Phòng bệnh truyền nhiễm cho học sinh trước năm học mới như thế nào?

15-08-2023 08:09 | Y tế
google news

Theo các chuyên gia, ở độ tuổi học đường, các em học sinh có nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm, đem mầm bệnh từ trường về gia đình nhiều nhất và ngược lại.

Chỉ còn vài ngày nữa, các trường sẽ đồng loạt khai giảng nhưng hiện tại một số trường đã cho học sinh nhập học. Môi trường học đường đông đúc, trẻ em có hệ miễn dịch yếu, trong khi đó các bệnh truyền nhiễm như viêm não, thủy đậu, cúm… đang diễn biến phức tạp, không ít phụ huynh lo con sẽ mắc bệnh.

Đưa con gái 6 tuổi và con trai 14 tuổi đến Trung tâm Tiêm chủng VNVC Thới An (quận 12, TP.HCM), anh Thái Thành Danh cho biết trước đây con đầu (hiện 19 tuổi) của anh do không được tiêm vắc xin đầy đủ nên đi học thường bị lây bệnh "tập thể" từ các bạn. "Mỗi lần lớp học có học sinh nghỉ ốm vì cảm cúm thì y như rằng cháu cũng vậy và về lây cho hai em. Lần trường học có dịch thủy đậu, cháu cũng bị dính và bội nhiễm, giờ vẫn còn sẹo trên mặt và tay chân. Mỗi đợt 3 cháu cùng ốm, vợ chồng tôi thường phải thay phiên nghỉ làm để chăm sóc rất cực", anh Danh chia sẻ.

Sau khi được bác sĩ khám sàng lọc và tư vấn, anh Danh quyết định tiêm vắc xin cúm và phế cầu phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa,... cho cả nhà. Anh cho con gái tiêm nhắc vắc xin sởi - quai bị - rubella, vắc xin phòng viêm não Nhật Bản, viêm màng não do não mô cầu. Anh cho con trai tiêm tiêm thêm vắc xin HPV phòng bệnh lý đường sinh dục và ung thư.

Phòng bệnh truyền nhiễm cho học sinh trước năm học mới như thế nào? - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng trước khi tựu trường tại VNVC. Ảnh: Nhật Linh

BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết thời tiết chuyển mùa sang thu kèm hiệu ứng El Nino được thế giới cảnh báo kéo dài trong suốt năm 2023-2024 là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát và lây lan. Thêm vào đó, từ 4 tuổi trở đi là "khoảng trống vắc xin" của trẻ khi các vắc xin trẻ tiêm trong những năm đầu đời dần hết khả năng bảo vệ, cần được tiêm nhắc.

Trẻ em, đặc biệt là các trẻ có bệnh lý nền là đối tượng dễ gặp biến chứng khi mắc các bệnh truyền nhiễm. Điển hình như khi mắc cúm, trẻ có thể gặp các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hoặc phế cầu là tác nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ, nguy cơ tử vong có thể lên đến 50%. Trong khi đó, viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi có tỷ lệ tử vong và di chứng cao, lên đến 25-30%, 50% người bệnh có các di chứng thần kinh – tâm thần như: rối loạn tâm thần, rối loạn ngôn ngữ, điếc, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, nằm liệt giường… Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị tiêm vắc xin ngừa HPV cho trẻ em 9-14 tuổi để đạt hiệu quả cao nhất, bảo vệ tốt trước khi trẻ bước vào tuổi quan hệ tình dục.

Phòng bệnh truyền nhiễm cho học sinh trước năm học mới như thế nào? - Ảnh 2.

Hầu hết các vắc xin cần thời gian để tạo kháng thể bảo vệ nên tiêm trước năm học mới là tốt nhất. Nguồn: Pexels

Ngoài tiêm vắc xin ngừa cúm hằng năm, trẻ cần tiêm nhắc và tiêm mới nhiều loại vắc xin tùy theo độ tuổi như: vắc xin phòng bệnh do phế cầu, viêm màng não do mô cầu, ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm não Nhật Bản, thủy đậu, sởi - quai bị - Rubella, viêm gan A, B, HPV. Trong đó, vắc xin viêm gan B cần làm xét nghiệm kháng thể trước khi tiêm.

"Khi tiêm chủng, phụ huynh cũng cần chú ý tiêm đúng và đủ phác đồ để bảo vệ tối ưu sức khỏe của trẻ. Trẻ có thể tiêm cùng lúc nhiều loại vắc xin mà không làm quá tải hệ miễn dịch. Tiêm đồng thời nhiều loại vắc xin cũng giúp trẻ giảm số lần chịu đau và thăm khám tại các cơ sở tiêm chủng", BS Chính cho biết.

PGS.TS.BS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định mùa tựu trường là một trong những thời điểm "đáng lo nhất" của ngành y tế. Các trẻ được tiêm chủng sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh và không lây nhiễm cho bạn bè và những người trong gia đình. "Tiêm chủng là suốt đời và phải ưu tiên tiêm cho trẻ nhỏ. Trẻ cần được tiêm đúng lịch, càng sớm càng tốt. Sắp đến mùa tựu trường phụ huynh nên xem lại con mình còn thiếu vắc xin gì và hãy đưa các cháu đi tiêm", PGS.TS.BS Trần Đắc Phu đưa ra lời khuyên.

ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cũng cho rằng vắc xin là thành tựu y khoa giúp giảm nhiều trường hợp tử vong vì bệnh truyền nhiễm. "Người dân khi đưa con đi tiêm vắc xin hoặc tiêm cho chính bản thân mình cần cung cấp đầy đủ tất cả thông tin về các lần tiêm chủng trước cũng như tình trạng sức khỏe. Đây là những thông tin cần thiết giúp bác sĩ có thể đưa ra những tư vấn, chỉ định tiêm vắc xin phù hợp với mình", BS Nga lưu ý.

Bên cạnh việc cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch thì BS Nga cũng nhấn mạnh những biện pháp phòng ngừa không dùng thuốc khác như ăn uống thực phẩm an toàn, rửa tay, vệ sinh cá nhân, khu vực sinh sống… vẫn rất cần thiết. Cần tránh tâm lý chích ngừa xong thì thoải mái, không cần phòng ngừa bệnh nữa. Chẳng hạn, với nhiều bệnh do muỗi truyền bệnh như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, việc vệ sinh nhà ở sẽ giúp loại trừ nơi sản sinh của muỗi.


 


Nhật Linh
Ý kiến của bạn