Bạn cảm thấy cơ thể có những thay đổi bất thường về sức khỏe, tâm sinh lý khi bước qua tuổi 40. Ðó là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chuyển từ trạng thái sung sức sang giai đoạn xuống dốc dần. Khi đó rất nhiều bệnh sẽ “hỏi thăm” bạn. Một số lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn hạn chế tối đa quá trình đi xuống của cơ thể, duy trì phong độ dẻo dai và tự tin trong cuộc sống.
Ðiểm mặt những bệnh dễ gặp ở phụ nữ tuổi trung niên
Bệnh xương khớp
Sau tuổi 40, hiện tượng đau lưng, vùng thắt lưng sẽ xuất hiện và ngày một rõ rệt. Thường xuất hiện các cảm giác khó chịu ở các khớp, đồng thời dễ phát sinh những biến đổi có tính suy thoái như loãng xương, có bệnh ở cột sống cổ. Loãng xương là căn bệnh được nhắc nhiều ở lứa tuổi trung niên. Càng nhiều tuổi, mật độ xương càng giảm và loãng dần, đặc biệt là những người nhỏ bé, người tiền căn gia đình bị loãng xương, mãn kinh sớm hay bị cắt buồng trứng. Khi bị loãng xương rất dễ dẫn đến nguy cơ gãy xương hông, xương đùi, cổ xương đùi, xương cẳng chân, bị đau lưng và còng lưng do cột sống bị sụp. Loãng xương còn làm mất khả năng vận động tự nhiên của cơ thể, từ đó gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.
Sau tuổi 40, phụ nữ thường bị loãng xương làm mất khả năng vận động tự nhiên của cơ thể.
Bệnh tim mạch
Ở độ tuổi sinh đẻ, hệ thống tim mạch của phụ nữ được bảo vệ bởi các hormon sinh dục nữ (estrogen), các hormon sinh dục này có tác dụng giảm lượng cholesterol xấu, bảo vệ thành mạch và tim. Khi ngoài tuổi 40, lượng hormon sinh dục bị giảm đáng kể và bắt đầu giai đoạn tiến triển các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành...). Ngoài sự thay đổi nội tiết, nguyên nhân khiến phụ nữ ở độ tuổi này mắc bệnh tim mạch nhiều hơn so với các độ tuổi khác và nhiều hơn nam giới là do tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường týp 2 cao hơn, hay bị các rối loạn tuyến giáp hơn, có nhiều vấn đề (áp lực) trong gia đình và công việc hơn so với nam. Hệ thống tim mạch ở phụ nữ cũng dễ bị tổn thương hơn khi có tác động của các tác nhân độc hại.
Bệnh về tiêu hóa và chuyển hóa
Khi bước vào tuổi trung niên, hệ số tiêu hóa và chuyển hóa hạ thấp rõ rệt, lượng phân tiết của dịch vị dần dần ít đi, yêu cầu của thức ăn cũng ít hơn so với thời kỳ thanh niên, đồng thời khả năng tiêu hóa thấp. Ngoài ra, do chức năng chuyển hóa chất hạ thấp, sự tiết ra insulin cũng ít đi, tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường cũng tăng cao rõ rệt. Những bệnh tiêu hóa và chuyển hóa mà chị em dễ mắc ở lứa tuổi trung niên là: đái tháo đường, tăng mỡ máu, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, khó tiêu…)
Nguy cơ ung thư cổ tử cung và ung thư vú
Phụ nữ tuổi trung niên có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Các yếu tố liên quan làm tăng nguy cơ mắc bệnh là do sau 35 tuổi, nội tiết tố sinh dục, nang noãn của phụ nữ giảm, sức đề kháng kém nên rất dễ viêm âm đạo, viêm cổ tử cung kéo dài... Ung thư vú là nỗi ám ảnh của phụ nữ, căn bệnh âm thầm mà rất nguy hiểm. Phụ nữ tuổi 40 có khoảng 18% có chẩn đoán mắc ung thư vú. Gia đình có người từng bị ung thư vú, nguy cơ tăng gấp 3-5 lần; ngoài ra còn do béo phì, không cho con bú sữa mẹ hoặc không sinh con hoặc có con đầu lòng quá muộn, do dậy thì sớm và mãn kinh muộn...
Hội chứng tiền mãn kinh
Ở lứa tuổi ngoài 40, buồng trứng bắt đầu suy thoái, mức estrogen trong cơ thể hạ thấp và dần bị thiếu hụt estrogen. Vùng chịu tác động đầu tiên là khung chậu vì thế trong giai đoạn này người phụ nữ dễ mắc phải các chứng sa sinh dục, ngứa âm hộ, âm đạo khô, giao hợp rát... thiếu estrogen còn gây ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh, tuyến nội tiết... sinh ra chứng mất ngủ, mệt mỏi, cáu gắt, lo âu, bốc hỏa... đó đều là những biểu hiện của hội chứng thời kỳ tiền mãn kinh.
Nên ăn gì để phòng bệnh?
Để phòng bệnh ở lứa tuổi này, phụ nữ cần lưu ý chế độ ăn uống khoa học: không quá 5-6g muối/ngày. Hãy sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau, đặc biệt là ngũ cốc, rau và hoa quả để cung cấp đủ cho cơ thể lượng vi chất cần thiết. Một khẩu phần ăn giàu vitamin A, C và E sẽ giúp giảm tỷ lệ ung thư vú. Một lượng cao vitamin E cũng tốt cho những người bị các bệnh về tim mạch. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, có trong thành phần của enzym và giúp ổn định màng tế bào, chống lại quá trình ôxy hóa. Việc thiếu kẽm sẽ gây ra các hiện tượng như giảm quá trình tổng hợp protein, giảm sức đề kháng của cơ thể thông qua các loại thực phẩm giàu protein như thịt, cá, gia cầm... Tuy nhiên, lượng hấp thụ không nên vượt quá 25mg/ngày.
Nên tăng cường ăn nhiều chất xơ. Chất xơ không chỉ cho bạn cảm giác no lâu mà nó còn giúp duy trì mức năng lượng và đường trong máu ở ngưỡng ổn định. Nó cũng rất tốt trong việc hạ tỷ lệ cholesterol và nâng cao sức khỏe. Chất xơ cũng đóng vai trò tích cực trong việc giúp bạn giảm béo vì nó có tác dụng lấy đi một lượng calo nhất định thông qua hệ tiêu hóa trước khi chúng tích tụ quanh vòng 2.
Hạn chế các loại đồ uống có cồn. Giảm thiểu việc sử dụng các loại thực phẩm đã qua xử lý. Bạn có thể bổ sung một chút lượng chất béo qua các nguồn không tạo ra cholesterol như dầu oliu, cá, ngũ cốc, các loại hạt và đậu. Tuy nhiên, bạn cũng không nên ăn quá ít chất béo để giảm cân tức thì vì nó sẽ khiến cơ thể gầy rộc đi và rất có thể lại tăng cân trở lại sau đó.
Phụ nữ ở độ tuổi này nên duy trì chế độ tập luyện ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Các bài tập aerobic có tác dụng tiêu hao năng lượng, giảm mỡ rất tốt và nó cũng đồng thời giúp tăng cường cơ tim. Nên tập vừa sức, không nên quá gắng sức khi tập luyện.
Nên đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm cũng như khi thấy có những dấu hiệu bất thường cần đi khám bệnh ngay để điều trị sớm.