Tại Thái Bình, để chủ động ứng phó với bão số 3, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị y tế trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nhân lực, phân công, bố trí các đội thường trực 24/24 giờ. Dự trù đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện, vật tư y tế, máy phát điện… Bên cạnh đó, các đơn vị đã thực hiện cắt tỉa cành cây trong khuôn viên, sẵn sàng vật tư phòng, chống mưa bão và sơ tán người bệnh; chủ động chằng buộc cửa sổ ở các khoa, phòng.
Lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình kiểm tra công tác phòng chống bão số 3
Là đầu mối về công tác phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đã chủ động triển khai các phương án dự phòng, sẵn sàng đáp ứng với những diễn biến bất thường trước, trong và sau khi có mưa bão xảy ra. Trung tâm đã tổ chức kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư, phương tiện phòng, chống lụt bão. Các đội cơ động phòng chống dịch, đội xử lý môi trường luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu vệ sinh môi trường sau bão lũ, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó để tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm.
Đối với BVĐK tỉnh Thái Bình đến thời điểm này, công tác ứng phó với siêu bão YAGI đã hoàn tất. BV đã thành lập 10 đội thường trực cấp cứu. Chuẩn bị 20 cơ số thuốc, 10 cơ số vật tư y tế. Dự trù trên 3.000 lít dầu Diesel phục vụ 5 máy phát điện, đảm bảo thời gian phát điện 16h liên tục. Các khoa, phòng chủ động chằng buộc cửa sổ buồng bệnh, đặc biệt là khu vực có nhiều cửa kính. Các kíp trực thường trú phẫu thuật, gây mê, nhà mổ, truyền máu, hành chính... sẵn sàng có mặt khi được huy động.
Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình cũng đã tổng kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, máy phát điện, xe cấp cứu, các trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế. Phân công trực, sẵn sàng vận chuyên, câp cứu bệnh nhân, nạn nhân. Trung tâm đã cử 4 đội xe vận chuyển cấp cứu xuống các bệnh viện công lập ở khu vực Thái Thụy, Tiền Hải sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu.
Tại Yên Bái, Trung tâm Kiểm soát bện tật đã chủ động triển khai các phương án dự phòng, sẵn sàng đáp ứng với những diễn biến bất thường trước, trong và sau khi bão tan, tổ chức kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư, phương tiện phòng chống bão.
Bố trí các đội cơ động phòng chống dịch, đội xử lý môi trường luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu vệ sinh môi trường sau bão, lũ, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó để tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Sở Y tế Yên Bái đã có văn bản chỉ đạo cơ sở y tế toàn ngành chủ động nắm bắt diễn biến của thời tiết. Triển khai các phương án bảo vệ, sơ tán kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản và các trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế thuộc đơn vị quản lý ở những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét hoặc vùng trũng thấp dễ bị ngập sau khi có mưa lớn.
Chủ động sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư, phương tiện phòng chống lụt bão. Thực hiện nghiêm túc thường trực cấp cứu 24/24h sẵn sàng thu dung cấp cứu nạn nhân. Bố trí các đội cấp cứu lưu động, đội cơ động phòng chống dịch, đội xử lý môi trường luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống thiên tai xảy ra. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu.
Phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền cấm người dân đi vớt củi, lội qua, đánh bắt cá...trên các sông suối khi đang có lũ. Đặc biệt trong các ngày mưa, lũ tuyên truyền cho nhân dân không được ngủ trên đồi, trên nương để đề phòng sạt lở, đất đá gây thiệt hại về người.