Hà Nội

Phòng biến chứng cho người tai biến mạch máu não

08-08-2017 10:13 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bố tôi bị tai biến mạch máu não. Tôi xin hỏi cách chăm sóc ông sau khi ra viện?

(Lê. V. H. - TP.HCM)

Bệnh tai biến mạch máu não, ngày nay rất phổ biến không những xảy ra ở người lớn tuổi mà còn xảy ra ở người trẻ. Bệnh để lại di chứng rất nặng nề làm ảnh hưởng đến cuộc sống, làm cho họ không thể trở lại với công việc trước đó của mình, họ có thể không nói được, không hiểu được, tay không cử động, chân không đi được…

Các biến chứng thường xảy ra trên người bệnh bị tai biến mạch máu não là liệt nửa người, do liệt nửa người nên không cử động được hoặc cử động hạn chế, từ đó dễ đưa đến nhiều biến chứng như: loét do nằm lâu, viêm phổi, trật khớp vai, teo cơ, loãng xương do không vận động, co rút cơ dẫn đến cứng khớp, thường gặp ở khớp khuỷu, gối, cổ tay, cổ chân, các ngón tay, tình trạng gối duỗi quá, mất hoặc giảm cảm giác, tình trạng liệt mặt kéo dài ảnh hưởng chức năng ăn và uống, rối loạn ngôn ngữ...

Phòng biến chứng cho người tai biến mạch máu não

Để phòng tránh các biến chứng như đã nói phần trên, gia đình thân nhân người bệnh cần có giải pháp phòng tránh, trước hết tạo cho người bệnh với buồng bệnh phải đủ rộng, thoáng mát, đủ ánh sáng, tránh đặt người bệnh bên liệt hướng vào vách tường, vật dụng đặt về một phía bên liệt; xoay trở người bệnh ít nhất mỗi 2 giờ một lần, có thể dùng vòng chống loét, nếu người bệnh bị hôn mê; đặt người bệnh nằm đầu cao, nghiêng về một bên, hút đàm rãi thường xuyên, vỗ lưng - vai cho người bệnh; mang đai nâng đỡ cánh - cẳng - bàn tay khi cho bệnh nhân ngồi, đứng, đi; tập vận động phần chi liệt và chi không liệt; kiểm tra thường xuyên vùng khớp cổ chân, gối, khuỷu, bàn tay và các ngón tay để đề phòng cứng khớp; khi cho bệnh nhân đứng cần chú ý tới vùng khớp gối, cố gắng giữ cho đầu gối thẳng và song song với chân lành; dùng các kích thích da người bệnh như: vuốt, vỗ nhẹ... tập vận động vùng mặt, massage và giữ mặt ấm; tập cho người bệnh phát âm như: a, o, e..., tập nói. Ngoài tập thường xuyên cho người bệnh, việc đặt đúng  tư thế người bệnh cũng vô cùng quan trọng.

Đặt tư thế đúng:

Nằm ngửa:

- Tay: vai hơi dang (90o xoay trong hoặc xoay ngoài), khuỷu hơi gập, cẳng tay quay sấp, cổ tay hơi duỗi (20o), các ngón tay ở tư thế chức năng (các ngón hơi gập, ngón cái đối).

- Chân: hông hơi dang, gối hơi gập (5 -10o), bàn chân ở tư thế trung tính (90o).

Nằm nghiêng:

- Nghiêng bên liệt: thân mình hơi ngữa ra sau, vai bên liệt được kéo ra phía trước, khuỷu duỗi, cẳng tay quay ngữa, tạo 1 góc khoảng 90o so với thân mình, chân liệt đặt thẳng. Tay mạnh đặt trên bụng, chân mạnh có gối đỡ ở tư thế hông gập, gối gập.

- Nghiêng bên mạnh: thân mình nghiêng hơi sấp có gối đỡ ở lưng. Tay liệt gập vai, khuỷu gập đặt trên gối, chân liệt đặt trên gối với hông và gối gập. Chân mạnh duỗi hông, gập gối.

Ngồi: hai vai ngang nhau, lưng thẳng.

Hai bàn chân đặt vuông góc với sàn nhà.

Đứng: hai vai ngang nhau, lưng thẳng.

Hai chân song song nhau, hai đầu gối thẳng không duỗi quá.

Đi: chân phải gập hông, gập gối.

- Đối với bàn tay: tập cầm nắm đồ vật từ vật lớn đến vật nhỏ, tập viết…

Khi người bệnh khá hơn cần khuyến khích người bệnh tự làm vệ sinh cá nhân  như tự xúc cơm ăn, chải đầu, đánh răng, mặc quần áo... Khi người bệnh đi được khuyến khích người bệnh về nhà tiếp tục tập luyện đồng thời động viên người nhà chăm lo cho người bệnh để họ không mặc cảm vì bệnh tật của mình.

Tóm lại, để đem lại kết quả tốt cho người bệnh phải có sự kết hợp chặt chẽ của nhóm phục hồi, người nhà người bệnh cùng với sự hợp tác tốt của người bệnh ngay trong thời gian đầu khi người bệnh nhập viện cho đến khi người bệnh thích ứng với khả năng còn lại của mình.


BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG
Ý kiến của bạn
Tags: