân thiện của các bác sĩ, y tá BV Chợ Rẫy, BV Đà Nẵng, BV Phổi, Sở Y tế đã dành sự yêu thương bệnh nhân như yêu thương con cái. Tôi vô cùng biết ơn họ. BN 582”.  “Tôi cảm nhận đó là lời cảm ơn rất chân thành của một thầy giáo là BN COVID-19 từ cửa tử trở về”, BS. Linh nói.

Thế nhưng, với BS. Linh và nhiều y bác sĩ khác, niềm vui không được trọn vẹn bởi có những BN đã tử vong: “Chúng tôi hy vọng với sự nỗ lực của đội ngũ y tế, của tất cả các anh em từ BV Chợ Rẫy, BV Đà Nẵng, BV Bạch Mai, sự động viên, chỉ đạo từ các thầy, các chuyên gia y tế đầu ngành hội chẩn liên tục..., chúng ta sẽ hạn chế tối đa các trường hợp tử vong và cứu sống thật nhiều BN, đặc biệt là các BN trong tình trạng nặng với rất nhiều bệnh nền. Tuy nhiên, dù chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng với những bệnh nền quá nặng như giọt nước tràn ly, chúng tôi lực bất tòng tâm, niềm vui chúng tôi không trọn vẹn được...”.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, trong rất nhiều cuộc trao đổi với báo chí, khi được phỏng vấn về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân COVID-19, mắt ngân ngấn nước, giọng nói chùng xuống: Mỗi lần phải soạn tin về các ca tử vong thì một lần chúng tôi lại như xát muối trong lòng. Chúng ta không muốn điều đó, chúng tôi đã nỗ lực hết sức. Tuy nhiên, trên thực tiễn, khi bệnh dịch xảy ra trên một quần thể người bệnh yếu thế, việc tiên lượng tử vong là khó tránh khỏi.

Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế kiểm tra BV Đà Nẵng khi còn đang phong tỏa.

Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế kiểm tra BV Đà Nẵng khi còn đang phong tỏa.

Sự hỗ trợ kịp thời

Ngày 18/8 là một ngày đáng nhớ của BV TW Huế cơ sở 2. 6 BN ra viện trong ngày hôm đó đều là những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, suy thận mạn, suy tim, tăng huyết áp.

Họ là những bệnh nhân quê ở Quảng Nam, Đà Nẵng nhiễm SARS-CoV-2. Tạm biệt bác sĩ, bệnh nhân T.T.M (37 tuổi) đã viết bức thư gửi: “Biết mình mắc bệnh, em rất hụt hẫng, hoang mang. Khi xe tới đưa ra Huế, em đã không đứng vững được bởi không muốn ra Huế chữa. Em như tuyệt vọng. Nhưng mỗi ngày nhìn thấy các bác sĩ mồ hôi ướt đẫm như mưa mà em thấy phải cố gắng vượt qua để không phụ lòng...

Em như có cảm giác của một đứa trẻ, được mẹ vỗ về. 20 ngày trôi qua, em đã khỏe mạnh, được cho xuất viện nên mừng rơi nước mắt”, chị M. viết và nói rằng sẽ không bao giờ quên ơn đội ngũ thầy thuốc.

TS. BS. Nguyễn Thanh Xuân - Phó Giám đốc BV TW Huế cho biết, từ khi thành lập Trung tâm Cách ly và Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại cơ sở 2, BV TW Huế cử 120 y bác sĩ có chuyên môn giỏi nhất để điều trị, chăm sóc các bệnh nhân.

Trực tiếp GS.TS. Phạm Như Hiệp - Giám đốc BV luôn ứng trực tại chỗ, trực tiếp tham gia hội chẩn.

Điều vui mừng là bên cạnh chúng tôi luôn có các thầy tiếp sức. PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội dẫn đầu một đội tinh nhuệ có mặt thường xuyên. BSCK2. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW cùng những chuyên gia về hồi sức tốt nhất của BV đều có mặt tại Huế.

