Phòng bệnh viêm khớp cổ chân

14-07-2016 14:14 | Đời sống
google news

SKĐS - Viêm khớp cổ chân gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng ở người cao tuổi (NCT) nếu bị viêm khớp cổ chân sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của họ. Vì vậy, NCT có thể áp dụng một số biện pháp để hạn chế viêm khớp cổ chân và biến chứng.

Nguyên nhân gì gây ra?

Viêm khớp cổ chân có nhiều nguyên nhân khác nhau, ở trẻ có thể do thấp khớp cấp, ở người trưởng thành và nhất là NCT, viêm khớp cổ chân có nguyên nhân gây ra đa dạng hơn. Ngoài nguyên nhân viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp do tuổi tác còn có thể do bệnh gút hoặc do chấn thương. Chấn thương có thể xảy ra khi đã có tuổi (vấp, trượt ngã do đường trơn, lên xuống cầu thang, tai nạn giao thông, tai nạn lao động…), nhưng có thể chấn thương khớp cổ chân gây bong gân, hoặc chấn thương xương khớp từ lúc còn nhỏ (chạy, nhảy, đá bóng…) hoặc lúc thời kỳ thanh thiếu niên (chơi thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn lao động…).

viem khop co chanDấu hiệu thường thấy nhất là đau ở khớp khi vận động

Ở NCT viêm khớp cổ chân đôi khi do sự lão hóa của khớp, dịch khớp suy giảm, xương dưới sụn bị bào mòn, khớp, dây chằng bị lão hóa, nếu có tác động nhẹ có thể gây viêm làm cho người bệnh đau nhức khó chịu. NCT bị thoái hóa khớp, trong đó khớp cổ chân là một trong các khớp chịu tác động của trọng lực cơ thể, hoặc nếu mắc bệnh gút từ thời thanh niên để lại, bệnh viêm khớp cổ chân càng dễ tái phát. NCT béo phì, tăng cân, bị thoái hóa khớp cổ chân càng dễ gây viêm khớp cổ chân. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không hợp lý do quá nhiều chất đạm và ít vận động là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến viêm khớp ở NCT. Ngoài ra, khi tuổi đã xế chiều, nhiều trường hợp có áp lực cuộc sống quá căng thẳng (tiền bạc, nhà cửa…), hoặc gặp nhiều stress (gia đình, hàng xóm có bất hòa kéo dài…) làm cơ thể mất cân bằng làm giảm khả năng miễn dịch từ đó tăng nguy cơ bị viêm khớp cổ chân và cả các bệnh liên quan đến xương khớp khác. Và một nguyên nhân quan trọng nữa là tuổi tác và tình trạng lão hóa chung của NCT chính là nguy cơ cao khiến họ dễ mắc bệnh viêm khớp cổ chân.

Biểu hiện như thế nào?

Dấu hiệu thường thấy nhất của viêm khớp cổ chân là đau ở khớp khi vận động (đi bộ, lên xuống cầu thang, đi nhanh…) và khi ngừng vận  động có thể có cảm giác nhức. Trong trường hợp viêm khớp cấp như trong bệnh gút (bản chất của bệnh gút là viêm khớp), hoặc do chấn thương, hoặc viêm khớp cấp có sưng, nóng, đỏ, đau, nếu viêm khớp nhiễm khuẩn có sốt kèm theo. Tiếp đó là tiếng lạo xạo của khớp khi vận động (viêm khớp mạn tính). Người bệnh rất mệt mỏi do sốt, đi lại khó khăn, ăn uống kém và lo nghĩ nhiều về bệnh tật của mình nhất là người có tuổi. Nếu viêm khớp cấp không được điều trị bệnh sẽ chuyển thành mạn tính, tuy hết sưng, nóng, đỏ nhưng vẫn đau nhức nhất là ban đêm hoặc khi vận động, co duỗi nhiều hoặc khi thời tiết thay đổi, nhất là lạnh, ẩm ướt, gió mùa đông bắc tràn về.

viem khop co chanCần khám bệnh khi thấy khớp cổ chân bị đau, ngay cả khi bị chấn thương

Có thể gây biến chứng không?

Giống như các khớp xương khác, nếu bị viêm, không chữa trị tích cực hoặc chữa trị không đúng, bệnh sẽ thành mạn tính và gây một số biến chứng, nhất là NCT. Đó là gây hạn chế vận động, bởi vì, khớp cổ chân là một trong các loại khớp chịu tác động của trọng lực cơ thể, do đó, khi vận động sẽ đau làm cho người bệnh ngại đi lại. Viêm khớp cổ chân mạn tính kéo dài hạn chế cử động, vận động, do đó có thể gây thoái hóa khớp cổ chân do lượng máu đến nuôi dưỡng khớp, sụn khớp, dây chằng, bao khớp bị hạn chế. Viêm khớp cổ chân mạn tính rất dễ dẫn đến cứng khớp. Đây là một vòng luẩn quẩn, hạn chế vận động gây cứng khớp và cứng khớp gây hạn chế vận động.

Nguyên tắc  điều trị

Để điều trị có hiệu quả, NCT cần được xác định nguyên nhân, muốn vậy, cần khám bệnh khi thấy khớp cổ chân bị đau, ngay cả khi bị chấn thương (ngã, vấp, lên xuống cầu thang, leo trèo). Trong khi chưa thể đi khám bệnh được, nhất là người neo đơn, tuổi cao, sức yếu, nếu đau nhiều có thể chườm đá lạnh, mỗi lần kéo dài khoảng 20 phút và lặp lại sau 2 - 3 giờ giúp giảm đau, sưng khớp và hạn chế vận động để khớp được nghỉ ngơi, khi hết đau, nên vận động, cử động nhẹ nhàng. Đồng thời có thể dùng một số thuốc giảm đau đơn giản như: paracetamol hoặc dùng một số kem bôi (gel) có chứa thuốc giảm đau (voltagen, Felden…) bôi vào vùng da quanh khớp cổ chân đang đau. Tuy vậy, nên tránh những loại thuốc có chứa methyl salicylate (Deefheat…), đây là một chất có thể gây ảnh hưởng không tốt đối với da và xương. Để đảm bảo nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt, tốt hơn hết là khám chuyên khoa khớp để có chỉ định dùng thuốc hợp lý, bệnh chóng khỏi.

Nên phòng bệnh như thế nào?
Vì NCT mọi chức năng đã suy giảm, do đó, cần có chế độ ăn, uống hợp lý để tránh béo phì hoặc thiếu chất dinh dưỡng. Nên bổ sung nhiều thực phẩm có chứa hàm lượng axít béo omega-3, ăn nhiều rau trong các bữa chính, uống đủ lượng nước cần thiết (khoảng 1,5 - 2 lít) và trái cây có nhiều vitamin C (cam, chanh, bưởi…). Cần bổ sung canxi và vitamin D theo đơn của bác sĩ khám bệnh hàng ngày, nên vận động nhẹ nhàng cổ chân để quen dần và tránh cứng khớp theo hướng dẫn của bác sĩ khám bệnh.
viem khop co chan


PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU
Ý kiến của bạn