Phòng bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

04-09-2019 10:52 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (TSLTTTL) hay u xơ tiền liệt tuyến là bệnh thường gặp ở nam giới trung niên, đặc biệt là đàn ông cao tuổi.

Đặc điểm và chức năng của TTL

Tuyến tiền liệt (TTL) chỉ có ở nam giới. TTL là một khối hình nón mà đáy ở trên, đỉnh ở dưới, chiều cao khoảng 30mm, chiều rộng khoảng 40mm và độ dày khoảng 25mm. TTL có trọng lượng trung bình vào khoảng từ 15 - 20g. Khi tuổi trên 40, TTL có thể bị to ra, có trường hợp trọng lượng của TLT lên tới 100g. Vị trí của TTL nằm ở vùng cổ bàng quang, bao quanh gốc của niệu đạo, nằm sau xương mu, trước trực tràng. TTL được tạo nên bởi các cơ trơn và mô đàn hồi cùng các ống dẫn và tuyến nhỏ li ti được bao bọc bởi một màng gọi là nang. Chức năng chính của TTL tạo ra một lượng chất nhày nhất định để nuôi dưỡng, bảo vệ tinh trùng và có khoảng 40% tinh dịch của nam giới là do TTL sinh ra. Ở nam giới, khi tuổi càng lớn thì TLT có thể mắc một số bệnh như viêm nhiễm, ung thư nhưng gặp nhiều nhất là u xơ.

Nguyên nhân thường gặp

Mặc dù tuổi trên 40 nam giới dễ mắc TSLTTTL, tuy vậy, tuổi tác cao chưa được khẳng định một cách hoàn toàn gây nên bệnh nhưng người ta thấy hormon sinh dục nam có vai trò khá rõ rệt trong bệnh này. Bởi vì một số nghiên cứu cho thấy tuổi càng cao, hormon sinh dục nam càng có vai trò tác động mạnh vào TTL làm cho TTL phì đại (to ra). Ngoài ra, ở một số đàn ông cao tuổi có TSLTTTL thường hay dùng các loại có tính kích thích mạnh như rượu, bia, thuốc lá. Các kết quả nghiên cứu cho thấy độ tuổi từ 40 - 50 có tỉ lệ TSLTTTL khoảng 90% (trong đó có tới 1/2 là TSLTTTL) và ngược lại có khoảng 10% TLT không những không to ra mà lại bị teo nhỏ lại. Tại Việt Nam, hiện nay, có tới từ 45 - 70%  số nam giới trong độ tuổi từ 45 - 75 tuổi có mắc căn bệnh TSLTTTL. Tại Hoa Kỳ có hơn 1/2 nam giới ở độ tuổi từ 60 - 70 tuổi mắc bệnh TSLTTTL và ở lứa tuổi cao hơn (từ 70-90 tuổi) có tới 90% mắc chứng bệnh này. Ngoài tuổi tác, viêm nhiễm, đặc biệt là viêm nhiễm do vi sinh vật gây ra (vi khuẩn, virut) cũng làm cho TTL to ra trong một thời gian nhất định và nếu được điều trị kịp thời thì TTL có thể trở về trạng thái ban đầu và nếu không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm, TTL sẽ bị viêm mạn tính, kéo dài, to ra gây không ít khó khăn cho người bệnh.Tuyến tiền liệt bị tăng sinh lành tính.

Tuyến tiền liệt bị tăng sinh lành tính.

Biểu hiện của TSLTTTL

Khi bị TSLTTTL, luôn có 2  hiện tượng xảy ra do TTL kích thích đi tiểu và hiện tượng chèn ép gây nên một số triệu chứng khi đi tiểu. Đó là tiểu khó, tiểu dắt, tiểu nhiều lần, tia nước tiểu ra yếu, có khi bị ngắt quãng, thậm chí gây bí tiểu. Người bị TSLTTLT cũng hay mắc chứng đi tiểu đêm, nhiều đêm phải thức dậy 2-3 lần để đi tiểu. Nhiều trường hợp rất khó tiểu, đôi khi phải đứng chờ mấy chục phút đồng hồ.

Để chẩn đoán bệnh của TTL có thể thăm khám trực tràng (đơn giản, không tốn kém và nhanh) giúp cho việc xác định khối lượng mang tính chất tương đối về TTL, tuy nhiên gây phiền phức cho người bệnh. Siêu âm là một kỹ thuật được áp dụng nhiều nhất hiện nay nhưng đòi hỏi bác sĩ siêu âm cần có những kiến thức về y học cũng như phải được đào tạo bài bản về kỹ thuật siêu âm. Khi có nghi ngờ về TTL và nếu có điều kiện có thể chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI). Khi nghi ngờ có hiện tượng khác thường có thể làm xét nghiệm máu định lượng PSA (Prostatic Specific Antigen). PSA là kháng nguyên đặc hiệu của TLT có nhiều trong TTL và tinh dịch. Chỉ số PSA trong máu của người nam giới bình thường là < 4ng/ml. PSA sẽ tăng nhẹ trong bệnh TSLTTTL nhưng sẽ tăng cao trong ung thư TTL.

Tác hại của TSLTTTL

Đi tiểu đêm, kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng sẽ làm mất ngủ kéo dài. Nếu để hiện tượng rối loạn tiểu tiện kéo dài (tiểu khó, bí tiểu) làm ứ đọng nước tiểu trong bàng quang có thể gây viêm nhiễm bàng quang, đường tiết niệu và nguy hiểm hơn là làm ảnh hưởng đến chức năng của thận gây viêm thận, suy thận.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh TSLTTTL, trước hết, khi có rối loạn tiểu tiện cần đi khám bệnh ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán sớm và có hướng điều trị. Bởi vì bệnh TSLTTTL phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác, tức là phụ thuộc vào hormon sinh dục nam. Vì vậy, phòng bệnh TSLTTTL sẽ gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, nếu nghiện rượu, bia, thuốc lá, nên hạn chế đến mức tối đa hoặc bỏ hẳn. Để hạn chế sự tăng nhanh kích thước TTL có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ như tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn hàng ngày hoặc đi bộ. Một số nhà chuyên môn khuyên nên xoa bụng bằng cách dùng 2 tay chồng lên nhau xoa bụng dưới theo chiều kim đồng hồ với lực vừa phải và khoảng 30 vòng khi tại chỗ xoa ấm lên là được hoặc dùng máy rung vào vùng bụng dưới khoảng từ 10 - 15 phút với tốc độ rung nhỏ nhất. Nếu có viêm đường tiết niệu, cần được điều trị dứt điểm càng sớm càng tốt để không bị lây nhiễm sang TTL.


BS. Việt Anh
Ý kiến của bạn