Phòng chống COVID-19: Những chia sẻ kinh nghiệm từ “trận đánh” đầu tiên

02-03-2020 16:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bước sang ngày thứ 20 Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID -19 mới, 16 ca dương tính đã hồi phục hoàn toàn và xuất viện. Những thông tin trên cho thấy công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam đã và đang đi đúng hướng. Mặc dù vậy, cuộc chiến phía trước vẫn còn gian nan và chúng không bao giờ chủ quan với dịch bệnh.

Cùng Suckhoedoisong.vn lắng nghe một vài kinh nghiệm của bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch COVID -19 về cách chống dịch theo kiểu Việt Nam.

Phương châm “4 tại chỗ”

BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - nơi tuyến đầu chống dịch COVID -19 cho biết, Việt Nam có bản lĩnh chống dịch và được rèn luyện từ lâu. Ngay từ khi dịch chưa xâm nhập vào Việt Nam thì cả các hệ thống chống dịch đã được khởi động và đó là cái mà chúng ta thu được lớn nhất. Chúng ta cũng phải xác định là rất may mắn vì hệ thống y tế dự phòng cũng như hệ thống kiểm dịch biên giới của Việt Nam đã hoạt động tích cực từ giai đoạn đầu tiên. Cho nên, số lượng bệnh nhân bị bệnh COVID -19 ở nước ta đã được kiểm soát ngay từ đầu, chỉ có 16 ca. Với số bệnh nhân thấp như vậy, chúng ta có thể bảo đảm cung cấp cho bệnh nhân sự chăm sóc tốt nhất. Đó là sự may mắn của chúng ta.

“Cứ mỗi một mùa dịch chúng ta đều triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ các tuyến, cho nên càng ngày các năng lực của các tuyến tham gia vào quá trình chống dịch càng tốt lên”, BS. Cấp nói.

Đối với dịch COVID - 19 thì rất gần với dịch SARS 2003 do cùng họ của virus corona. Theo đó những kinh nghiệm từ phòng chống dịch SARS 2003 cũng hỗ trợ rất nhiều cho chúng ta trong phòng chống dịch COVID-19.  Và một trong những kinh nghiệm sống còn của dịch SARS 2003 là chúng ta không sử dụng khu cách ly đóng kín mà sử dụng các khu cách ly mở.

Ngoài ra, theo Bs.Cấp, Việt Nam đã áp dụng một vài cách phòng chống dịch sáng tạo, phù hợp với điều kiện khí hậu của chúng ta so với hướng dẫn của các phác đồ ở các nước lân cận. Ở Việt Nam, khí hậu thời tiết phù hợp với khu cách ly mở, ở một số nước nếu thực hiện cách ly mở như chúng ta thì rất lạnh. Do đó họ bắt buộc phải sử dụng phòng áp suất chân không để cách ly.

Vì thực hiện ở khu cách ly mở, do vậy chúng ta có thể để bệnh nhân cách ly điều trị tại phòng khám đa khoa khu vực (như ở Vĩnh Phúc) mà vẫn bảo đảm được chất lượng điều trị tốt.

BS.Cấp cũng chia sẻ thêm, trong trường hợp số lượng bệnh nhân nhiều hơn, thì Nhà nước cũng như Bộ Y tế đã có các chiến lược ứng phó và cung ứng khả năng chăm sóc tốt nhất. Chiến lược đó là “bốn tại chỗ”: điều trị tại chỗ với nguồn lực tại chỗ, nhân lực tại chỗ và thiết bị tại chỗ. Chỉ những bệnh nhân nặng mới chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Phòng khám ĐKKV Quang Hà, TTYT Bình Xuyên, Vĩnh Phúc là một trong những điểm cách ly trong phương châm "4 tại chỗ" phòng chống dịch COVID -19, nơi đây cũng đã điều trị khỏi cho 5 bệnh nhân dương tính với COVID -19

Ví dụ: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến 1, Bệnh viện Phổi Trung ương là tuyến 2, các bệnh viện tỉnh là tuyến 3, bệnh viện tuyến huyện các PKĐK khu vực, Trung tâm y tế huyện… Các bệnh viện tuyến dưới luôn nhận được sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên về mặt nhân lực và trang thiết bị. Như vậy, trong trường hợp số lượng bệnh nhân nhiều, chúng ta vẫn bảo đảm được việc điều trị chất lượng cao.

