Hà Nội

Phòng biến chứng viêm phế quản cấp

10-08-2019 14:40 | Đời sống
google news

SKĐS - Viêm phế quản cấp tính là tình trạng niêm mạc của phế quản bị tổn thương do tác động của tác nhân gây bệnh và gây nên các triệu chứng lâm sàng cấp tính (xảy ra nhanh, đột ngột).

Là một bệnh thường gặp trong cộng đồng, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay. Bệnh có thể  gặp ở mọi lứa tuổi gây tổn hại cho sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Nguy hiểm hơn, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, dứt điểm, bệnh có thể gây biến chứng.

Nguyên nhân viêm phế quản cấp tính là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây nên viêm phế quản cấp tính, trong đó phải kể đến do sức đề kháng yếu, đặc biệt là người bị liệt, nằm lâu ngày, suy dinh dưỡng (trẻ em, người già), suy kiệt (nằm liệt giường), mắc một số bệnh mạn tính (còi xương, hen phế quản...), sau mắc một số bệnh nhiễm trùng (cúm, sởi...), khi có các tác nhân gây bệnh xâm nhập, cơ thể không đủ sức đề kháng để chống lại chúng. Thêm vào đó là các yếu tố thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, đó là thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là lạnh, mưa nhiều, ẩm ướt hoặc người nghiện thuốc lá, thuốc lào hoặc môi trường nhiều khói, bụi, mắc bệnh hen mạn tính. Tác nhân gây bệnh viêm phế quản cấp xếp hàng đầu là các loại virut đường hô hấp (Adenovirus, Rhinovirus; Echovirus; virut cúm, á cúm...). Bên cạnh virut là vi khuẩn phế cầu, H. influenza, não mô cầu (luôn thường trực ở họng, mũi), tụ cầu, liên cầu, Mycoplasma... đều có thể gây viêm phế quản cấp khi sức đề kháng kém và các điều kiện thuận lợi khác, chúng sẽ xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Ngoài ra, viêm phế quản cấp có thể do sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ làm cho vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh và người đó dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó có bệnh viêm phế quản cấp do vi khuẩn.

Dấu hiệu của viêm phế quản

Ho: Là một triệu chứng không đặc hiệu, nó thể hiện có tình trạng viêm ở đâu đó trên đường hô hấp, từ mũi họng xuống đến phổi. Tuy nhiên, với các nhà lâm sàng có kinh nghiệm có thể nghe tiếng ho mà phán đoán được người bệnh bị viêm phần nào của đường hô hấp. Ho có thể là ho khan hay ho đờm, có cơn hay ho từng tiếng...

Sốt: Sốt cao hoặc nhẹ hoặc không sốt, sốt cơn hoặc liên tục.

Viêm long hô hấp trên: sổ mũi, nghẹt mũi.

Tiết đờm: Đờm là dịch tiết của đường hô hấp, là sản phẩm của phản ứng viêm. Đờm có thể có màu xanh, vàng hay trắng, màu đờm không giúp phân biệt viêm nhiễm này là do vi khuẩn hay virut.

Khò khè: Là do lòng phế quản bị thu hẹp do phù nề thành phế quản, co thắt cơ trơn phế quản, đờm trong lòng  phế quản... Tiếng khò khè được phát ra do không khí qua lại khe hẹp phát ra tiếng. Cần phân biệt với tiếng khụt khịt mũi do đang bị viêm mũi phát ra. Nếu nghẹt mũi thì thường xảy ra ban đêm, lúc nằm, tiếng khò khè phát ra gần ngay mũi miệng, vệ sinh sạch mũi đi thì bớt. Tiếng khò khè trong bệnh viêm phế quản khác với khò khè trong hen phế quản ở chỗ khò khè này không hoặc đáp ứng kém với thuốc khí dung (salbutamol).

Các triệu chứng khác: Thở nhanh - khó thở ít gặp đối với viêm phế quản thông thường. Nếu có thở nhanh - khó thở, cần phân biệt với các bệnh lý khác nghiêm trọng hơn như: viêm phổi, hen, dị  vật đường thở...

Khi khám phổi, bác sĩ có thể phát hiện một số tiếng bất thường như: rale ẩm tạo ra do đờm tiết ra trong lòng phế quản, đờm di chuyển trong lòng ống phế quản mỗi khi không khí di chuyển trong lòng ống tạo thành tiếng. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho làm một số xét nghiệm như: Công thức máu (tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao so với lứa tuổi là một chỉ điểm của tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn), CRP (là một loại protein phản ứng, nó tăng trong các phản ứng viêm do vi khuẩn), Procalcitonin (là một xét nghiệm chuyên biệt và đặc hiệu hơn CRP trong việc đánh giá  tình trạng viêm là do virut hay vi khuẩn), chụp Xquang tim phổi, nội soi phế quản (chỉ nội soi khi tình trạng viêm kéo dài điều trị không thấy thuyên giảm hoặc để phân biệt với nguyên nhân khác)...

Có thể gây biến chứng

Một số trường hợp bệnh tái phát nhiều lần, những ổ viêm nhiễm ở phế quản không được điều trị đầy đủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giãn phế quản, viêm phế quản mạn tính. Ở trẻ em, có thể biến chứng viêm phế quản bít tắc. Đôi khi viêm phế quản cấp là mở đầu của một bệnh hen phế quản. Nếu bệnh nhân bị cúm có bội nhiễm viêm phế quản thì bệnh trở nên nặng, khi đó, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.

Những người bị ho, khó thở, nhất là những trường hợp nặng cần phải đến cơ sở y tế để khám bệnh, làm xét nghiệm máu, chụp Xquang phổi, cấy đờm để loại trừ một vài bệnh khác như lao phổi, ung thư phổi, giãn phế quản, hen phế quản, dị vật vào đường hô hấp hoặc phổi bị ứ đọng trong các trường hợp suy tim.


BS. Nguyễn Minh Châu
Ý kiến của bạn