Phòng bệnh táo bón ở người cao tuổi

20-07-2014 09:15 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tôi năm nay 60 tuổi, trong bữa ăn đều có rau tươi và các loại hoa quả nhưng vẫn thường xuyên bị táo bón. Xin quý báo cho biết cách phòng bệnh hiệu quả và có nên thụt tháo không?

 

Tôi năm nay 60 tuổi, trong bữa ăn đều có rau tươi và các loại hoa quả nhưng vẫn thường xuyên bị táo bón. Xin quý báo cho biết cách phòng bệnh hiệu quả và có nên thụt tháo không?

Nguyễn Trí (Cao Bằng)

Bệnh táo bón có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người cao tuổi bị táo bón chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Bình thường một người có thể đi ngoài từ 1 - 2 lần trong một ngày hoặc trên 3 lần trong một tuần. Khi quá 3 ngày chưa đi ngoài hoặc đi ngoài dưới 3 lần trong một tuần được gọi là bị táo bón có thể có từng cơn đau quặn bụng, phân rắn, mỗi khi đi ngoài phải rặn mạnh.

Táo bón thường xuyên sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu  do phân và các chất cặn bã, chất độc do các vi sinh vật trong đường ruột bài tiết ra không được tống ra theo phân mà đọng lại thời gian lâu ở đại tràng, trực tràng, cơ thể hấp thu cùng với nước gây độc hại cho cơ thể làm cho người bệnh lúc nào cũng thấy mệt mỏi, lười ăn, chán ăn, thậm chí bỏ bữa.

Để đề phòng táo bón hoặc giảm dần bệnh táo bón nên ăn nhiều rau trong mỗi bữa ăn. Các loại rau phù hợp là rau mồng tơi, rau khoai lang, rau muống, rau dền, rau đay. Nên ăn một số quả như: cam, quýt (nên ăn cả múi), đu đủ chín, dưa chuột, mướp đắng, mướp. Không nên uống rượu, bia; không ăn chất cay, nóng như: ớt, hành, hạt tiêu. Không nên ngồi lâu mỗi lần đi đại tiện. Hàng ngày nên tập thể dục nhẹ nhàng tùy theo sức của mình.

Nếu bị táo bón thường xuyên, ông tới cơ sở y tế và nói rõ về bệnh của mình để có được những lời khuyên, cách thức điều trị cho phù hợp. Đặc biệt không được tự ý thụt, tháo khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Long


Ý kiến của bạn