“Cá nhân tôi cho rằng, với số lượng bệnh nhân không quá nhiều thì hệ thống y tế của chúng ta hoàn toàn có khả năng đáp ứng được với chiến lược phân tuyến điều trị theo phương châm “bốn tại chỗ”, BS Cấp cho hay.

Cùng với đó, theo BS Cấp việc làm tốt công tác thông tin nội bộ cũng giúp cho công tác hỗ trợ của các tuyến tốt dần lên. Việc điều trị mặc dù là ở các tuyến khác nhau nhưng quy trình điều trị và kỹ thuật cũng không khác nhau nhiều lắm do có sự liên kết, chuyển giao kỹ thuật cũng như tăng cường của tuyến trên cho tuyến dưới. Đấy là những cái chúng ta thu được qua nhiều vụ dịch.

Sự tham gia tích cực của người dân – điều quan trọng làm nên thành công

Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng chia sẻ, ngoài những kinh nghiệm nói trên, một điều cực kỳ quan trọng nữa là sự tham gia của người dân. Chúng tôi thấy rằng qua mỗi một mùa dịch, nhận thức của người dân đều tăng lên rõ rệt như việc rửa tay, đeo khẩu trang ... và tôi nghĩ rằng đó không phải là kinh nghiệm của riêng Bộ Y tế mà là của toàn dân. Điều đó cũng đóng góp một phần cho năng lực chống dịch của chúng ta tăng lên.

Việc điều trị hiệu quả cũng xuất phát từ việc chúng ta ngăn ngừa hiệu quả. Và tôi cũng hy vọng rằng, với khả năng chúng ta tích cực ngăn ngừa cùng với sự tham gia tích cực của toàn dân, các cấp chính quyền, các đoàn thể, kiểm soát phòng bệnh chặt, không để bùng phát thì khâu điều trị sẽ bảo đảm hiệu quả.

BS. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Đồng quan điểm trên, PGS. TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương cũng chia sẻ, từ kinh nghiệm những đợt chống dịch trước đây như dịch SARS năm 2003 đến cúm H5N1 năm 2009, ngành y tế và các ngành liên quan đã có nhiều kinh nghiệm và bài học để chuẩn bị cũng như ứng phó với những tình huống cụ thể diễn biến của dịch. Ví dụ như chúng ta xác định cấp độ, mức độ nghiêm trọng của dịch, từ đó đề ra những chiến lược để ứng phó và chuẩn bị những quy trình chuẩn.

Đặc biệt là sự vào cuộc của hệ thống chính trị và cơ quan trực thuộc của Chính phủ, cũng như vai trò của chủ động trong ngành y tế. Chúng ta cũng thấy rằng Nhà nước và ngành y tế đã đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của dịch và tất cả những câu chuyện liên quan đến phối hợp liên ngành, cơ sở vật chất và đặc biệt là hệ thống tuyên truyền giáo dục sức khỏe. Đây cũng là kênh để chống dịch và tuyên truyền để người dân không hoảng loạn mà cũng không chủ quan. Nếu nghiêm trọng quá thì sẽ ảnh hưởng hết toàn bộ cuộc sống xã hội và việc sản xuất kinh doanh cũng như những công việc khác. Còn nếu mà chủ quan thì cực kỳ dễ lây lan, như bài học lớn ở các quốc gia.

Vì thế, theo PGS. Phú khi người dân hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề và có ý thức thì việc chống dịch đối với ngành y cũng đỡ vất vả hơn. Nếu chỉ cần một vài người không có ý thức, trong diện cách ly mà trốn tránh thì sẽ gây nên sự tốn kém về tiền của và công sức, của cả hệ thống chứ . Tất cả hệ thống đều phải vào cuộc để can thiệp thì sự vất vả, thiệt hại sẽ nặng nề hơn.

“Mọi thành công đều cần phải có sự chung tay đóng góp của mọi người. Chúng ta biết, ở Trung Quốc chỉ có một trường hợp trốn cách ly khiến ngành y tế phải giám sát 4.000 người; một bệnh nhân của Hàn Quốc không chấp hành cách ly họ đã lây cho vài chục người, thậm chí có thể lên đến vài trăm người, nên việc chung tay phối hợp của mọi người dân là rất quan trọng trong việc chống dịch”, BS Cấp chia sẻ.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn