Phòng, chống đại dịch COVID-19 được ĐBQH xem như 'điều kỳ diệu' trong suốt thời gian qua

08-11-2021 11:40 | Thời sự

SKĐS - Theo ĐBQH, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua lần đầu tiên biến chủng Delta với tốc độ lây cực nhanh; Lần đầu tiên chiến dịch tiêm chủng toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay được thực hiện và cũng lần đầu tiên Quân đội có cuộc điều quân lớn chưa từng có.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

SKĐS - Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 8149/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Những quyết sách chống dịch chưa có trong tiền lệ

Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Nêu ý kiến tại hội trường, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4.

Đại biểu Phương Hoa cho biết, lần đầu tiên Tổng Bí thư 2 lần có lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống dịch, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Lần đầu tiên biến chủng Delta với tốc độ lây lan cực nhanh và phức tạp xuất hiện; Lần đầu tiên chiến dịch tiêm chủng toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay được thực hiện và cũng lần đầu tiên Quân đội có cuộc điều quân lớn chưa từng có từ sau chiến tranh đến nay….

Phòng, chống đại dịch COVID-19 được ĐBQH xem như 'điều kỳ diệu' trong suốt thời gian qua - Ảnh 2.

Phiên họp toàn thể tại hội trường sáng ngày 8/11, Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV.

"Tôi đánh giá cao tính chủ động, linh hoạt, lắng nghe, trên tinh thần vì lợi ích của người dân và cũng rất quyết liệt, quyết tâm trong hành động của cả hệ thống chính trị", ĐBQH đoàn Nam Định nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nêu một số ví dụ cụ thể như: Quốc hội đã chủ động, khẩn trương ban hành nhiều nghị quyết cho phép Chính phủ áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch thuộc thẩm quyền Quốc hội hoặc chưa được luật quy định. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, đồng thời, thể hiện dù tình thế cấp thiết đến mấy, tinh thần Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật vẫn luôn được đề cao.

Trong chiến lược điều trị: từ không có phân tầng điều trị đến có phân tầng; từ 5 tầng điều trị, sau giảm xuống 3 tầng; chủ động điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở với tính hiệu quả cao hơn.

Trong tiêm vaccine: thời gian đầu ưu tiên tiêm cho người từ 18 đến dưới 65 tuổi, sau ưu tiên người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong; đến nay đã bước đầu tiêm vaccine cho trẻ em.

Trong Phương châm phòng chống dịch: từ chỉ có 5K; sau được phát triển và hoàn thiện hơn gồm: "5K + vaccine + Điều trị + Công nghệ + Đề cao ý thức của Nhân dân".

Trong việc xác định mục tiêu: ở giai đoạn nhất định, tại những địa phương nhất định, Chính phủ chỉ đạo chuyển từ mục tiêu kép sang mục tiêu bảo vệ tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Trong giãn cách xã hội: từ chỗ có một vài ca đã cách ly diện rộng cả tỉnh, cả vùng, kể cả vùng không có dịch, sau chuyển sang chỉ cách ly ở những khu vực nhỏ có người nhiễm. Từ lúc chưa có vaccine thì áp dụng một số biện pháp hành chính nghiêm ngặt, sau bao phủ vaccine đến tỷ lệ nhất định thì nới lỏng dần.

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực dựa trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Với những ví dụ nêu trên đại biểu Phương Hoa một lần nữa khẳng định là các biện pháp phòng, chống dịch của chúng ta thời gian qua mặc dù có việc chưa từng có trong tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng là hợp lý, phù hợp cho từng giai đoạn, bảo đảm yêu cầu chung với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, có sự đồng lòng, nhất trí của người dân đã giúp cho nhiều địa phương chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Một số địa phương còn quá cứng nhắc

Đại biểu đoàn Nam Định nhấn thêm một số vấn đề liên quan đến việc thực thi công vụ trong công tác phòng, chống dịch như:

Mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải có sự quản lý, điều tiết của Chính phủ, kiên quyết không để ban hành giấy phép con, không được cát cứ, chia cắt; nhưng tại một số thời điểm, vì quá lo lắng cho địa phương mình có nơi đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân, doanh nghiệp như đặt ra những loại giấy tờ không phù hợp để đi qua các chốt kiểm soát, chưa tạo điều kiện cho người dân từ các thành phố lớn, khu công nghiệp được về quê tránh dịch….

Phòng, chống đại dịch COVID-19 được ĐBQH xem như 'điều kỳ diệu' trong suốt thời gian qua - Ảnh 3.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định thảo luận tại nghị trường.

Trong khi lãnh đạo Chính phủ thì sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn nhưng một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch. Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi, nhưng đến thời kỳ dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn. Cá biệt, có một số cán bộ địa phương đã có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch như đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực; có trường hợp xô xát giữa cán bộ với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm; hoặc có trường hợp cán bộ thi hành công vụ còn xa rời thực tế, chưa bám sát nhu cầu của người dân như việc coi bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu…

Có nơi còn quá cứng nhắc trong cách hành xử với người dân, gây bức xúc trong dư luận: như việc một số cán bộ địa phương vào nhà dân, bắt ép 1 người phụ nữ làm xét nghiệm.

Những trường hợp nêu trên tuy không phải là phổ biến nhưng đã tạo hình ảnh phản cảm. Vừa qua, tôi được biết, nhiều tỉnh, thành phố đã có những xử lý đối với cán bộ vi phạm, tôi cho rằng đây là việc làm đúng đắn, bởi muốn người dân chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch thì trước hết cán bộ phải nêu gương, nghiêm túc chấp hành trước; nếu có sai phạm thì cũng phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng, theo ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, thời gian tới tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, tôi ủng hộ quan điểm của Thủ tướng là thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, chứ không theo đuổi chính sách "không COVID", nhiều quốc gia trên thế giới cũng xác định cần thích ứng an toàn và lâu dài với COVID-19. Vì vậy, trước mắt cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19, trong tình hình mới. Theo đó cần thực hiện 6 mục tiêu lớn, gồm 1 tăng, 2 giảm, 3 bảo đảm. Tăng tỷ lệ bao phủ vaccine; Giảm tỷ lệ người mắc COVID-19; Giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19; Bảo đảm phục hồi KT-XH gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh; Bảo đảm tốt hơn an sinh xã hộI; Bảo đảm xử lý hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh.

Lê Bảo - Hoàng Dương
Ý kiến của bạn