Phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

16-08-2017 15:53 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh suy giãn tĩnh mạch chủ yếu gặp ở người trưởng thành (khoảng trên 30 tuổi), trong đó nữ giới chiếm tỉ lệ cao hơn nam giới (khoảng 25% nữ giới, 10 - 15% nam giới)...

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chủ yếu gặp ở người trưởng thành (khoảng trên 30 tuổi), trong đó nữ giới chiếm tỉ lệ cao hơn nam giới (khoảng 25% nữ giới, 10 - 15% nam giới) và hay gặp  nhất là giãn tĩnh mạch chi dưới (chân).

Tĩnh mạch là một bộ phận của hệ thống tuần hoàn và đi song song với động mạch. Trong lòng của tĩnh mạch được cấu tạo bởi một hệ thống van một chiều, do đó máu trở về tim từ tĩnh mạch cũng theo một chiều nhất định không có hiện tượng máu chảy trở lại. Vì vậy, các cơ quan ở xa tim nhưng máu vẫn hồi trở lại tim một cách nhịp nhàng, đều đặn. Khi tĩnh mạch bị giãn ra sẽ làm cản trở đến quá trình lưu thông của máu về tim, lúc đó được gọi là bệnh giãn tĩnh mạch. Giãn tĩnh mạch lâu ngày sẽ trở thành suy tĩnh mạch.

Nguyên nhân suy giãn tĩnh mạch chân

Giãn tĩnh mạch chân do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên nhưng khi chức năng của thành mạch và các van của tĩnh mạch bị suy yếu đóng vai trò đáng kể, trong khi áp lực máu trong lòng tĩnh mạch lại tăng, sự lặp lại càng nhiều lần và thời gian càng lâu thì tĩnh mạch sẽ bị giãn ra. Trong một số trường hợp, giãn tĩnh mạch có thể là do hiện tượng rò động - tĩnh mạch làm cho áp lực tĩnh mạch tăng cao đột biến gây nên giãn tĩnh mạch. Với nữ giới có tỉ lệ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch cao hơn nam giỡi, nhất là tĩnh mạch chân, ngoài các nguyên nhân nêu trên,   nữ giới là người làm công việc nội trợ hàng ngày, đứng máy (trong công xưởng, nhà máy dệt, may), đứng bán hàng trong các siêu thị một cách liên tục nhiều ngày. Do phải đứng nhiều, đứng lâu nhiều giờ sẽ làm cho tĩnh mạch chân bị giãn ra, lâu ngày bị suy giãn. Một số phụ nữ do sinh đẻ nhiều lần (bởi tổng thời gian mang thai nhiều) cũng có thể gây nên mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân. Thông thường, khi bị giãn tĩnh mạch chân một bên, rất có nguy cơ tĩnh mạch chân bên đối diện cũng sẽ mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh suy giãn tĩnh mạch còn có thể do di truyền (bố hoặc mẹ bị suy giãn tĩnh mạch chân hoặc cả hai).Hình ảnh giãn tĩnh mạch chi dưới.

Hình ảnh giãn tĩnh mạch chi dưới.

Biểu hiện của suy giãn tĩnh mạch chân

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân thường thấy những đám tĩnh mạch nổi lên ngoằn ngoèo, tạo thành từng búi nằm ngay sát dưới da chi dưới như khoeo, cẳng chân, bắp chân, cổ chân, có khi gặp cả vùng đùi. Màu da của vùng tĩnh mạch bị giãn thường có màu xanh. Bệnh giãn tĩnh mạch chân nặng hay nhẹ không liên quan nhiều đến kích thước cũng như số lượng tĩnh mạch bị giãn. Người bệnh có cảm giác nặng chân, mỏi chân kèm theo đứng lên hoặc ngồi xuống rất khó khăn.

Có những trường hợp người bệnh cảm thấy rát, đau âm ỉ ở vùng da có tĩnh mạch bị giãn và có thể bị chuột rút (vọp bẻ), nhất là ban đêm lúc ngủ, các triệu chứng này sẽ giảm hoặc mất đi khi kê 2 chân cao bằng một chiếc gối.

Suy giãn tĩnh chân lâu ngày và không được điều trị sẽ có nguy cơ để lại một số hậu quả xấu, đó là những vùng da mỏng và tĩnh mạch giãn nhiều có thể gây nên hiện tượng loét và nếu không được điều trị, chăm sóc cẩn thận rất dễ bị nhiễm trùng da, lở loét da diện rộng và nguy hiểm hơn nữa là nguy cơ gây nhiễm trùng máu - một bệnh cực kỳ nguy hiểm. Hậu quả nặng nề nhất trong giãn tĩnh mạch chân là do máu bị ứ đọng trong lòng mạch lâu dễ tạo nên cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Cục máu đông này sẽ trôi đi theo dòng máu, chảy về tim; từ tim, cục máu sẽ di chuyển theo dòng máu đến các cơ quan, nếu gặp phải nơi mạch máu nhỏ, lòng động mạch hẹp (động mạch bị xơ vữa) sẽ rất dễ gây tắc nghẽn (qua mạch mãu não gây thiếu mãu não gây nhũn não hoặc xảy ra ở động mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim). Cục máu đông đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong trong vài phút nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên tắc điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chân

Khi nghi ngờ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán xác định và có chỉ định điều trị thích hợp, tránh để lâu biến chứng sẽ xảy ra. Khi đã bị suy giãn tĩnh mạch chân, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, lúc đi ngủ nên kê cao chân bằng một chiếc gối mềm, độ cao thích hợp để không gây khó chịu ảnh hưởng đến giấc ngủ. Có thể dùng băng chun để quấn (dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc) nhằm mục đích tạo áp lực lớn ở phía dưới, áp lực nhỏ ở phía trên và giảm đường kính lòng mạch, giúp máu tĩnh mạch lưu thông về phía trên dễ dàng hơn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch chân nên tránh đứng lâu, tránh đứng nhiều một chỗ, không để tăng cân hoặc đã tăng cân thì cần giảm béo. Nên tạo cho mình có thói quen tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn. Nên xoa bóp nhẹ nhàng hai chân (theo xu hướng vuốt dọc trở lên từ mu bàn chân lên cẳng chân) đặc biệt là trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy để làm cho máu lưu thông một cách dễ dàng. Cần ăn các loại thức ăn có nhiều sinh tố, nhất là các loại quả, rau để có đủ một số chất cần thiết làm tăng tính bền vững của thành mạch.


BS. Việt Anh
Ý kiến của bạn