Phòng, chống dịch COVID-19 bộc lộ nhiều bất cập trong thực hiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp

27-05-2025 15:31 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngay trong giai đoạn chống dịch COVID-19, mặc dù chưa ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng một số biện pháp tương tự như biện pháp của tình trạng khẩn cấp lại được áp dụng để ứng phó với dịch.

Chiều 27/5, trình bày Tờ trình dự án Luật Tình trạng khẩn cấp (TTKC), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, kể từ khi có Pháp lệnh TTKC và một số luật chuyên ngành có quy định về TTKC, Việt Nam chưa từng ban bố TTKC; ngay trong giai đoạn chống dịch COVID-19, mặc dù chưa ban bố TTKC nhưng một số biện pháp tương tự như biện pháp của TTKC lại được áp dụng để ứng phó với dịch.

Phòng, chống dịch COVID-19 bộc lộ nhiều bất cập trong thực hiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp- Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV chiều 27/5.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho hay, quá trình chống dịch COVID-19 đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm, đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện pháp luật về TTKC như: Trong điều kiện lần đầu tiên xảy ra đại dịch lớn trên toàn thế giới và Việt Nam đã phát sinh nhiều tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết ngay.

Trong đó có nhu cầu phải điều chỉnh, trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh; cần cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng những biện pháp khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh.

Phòng, chống dịch COVID-19 bộc lộ nhiều bất cập trong thực hiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang.

Bên cạnh đó, công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về TTKC của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế; Quy trình, thủ tục mua sắm trang thiết bị vật chất, công tác bảo đảm hoạt động trong TTKC ở nhiều cấp, nhiều ngành còn lúng túng, chờ báo cáo, xin hướng dẫn nên gây quá tải, thiếu thốn; việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho các hoạt động trong TTKC hạn chế; hợp tác quốc tế trong TTKC chưa kịp thời, chưa hiệu quả…

Về phạm vi điều chỉnh: Luật quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ TTKC; các biện pháp được áp dụng trong TTKC; tổ chức thi hành Nghị quyết ban bố, Lệnh công bố TTKC; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong TTKC.

Thẩm tra Tờ trình trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh và Đối ngoại (UBQPANĐN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành Luật TTKC là nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTKC trong phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, biện pháp xử lý các tình huống cấp bách, khẩn cấp về quân sự, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.

Phòng, chống dịch COVID-19 bộc lộ nhiều bất cập trong thực hiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp- Ảnh 3.

Ông Lê Tấn Tới thay mặt Ủy ban trình bày thẩm tra Tờ trình.

Về các biện pháp áp dụng TTKC (Chương III): UBQPANĐN nhận thấy, quy định về các biện pháp được áp dụng trong TTKC là rất quan trọng, tạo tính thống nhất để áp dụng khi xảy ra TTKC. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định 4 nhóm biện pháp áp dụng tương ứng với 4 dạng TTKC (Điều 13 tới Điều 16) lại khác với cách phân loại TTKC tại Điều 2 (giải thích từ ngữ), do đó đề nghị nghiên cứu để quy định các biện pháp áp dụng cho phù hợp với phân loại về TTKC, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ, khả thi.

Về việc phân quyền, phân cấp áp dụng các biện pháp trong TTKC: UBQPANĐN cơ bản tán thành với quy định giao quyền cho Thủ tướng Chính phủ: Trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng các biện pháp mà pháp luật hiện hành chưa quy định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Quốc hội trong thời gian gần nhất, bảo đảm linh hoạt trong việc ứng phó, xử lý các tình huống phức tạp…

Bộ Y tế được bổ sung hơn 4.000 tỷ đồng để quyết toán viện trợ phòng, chống dịch COVID-19Bộ Y tế được bổ sung hơn 4.000 tỷ đồng để quyết toán viện trợ phòng, chống dịch COVID-19

SKĐS - Chính phủ được bổ sung hơn 4.300 tỷ đồng vào dự toán ngân sách 2025, trong đó, Bộ Y tế có hơn 4.000 tỷ để quyết toán viện trợ phòng, chống dịch COVID-19.


Lê Bảo - Dương Tú
Ý kiến của bạn