Phòng bệnh viêm đại tràng xích-ma

23-09-2015 13:28 | Y học 360
google news

SKĐS - Viêm đại tràng xích-ma (sigma) là tình trạng bị viêm nhiễm, gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người có tuổi chiếm tỉ lệ khá cao. Viêm đại tràng xích-ma gây không ít phiền muộn cho người bệnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt và tuổi thọ của người cao tuổi.

Về mặt giải phẫu, đại tràng được chia thành 4 đoạn (đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống và đại tràng xích-ma (có dạng hình chữ sigma ). Đại tràng xích-ma là một đoạn ngắn của đại tràng xuống nối với trực tràng. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm đại tràng xích-ma và những nguyên nhân gây viêm đại tràng, trực tràng đều có thể gây viêm đại tràng xích ma. Ngày nay, bệnh viêm đại tràng mạn tính là một trong những bệnh không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn ở trên toàn thế giới.

Một số nguyên nhân

Căn nguyên viêm đại tràng rất đa dạng với rất nhiều nguyên nhân khác nhau, hay gặp nhất là viêm đại tràng do vi sinh vật, trong đó lỵ amíp chiếm tỉ lệ khá cao, nhất là ở những địa phương vệ sinh môi trường chưa tốt, ở những người ăn rau sống, ăn thực phẩm chưa nấu chín hoặc còn sống (tiết canh, nem chạo…). Với vi khuẩn, một số loại thường gây viêm đại tràng như vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lỵ (Sghigella), Campylobacter, E. coli, Clostridium difficile (trực khuẩn kỵ khí). Viêm đại tràng có thể do vi khuẩn lao (Mycobacterium). Với virút, loại thường gặp nhất gây viêm đại tràng là Cytomegalovirus. Ngoài ra, viêm đại tràng xích-ma còn có thể do tác động của bức xạ trong điều trị một số bệnh ung thư, bệnh Cohn (dễ bị chẩn đoán nhầm với viêm ruột thừa). Nhiều trường hợp không tìm thấy căn nguyên gây bệnh, đó được gọi là viêm đại tràng xích-ma vô căn. Nguyên nhân này găp khá phổ biến cho nên việc điều trị nguyên nhân gặp không ít khó khăn.

Triệu chứng

Các triệu chứng thường gặp khi viêm đại tràng như: tiêu chảy có máu, đau bụng và có cảm giác buốt, mót đi ngoài. Đau bụng là triệu chứng lúc nào cũng gặp ở người bị viêm đại tràng xích-ma, thường là đau bụng bụng dưới và thấy nhiều ở hố chậu trái hay hố chậu phải. Với triệu chứng này rất dễ nhầm với viêm ruột thừa. Người bệnh thường có rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, chướng bụng, ăn không tiêu, chán ăn), phân không thành khuôn, đôi khi có nhày lẫn máu, nhất là viêm đại tràng do ký sinh trùng amíp. Thỉnh thoảng táo bón và càng bị táo bón càng đau bụng.

Một số trường hợp, người bệnh bị tiêu chảy do hiện tượng viêm phù nề niêm mạc đại tràng làm cản trở sự hấp thu nước từ thức ăn.

Nguyên tắc điều trị

Khi người cao tuổi bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa cần được khám bệnh đầy đủ, khám càng sớm càng tốt, và tốt nhất là khám chuyên khoa tiêu hóa để được xác định và điều trị tránh để bệnh thành mạn tính, khó chữa. Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh và không nên tự mua thuốc để điều trị, làm như vậy, bệnh không những không khỏi, đôi khi còn nặng thêm, nguy hiểm thêm. Khi đã được xác định viêm đại tràng, người cao tuổi cần kiên trì điều trị, tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ, không nên bỏ hoặc quên không dùng thuốc đều đặn theo lời dặn của bác sĩ.

 

Phòng bệnh viêm đại tràng xích-ma

Nguyên tắc dự phòng

Người cao tuổi cần có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý. Không ăn rau sống, không uông nước chưa đun sôi và không ăn các loại thực phẩm nấu chưa chín hoặc không đun nấu (tiết canh). Trong các bữa ăn chính cần tăng cường ăn rau, canh và nên ăn thêm các loại trái cây như: cam, bưởi, xoài, đu đủ chín và uống đủ lượng nước cần thiết (khoảng 1, 5 - 2,0 lít). Bên cạnh đó, cần vận động cơ thể một cách đều đặn, thường xuyên. Mỗi một người nên chọn cho mình một cách vận động thích hợp nhất tùy theo sức khỏe và điều kiện.

Với người cao tuổi bị viêm đại tràng mạn tính thường mệt mỏi, chán ăn, không muốn ăn, thậm chí bỏ bữa hoặc kiêng khem quá mức dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng. Vì vậy, người nhà cần động viên, giúp đỡ, đặc biệt đối với người cao tuổi sức yếu, đi lại khó khăn.

Hay gặp nhất là viêm đại tràng do vi sinh vật, trong đó lị amíp chiếm tỉ lệ khá cao.

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

 

 


Ý kiến của bạn