Phòng bệnh tâm thần trong mùa thi

23-04-2018 08:52 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Cứ đến mùa thi, do áp lực của thi cử, điểm số, kỳ vọng của cha mẹ, cộng với việc phải học quá nhiều, dồn nén... khiến cho các sĩ tử rất dễ bị căng thẳng về tinh thần và tâm lý.

Mới đây vụ một học sinh nam Trường Nguyễn Khuyến TP. Hồ Chí Minh tự sát do bị áp lực về tâm lý, bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng và nhiều trường hợp gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ cần có thái độ đúng mực đối với việc học hành của con em mình trong mùa thi.

Các bệnh tâm thần phổ biến như: tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, lo âu lan tỏa, cơn hoảng sợ kịch phát đều có căn nguyên là rối loạn gen di truyền. Vì thế phòng các bệnh này là rất khó khăn. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân bị các rối loạn tâm thần kể trên đều khởi phát khi có điều kiện thuận lợi từ môi trường bên ngoài. Các điều kiện thuận lợi đó là: sử dụng rượu và ma túy; sử dụng máy tính có kết nối mạng quá nhiều; căng thẳng tâm lý mạnh và kéo dài.

Căn cứ vào các yếu tố trên, chúng ta có thể đề ra một số biện pháp dự phòng bệnh tâm thần cho con em mình trong mùa thi như sau:

Không sử dụng rượu và ma túy

Các thí sinh đang ở đầu tuổi thanh niên đã có thể sử dụng đồ uống có cồn. Các cháu có thể không uống rượu, bia thường xuyên, nhưng lại dễ dùng rượu bia vào các buổi liên hoan. Chính ở những buổi liên hoan cuối năm học đó mà các cháu có thể bị say rượu và có thể để lại hậu quả đáng tiếc. Các bệnh trầm cảm, lo âu lan tỏa, rối loạn cảm xúc lưỡng cực có thể nhân cơ hội này mà phát bệnh.

Hiện nay, việc sử dụng ma túy không còn là hiếm ở học sinh, sinh viên. Ma túy được sử dụng thường là ma túy nhóm kích thần như ecstasy hoặc meth (ma túy đá) và cần sa. Nhiều người nhầm tưởng đây chỉ là các chất kích thích, vô hại, được dùng cho các dịp vui chơi để giải trí. Nhiều cháu lại cho rằng các chất này dùng để làm mất cảm giác buồn ngủ, giảm cảm giác mệt mỏi để học tập dễ hơn. Nhưng thực tế thì không phải thế, các ma túy này đều rất dễ nghiện và tàn phá hệ thần kinh trung ương một cách khủng khiếp. Các ma túy này đều dễ gây loạn thần (như ngáo đá chẳng hạn), trầm cảm, lo âu cho người dùng.

Một học sinh phải nhập viện điều trị do áp lực thi cử, học hành. Ảnh: MT

Một học sinh phải nhập viện điều trị do áp lực thi cử, học hành. Ảnh: MT

Không sử dụng máy tính quá nhiều

Sử dụng máy tính quá nhiều có nguy cơ gây ra trầm cảm và lo âu còn mạnh hơn cả uống rượu. Bên cạnh đó, dùng mạng quá nhiều khiến người dùng dễ bị nghiện internet, nghiện mạng xã hội và nghiện game online. Các loại nghiện này đều nặng và rất khó chữa, không kém gì nghiện ma túy. Những người này thường bị mất ngủ, mệt mỏi, hay cáu gắt, chú ý và trí nhớ đều rất kém. Họ ăn uống thất thường, bỏ bê các công việc ở nhà, ở trường, lười tắm giặt, đánh mất các mối quan hệ xã hội với bạn bè, người thân trong thế giới thực. Họ tiêu tiền nhiều mà không nói rõ mục đích, nói dối về thời gian sử dụng máy tính và internet. Khi không được dùng internet, họ rất thèm và tìm đủ cách để được dùng máy tính. Khi đã sử dụng máy tính, họ không thể kiểm soát được việc sử dụng mạng của mình (dự kiến dùng mạng 15 phút, nhưng sau 2 giờ mà vẫn chưa ngừng). Nếu các thí sinh đã nghiện internet, nghiện mạng xã hội và nghiện game online thì việc học hành sẽ bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Ngày nay, hầu hết các nhà tâm thần học đều cho rằng để trở thành nghiện game online, người chơi chỉ cần chơi mỗi ngày trên 2 giờ và liên tục (ngày nào cũng chơi) trong vòng 1 tháng.

Tránh căng thẳng tâm lý mạnh và kéo dài

Các căng thẳng tâm lý này tác động đến thí sinh không giống nhau ở mỗi người. Tác động của nó còn phụ thuộc vào việc thí sinh là đối tượng trực tiếp (bị bố, mẹ gây sức ép) hoặc gián tiếp (mâu thuẫn trong gia đình). Nhưng thực ra, căng thẳng tâm lý không phải là nguyên nhân lớn gây ra rối loạn tâm thần và không có ý nghĩa như rượu, ma túy và game online. Tuy nhiên, các căng thẳng này đủ mạnh để khiến các cháu ăn, ngủ thất thường, khó tập trung chú ý nên khó ghi nhớ, vì thế gây ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập.

Các phụ huynh học sinh có thể theo dõi giấc ngủ của các thí sinh vì các rối loạn trên đều gây ra mất ngủ. Nếu các cháu ngủ quá kém (dưới 6 giờ mỗi ngày) thì rất đáng lo ngại. Ngủ ít quá khiến các cháu rất mệt mỏi, do vậy khả năng học tập sẽ suy giảm rất nhiều. Khi đó, các phụ huynh hãy tìm hiểu nguyên nhân gây ra ít ngủ của con em mình và tìm cách giải quyết. Những trường hợp các cháu mất ngủ trầm trọng, hay cáu gắt, buồn vô cớ, chán ăn, sút cân... thì cần đến khám ở các bác sĩ tâm thần để có cách điều trị thích hợp.

Ngoài ra, các sĩ tử cần chú ý đến chế độ sinh hoạt, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, khoa học, tránh học quá nhiều, dồn nén dẫn đến kết quả học tập bị giảm sút, không như mong muốn, như kỳ vọng gây tác động mạnh mẽ đến tâm lý, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tâm thần, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.


PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103)
Ý kiến của bạn