Bệnh béo phì ở trẻ em thực sự là điều đáng lo ngại đối với các bậc làm cha mẹ. Trẻ bị béo phì không chỉ có nguy cơ cao với các bệnh tim mạch, huyết áp, xương khớp mà còn dễ bị các vấn đề về tâm lý… Làm thế nào để giải quyết bệnh béo phì ở trẻ em?
Trẻ được xem là béo phì, hay nặng cân quá khi có trọng lượng cơ thể hơn mức trung bình so với chiều cao và độ tuổi từ 20% trở lên. Nếu con số đấy vượt quá 40% thì bạn nên đưa con đi kiểm tra xem bé có bị báo phì hay không? Hoặc cha mẹ nên quan sát xem con mình có những cuốn mỡ ngấn lên thì khả năng đứa trẻ là béo phì. Chứng béo phì không do bất cứ đặc tính gia đình hay bệnh hormon nào. Chủ yếu là do những thói quen không tốt về mặt ăn uống, thường được cho ăn nhiều quá.
Những đứa trẻ béo phì có khuynh hướng lớn lên sẽ trở thành những người béo mập có nhiều nguy cơ bị bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái đường, ung thư, ngừng thở khi ngủ và rối loạn về khớp xương…
Trẻ béo phì sẽ không tự tin nếu như chúng bị bạn bè trêu đùa hay bị bỏ tẩy chay khỏi các trò chơi tập thể. Để giúp trẻ tự tin hơn, bạn hãy tìm cho trẻ những người bạn tốt có thể chấp nhận chúng một cách bình thường, tạo cơ hội cho trẻ tham gia các trò chơi mà chúng ưa thích.
Nguyên nhân của bệnh béo phì là gì?
Do trẻ tiêu thụ lượng calorie quá mức cần thiết như ăn quá nhiều hoặc hay ăn vặt để thoát khỏi các tình trạng rối loạn về cảm xúc như stress, trầm cảm, lo lắng hoặc quá vui vẻ.
Do di truyền trong gia đình; do rối loạn chuyển hóa hoặc hocmon; trẻ ít vận động.
Kế hoạch điều trị bệnh béo phì ở trẻ như thế nào?
Gia đình nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được cân nặng phù hợp nhất cho trẻ dựa trên chiều cao, độ tuổi, vóc dáng và giới tính của trẻ. Nếu được bác sĩ khuyến cáo thì trẻ nên tham gia vào chương trình giảm cân đặc biệt.
Cha mẹ hãy xem xét chứng béo phì có phải do cưng chiều quá mức trong vấn đề ăn uống không. Có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn thích hợp và các thói quen dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Cha mẹ nên dự kiến thay đổi chế độ ăn của con bạn, chính bản thân bạn cũng phải theo những nguyên tắc đó để nêu gương tốt cho cháu.
Cần cho trẻ ăn chế độ với các loại thức ăn ít chế biến, giàu chất xơ hơn như bột còn nguyên cám, gạo lức, trái cây và rau tươi để bảo đảm rằng trẻ vẫn có chế độ ăn cân bằng với đủ vitamin và khoáng chất. Giảm bớt bột, đường tinh luyện trong nấu ăn. Tránh bánh ngọt, bánh quy, kẹo và các loại nước ngọt có đường…
Cố gắng đừng chiên thức ăn. Thay vào đó nên nướng hoặc hấp, loại bỏ thức ăn có mỡ. cho cháu ăn bánh mì nướng giòn, cần tây hay táo. Đừng mua những đồ ăn vặt nhiều béo, đường hoặc muối về nhà.
Khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Tạo điều kiện cho trẻ tham gia thường xuyên các trò chơi vận động thú vị. Hạn chế thời gian xem TV và chơi game của trẻ. Hãy để cháu tiêu hao năng lượng bằng cách bò hoặc tập đi. Ðối với các cháu lớn, nên tập cho các cháu chơi những trò chơi sống động.
Quá trình giảm cân của trẻ không hề dễ dàng, cha mẹ hãy tích cực hỗ trợ cho trẻ trong quá trình giảm cân.
ThS. Lưu Minh (Bệnh viện Nhi)