Hà Nội

Phòng chống cháy nổ - Ý thức vẫn là quan trọng nhất

13-04-2018 18:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau hàng loại vụ cháy liên tiếp xảy ra vừa qua, Chính phủ, các địa phương và cơ quan chức năng đã đưa ra hàng loạt quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Tuy nhiên, ý thức con người vẫn có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn cháy nổ và thiệt hại về người và tài sản.

Theo quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 15/4/2018, các chung cư sẽ bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ. Theo đó, cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên… đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình, máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư. Đây sẽ là những đối tượng được doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường bảo hiểm khi bị thiệt hại do xảy ra cháy, nổ.

Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội vừa có công văn về việc tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.

Để chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các vụ cháy nổ trên địa bàn TP. Hà Nội, giảm tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy nổ gây ra, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội… từ thành phố đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc công tác PCCC trên địa bàn; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; kiến thức, kỹ năng để cán bộ, đảng viên và nhân dân làm tốt việc phòng ngừa cháy nổ, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố xảy ra; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC; thường xuyên tự kiểm tra, khắc phục các tồn tại, thiếu sót, vi phạm về an toàn PCCC và những sơ hở là nguyên nhân gây cháy, mất khả năng điều kiện thoát nạn, thoát hiểm; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những vi phạm quy định về PCCC, nhất là tại các công trình có nguy cơ cháy nổ cao, các chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, khu công nghiệp, khu chế xuất...; kiên quyết xử lý nghiêm và cưỡng chế những trường hợp vi phạm.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước thành ủy, UBND thành phố nếu để xảy ra cháy nổ phức tạp, hậu quả nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan trên địa bàn, phạm vi quản lý.

Hàng loại các quy định và chỉ thị đưa ra nhằm hạn chế thấp nhất các vụ hỏa hoạn, bảo toàn tính mạng và tài sản cho người dân, tuy nhiên trước mắt, mỗi người dân phải “tự cứu mình”. Đó là khi quyết định về nơi ăn chốn ở của gia đình, mỗi người phải tìm hiểu thật kỹ về an toàn PCCC, việc chấp hành PCCC của chủ đầu tư chung cư. Và cũng đã tới lúc mỗi gia đình nếu thấy có vấn đề mất an toàn PCCC cần mạnh dạn khởi kiện chủ đầu tư cùng nhà quản lý chung cư. Hơn nữa, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và kiến thức về PCCC.

Theo cơ quan PCCC, việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC với cư dân chung cư rất khó khăn dù nhiều lần tổ chức, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương đưa giấy mời đến từng hộ. Người dân không hào hứng tham gia hoặc chỉ tham gia cho qua quýt. Có nhiều buổi tuyên truyền về kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn, kỹ năng PCCC cho người dân tại các khu chung cư vắng hoe người hoặc nếu có người sẽ chỉ là người già và trẻ nhỏ, thậm chí người giúp việc đi nghe, tuyệt nhiên không có bóng dáng của những ông bố, bà mẹ trẻ, những người trong độ tuổi lao động (thành phần chiếm phần lớn số lượng người sinh sống tại chung cư). Lý do đưa ra: bận đi làm, đi học, đi kiếm tiền hoặc đã được đọc trên sách, báo, trên internet... Vậy nhưng khi có sự cố xảy ra, con số thương vong do không có kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn thật khó đong đếm.

Qua những vụ cháy trong thời gian gần đây cho thấy, ý thức người dân là rất quan trọng. Mỗi người cần nâng cao ý thức vì sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng: cẩn trọng khi đun nấu, đốt vàng mã, khi vứt các loại rác có nguy cơ cháy nổ, không tự tiện cải tạo căn hộ (như kiểu các “chuồng cọp” bít luôn cả đường thoát hiểm của bản thân). Ngoài ra, mỗi người cũng cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng thoát hiểm để giảm thiểu tối đa hậu quả khi sự cố xảy ra.

Đời sống đô thị đang ngày càng phát triển, các chung cư trung, cao cấp và cả giá rẻ mọc lên ngày càng nhiều và là xu hướng nhà ở tất yếu. Nhưng dù ở phân khúc nào, các nhà đầu tư, các cơ quan chức năng hãy làm tròn trách nhiệm của mình, đừng "mất bò mới lo làm chuồng". Đừng mang mạng sống của người dân ra để đổi lấy lợi nhuận.


Ý kiến của bạn