Liên tiếp trong hai ngày 15-16/2, tại hai miền Nam - Bắc, Bộ Y tế đã đồng loạt tổ chức hai hội nghị về tăng cường phòng chống dịch bệnh năm 2017. Thông tin đưa ra tại các hội nghị này cho thấy, nhiều dịch bệnh do virut, vi khuẩn đang lưu hành như: cúm, Zika, sốt xuất huyết, bệnh dại, liên cầu khuẩn lợn, sốt rét, viêm não Nhật Bản... vẫn đang là thách thức đối với việc giảm số người mắc và tử vong ở nước ta. Vì vậy, trong năm 2017 nhiệm vụ của các địa phương là phải tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh thường xuyên, đánh giá cho được những dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập, lưu hành trên địa bàn...
12 tỉnh, thành bị Zika tấn công
Đó là vấn đề nổi cộm về dịch bệnh truyền nhiễm được PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nêu ra trong Hội nghị Triển khai công tác phòng chống dịch khu vực phía Nam năm 2017 diễn ra ngày 16/2.
Theo đó, năm 2016 dịch Zika là mối đe dọa lớn tại khu vực các tỉnh phía Nam và một phần miền Trung - Tây Nguyên. Đến nay, trên cả nước đã có 219 trường hợp nhiễm Zika tại 12 tỉnh, thành (13 ca trong 2 tháng đầu năm 2017). TP.HCM đang là điểm nóng của căn bệnh này với 199 người đã được xác định dương tính. Kết quả giám sát dịch Zika năm 2016 đã ghi nhận 41 phụ nữ mang thai mắc Zika. Bệnh có nguy cơ lây lan, bùng phát trên diện rộng trong năm 2017 nếu không có kế hoạch giám sát, ứng phó, không kiểm soát được véc-tơ truyền bệnh.
Cục Y tế Dự phòng cũng cảnh báo về nguy cơ kết hợp giữa hai loại bệnh do muỗi Aedes là sốt xuất huyết và Zika trong cùng một ổ dịch. Từ thực tế khảo sát đã nghi nhận trong ổ dịch sốt xuất huyết có muỗi dương tính với virut Zika. Loại bệnh này đang có những diễn biến rất khó lường, những hiểu biết về Zika còn hạn chế nên bệnh vẫn là thách thức lớn đối với y tế toàn cầu.
Tiêm vắc-xin cho trẻ tại Trạm y tế phường. Ảnh: TM
Tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản cho gần 180.000 trẻ
Thông tin này được PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết tại Hội nghị Triển khai công tác phòng chống dịch khu vực phía Bắc năm 2017 diễn ra ngày 15/2 tại Hà Nội.
Theo đó, viêm não virut là một bệnh nguy hiểm do nhiều loại virut gây nên, thường gây tổn thương nặng ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Đáng lưu ý, trong số các bệnh viêm não virut nói chung thì viêm não Nhật Bản chiếm tới 61% số ca mắc và hiện trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận trên 1.000 trường hợp bị viêm não Nhật Bản. “Qua giám sát hầu hết trường hợp bị viêm não Nhật Bản là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi chiếm tới 60% số ca mắc và có tới 90% số mắc chưa được tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản” - PGS.TS. Trần Như Dương nói.
Do đó, để phòng ngừa dịch bệnh viêm não Nhật Bản thường bắt đầu vào mùa dịch từ cuối tháng 4 hàng năm, trong năm 2017-2018, Bộ Y tế sẽ tổ chức tiêm vắc-xin ngừa viêm não Nhật Bản cho 177.879 trẻ từ 6-15 tuổi ở 28 huyện/16 tỉnh thành có nguy cơ cao, trong đó khu vực phía Bắc có 4 tỉnh với các huyện như: Sốp Cộp, Mai Sơn (Sơn La), Cao Lộc (Lạng Sơn), Điện Biên Đông, Nậm Pồ (Điện Biên), Na Rì (Bắc Kạn). Cùng với đó, Chương trình quốc gia Tiêm chủng mở rộng sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin viêm não Nhật Bản cho 3,4 triệu trẻ từ 1-2 tuổi trong cả nước đạt trên 90%.
Xảy ra các ổ dịch tại “vùng lõm” về tiêm chủng
Liên quan tới tình hình dịch bệnh trong cả nước, tại hội nghị của cả hai miền Nam, Bắc, PGS.TS. Trần Đắc Phu cũng cho biết, trong năm qua, Việt Nam đã ngăn ngừa và khống chế không để các dịch bệnh nguy hiểm như MERS-CoV, cúm gia cầm H7N9, Ebola xâm nhập hay bùng phát thành dịch lớn. Cùng với đó, các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, thủy đậu, cúm tiếp tục khống chế được số ca mắc và tử vong thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực có dịch lưu hành. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng chỉ rõ, trong năm 2017, tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên người tiếp tục căng thẳng, diễn biến phức tạp. Trong đó nhiều dịch bệnh trên thế giới như Ebola, cúm gia cầm H7N9, Mers-CoV có khả năng xâm nhập Việt Nam nếu chúng ta không thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Ngay cả các bệnh đã có vắc-xin phòng bệnh vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, xảy ra các ổ dịch tại “vùng lõm” có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao và không quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.
Để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, năm 2017, ngành y tế tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát thường xuyên tại cửa khẩu, cơ sở y tế và cộng đồng, bảo đảm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên; triển khai giám sát trọng điểm bệnh cúm, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, viêm não Nhật Bản, Zika...; tập huấn kỹ năng giám sát phát hiện, chẩn đoán một số bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm bệnh truyền nhiễm giai đoạn 2016-2020; duy trì và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đạt trên hoặc bằng 95% quy mô huyện, đồng thời bảo đảm trên 90% quy mô xã phường và không để bản trắng về tiêm chủng...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, để phòng chống dịch có hiệu quả, các địa phương phải phân tích đánh giá và có báo cáo cụ thể về tỷ lệ tiêm chủng hằng năm. Từ đó, mỗi địa phương sẽ xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cụ thể theo từng năm, trong đó phải đề cập đầy đủ các vấn đề từ truyền thông, tài chính đến giám sát, điều trị... Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, kinh nghiệm xây dựng kịch bản đối phó từng dịch bệnh từ nhiều nước trên thế giới cho thấy khi triển khai chống dịch sẽ rất hiệu quả. Do đó, điểm mới trong công tác phòng chống dịch năm nay là chúng ta sẽ xây dựng kịch bản, tình huống cụ thể (khi không có ca bệnh, khi có ca bệnh xâm nhập và khi dịch bệnh xảy ra) đối với từng dịch bệnh trên địa bàn. Tuyệt đối không để khi có dịch mới loay hoay ứng phó...