LTS: Ngày 24/2/2016 một cháu bé ở Hải Dương đã tử vong vì bệnh viêm não do não mô cầu. Bệnh do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh rất nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao (5-10%) nếu không phát hiện, điều trị sớm và nếu khỏi bệnh, có thể để lại di chứng nặng nề về tinh thần kinh. Bài viết này giúp bạn đọc có thêm kiến thức để chủ động phòng ngừa bệnh.
Đặc điểm của bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu
Vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) bình thường có thể sống ký sinh ở niêm mạc đường hô hấp trên của người bình thường (trên 20%) và không gây bệnh, gọi là người lành mang vi khuẩn. Nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi (sức đề kháng giảm) vi khuẩn sẽ gây bệnh, vì vậy, vi khuẩn não mô cầu được gọi là một trong những vi khuẩn gây bệnh cơ hội. Viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu là một bệnh lây nhiễm và có khả năng thành dịch (nhiều người mắc bệnh trong cùng một thời gian và ở cùng một địa phương). Bệnh rất nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao (5-10%) nếu không phát hiện, điều trị sớm và nếu khỏi bệnh, có thể để lại di chứng nặng nề về thần kinh (liệt, ngớ ngẩn).
Vi khuẩn não mô cầu gây bệnh viêm màng não mủ.
Vi khuẩn não mô cầu có hình hạt cà phê, không bắt màu gram (gram âm), gây bệnh bằng nội độc tố (vi khuẩn chết sinh ra nội độc tố). Não mô cầu có nhiều týp huyết thanh khác nhau, týp huyết thanh gây bệnh thường gặp là A, B, C, Y, W135. Nguồn bệnh duy nhất là bệnh nhân hoặc người lành mang vi khuẩn không triệu chứng.
Đường lây bệnh chủ yếu theo đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua các giọt nước bọt nhỏ li ti bắn ra khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt xì hơi, hôn và cũng có thể lây qua dụng cụ, quần áo, đồ dùng sinh hoạt bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu.
Nhận biết bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu
Bệnh viêm màng não do não mô cầu rất đa dạng, từ viêm họng, mũi đến nhiễm khuẩn huyết, viêm não. Thời kỳ ủ bệnh (nung bệnh) từ 1-10 ngày.
Đối với thể bệnh viêm mũi, họng thường có sốt cao từ 38-39oC, rát họng nhiều, đau đầu, chảy mũi nước trong hoặc có kèm theo mủ. Sốt chỉ kéo dài từ 1-5 ngày. Các tổ chức ở họng, mũi sung huyết, viêm (amiđan, màn hầu, tổ chức họng, cuốn mũi...). Bệnh lành tính sẽ qua khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy vậy, cũng có khoảng từ 30-50% trường hợp viêm họng, mũi kết hợp với nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu) hoặc viêm màng não mủ.
Đối với nhiễm khuẩn huyết, bệnh thường xảy ra đột ngột, khoảng 40-41oC. Sốt cao liên tục hoặc dao động, kèm theo rét run, đau mỏi các cơ, khớp khắp toàn thân.
Đối với viêm màng não mủ, sau sốt cao đột ngột và đau đầu nhiều, xuất hiện các dấu hiệu của hội chứng màng não sớm, điển hình như nhức đầu dữ dội, nôn vọt, táo bón. Người bệnh nằm tư thế “cò súng” (thường gặp ở trẻ em do tăng trương lực cơ gấp để làm cho giảm đau). Dấu hiệu đặc trưng nhất là ban xuất huyết “hình sao” do hoại tử nội mạch dưới da. Ban xuất hiện sớm khoảng từ 5-15 giờ hoặc muộn hơn. Ban có thể xuất hiện toàn thân và thường ở các đầu ngón chân, tay, vành tai, cánh mũi. Kích thước của mỗi ban không đồng đều từ 1-2mm, có thể to hơn, bờ nham nhở không tròn, có xu hướng lan rộng ra và chập lại với nhau. Đặc biệt các nốt ban to và ở trung tâm có nốt đen, sau đó tạo thành nốt phỏng rồi hóa thành mủ. Các ban không cùng lứa tuổi (có nghĩa là mọc không cùng đợt mà có nốt là dát sẩn nhưng có nốt đã hoại tử). Ngoài ra, gan, lách to ra nhanh. Huyết áp giảm dần và có thể tụt trong trường hợp sốc nhiễm khuẩn. Nếu bị phù nề não, thường có vật vã, mạch chậm, huyết áp tăng vọt, rối loạn hô hấp và hôn mê. Bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp vào những giờ đầu (trong vòng 48 giờ), hiếm hơn là vào 2-3 ngày sau.
Xét nghiệm máu ngoại vi (công thức máu) sẽ thấy bạch cầu tăng cao, tốc độ máu lắng tăng. Có thể cấy máu để tìm vi khuẩn khi chưa sử dụng kháng sinh. Chọc nước não tủy để xét nghiệm sẽ thấy tăng áp lực, nước não tủy đục, protein tăng cao, trong khi đó glucose và NaCl lại giảm, tế bào bạch cầu tăng cao (chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính). Nếu xét nghiệm vi sinh nước não tủy sẽ thấy hình thể vi khuẩn là song cầu khuẩn, xếp đôi, không bắt màu Gram (Gram âm), đứng trong hoặc ngoài tế bào bạch cầu.
Siêu âm não tại gường giúp chẩn đoán bệnh cho trẻ. Ảnh: TM
Điều trị thế nào?
Khi thấy trẻ viêm họng, sốt cao, nôn vọt hoặc có nổi ban ở da dạng hình sao hoặc màu đen, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm. Điều trị là dùng kháng sinh theo phác đồ của Bộ Y tế, khi có kết quả của kháng sinh đồ, có thể điều chỉnh để bệnh nhanh khỏi. Ngoài ra, cần điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng. Người nhà không nên tự chẩn đoán và tự mua thuốc điều trị khi không có chuyên môn về y học, bởi vì, làm như vậy, bệnh không những không khỏi mà có thể làm nặng thêm và nguy hiểm cho người bệnh.
Phòng bệnh có dễ?
Nơi đang có bệnh viêm màng não mủ, cần cách ly người bệnh, mọi người cần đeo khẩu trang (kể cả người bệnh và người lành). Môi trường sống ở nơi có người bệnh viêm màng não mủ cần được phun thuốc diệt vi khuẩn. Các dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt của người bệnh cần vệ sinh, tẩy uế thật sạch như ngâm vào nước đang đun sôi hoặc ngâm vào dung dịch cloramin B...
Để không mắc bệnh viêm màng não mủ, tốt nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Những ai chưa có kháng thể chống lại vi khuẩn não mô cầu đều có thể tiêm vắc-xin. Cần đến trung tâm y học dự phòng để liên hệ, nghe tư vấn và tiến hành tiêm. Hàng ngày cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.