Thế trận nhân dân

“Những cán bộ y tế của chúng tôi nhận lệnh điều động trong vòng 2 giờ đã có mặt tại khu cách ly và ở đó liên tục để chăm sóc, điều trị cho BN. Chúng tôi rất vui mừng, quên đi những vất vả khi các BN được chữa khỏi, được ra viện, trở về với quê hương, gia đình”, BS. Nguyễn Thanh Xuân - Phó Giám đốc BV TW Huế nói.

Lữ đoàn 283, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng nhận nhiệm vụ vận chuyển vật tư y tế đến Kho tiền phương của Bộ phận thường trực đặc biệt tại Đà Nẵng

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ở Đà Nẵng, tại “Tổng hành dinh” chống dịch miền Trung diễn ra liên tục các buổi họp xuyên đêm, xuyên trưa không ngơi nghỉ của các Ban Chỉ đạo, của Sở Y tế, của đội điều trị, của đội dịch tễ. Nửa đêm, các bác sĩ về nơi nghỉ ngơi, vừa đặt lưng xuống giường đã vội bật dậy lao đi cấp cứu khi nhận được điện thoại có BN nặng...

“Tôi đã trải qua những cảm xúc thật khó quên. Như tôi vừa gặp một bạn từ quận Bình Tân, TP.HCM không hề có chuyên môn y tế nhưng vẫn tìm ra BV 199 tại Đà Nẵng để “giúp được gì thì giúp”. Bạn đó đã ở BV 199 từ đầu mùa dịch, làm nhiều việc cho BV như vận chuyển máu cho BV, tiếp nhận máu từ nơi khác. Những hành động trân quý rất cảm động  - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kể lại.

Theo chân các thầy thuốc, tôi đã gặp những những cán bộ y tế mặc trang phục bảo hộ kín mít, không thấy mặt. Sau 6-7 giờ tận tâm chăm sóc BN, khi cởi đồ bảo hộ, nhiều nhân viên y tế đã kiệt sức vì mệt và mất nước. Chỉ nghỉ ngơi ít phút, khi có BN đến, họ lại lao vào khu vực cách ly.

Cán bộ y tế vào khu điều trị bệnh nhân COVID-19

Hưởng ứng lời kêu gọi của TP. Đà Nẵng, các bác sĩ từ Hải Phòng, Bình Định, Nghệ An và Phú Thọ đã tình nguyện vào Đà Nẵng “chia lửa” với đồng nghiệp. Trong hoàn cảnh 3 BV: C Đà Đẵng, BV Đà Nẵng, BV Chỉnh hình - Phục hồi chức năng cùng bị phong tỏa, lực lượng y tế tại chỗ đã phải “gồng mình” căng sức trên khắp mặt trận. Sự chi viện kịp thời từ các địa phương bạn về nhân lực là nguồn bổ sung quý báu giúp lực lượng y tế tại chỗ vượt qua những thời khắc ngặt nghèo nhất.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân vào các tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng. Với khuyến nghị của Bộ phận Thường trực đặc biệt, các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu kích hoạt và thành lập lại các tổ giám sát.

Chỉ trong thời gian ngắn, 3 địa phương này đã thành lập khoảng gần 9.000 tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng. Mỗi tổ có từ 2-3 thành viên phụ trách từ 20-30 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể đến từng tổ.

Nhiệm vụ của thành viên các tổ là đến từng nhà, rà từng đối tượng, hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan y tế những trường hợp nghi mắc COVID-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt, ho, đau họng, khó thở, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác hoặc viêm phổi và có yếu tố dịch tễ để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời...

Như vậy, có thể thấy ước khoảng 20.000 người đã tình nguyện tham gia các tổ giám sát, cùng với đó là hàng nghìn người trực chốt tại các khu vực cách ly, phong tỏa... Nhờ huy động sức dân, biết khơi gợi tinh thần đoàn kết, yêu nước, đồng lòng trong chống dịch mà đến nay chúng ta đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch COVID-19 ở giai đoạn 2 này.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 cho rằng, nhờ có sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân nên ngành y tế đã kịp thời khống chế dịch COVID-19 tại miền Trung. Nhiều tấm lòng cao cả, nhiều sự hy sinh thầm lặng đã góp phần vào công cuộc phòng chống dịch.


Bài, ảnh: Anh Văn
Ý kiến của bạn