Phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch chân

24-03-2016 10:32 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh suy giãn tĩnh mạch chủ yếu gặp ở người trưởng thành, trong đó nữ giới chiếm tỉ lệ cao hơn nam gới và hay gặp nhất là giãn tĩnh mạch chân.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch là tình trạng tĩnh mạch bị giãn, chạy quanh co và có dòng máu chảy theo chiều trái ngược nhau. Bệnh xuất hiện khi thành tĩnh mạch bị suy yếu và các van một chiều bên trong lòng mạch bị tổn thương. Bình thường trong lòng của tĩnh mạch được cấu tạo bởi một hệ thống van một chiều, do đó máu trở về tim từ tĩnh mạch cũng theo một chiều nhất định không có hiện tượng máu chảy trở lại. Do đặc điểm cấu tạo đó cho nên các cơ quan ở xa tim nhưng máu vẫn hồi trở lại tim một cách nhịp nhàng, đều đặn. Khi tĩnh mạch bị giãn ra sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của máu về tim, lúc đó được gọi là bệnh giãn tĩnh mạch. Bệnh suy giãn tĩnh mạch, gặp nhiều nhất là tĩnh mạch chân, bởi vì nó có những đặc thù riêng (xa tim, chịu áp lực nhiều nhất...).

Màu da của vùng tĩnh mạch bị giãn thường có màu xanh

Nguyên nhân

Giãn tĩnh mạch chân do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, trong đó chức năng của thành mạch và các van của tĩnh mạch bị suy yếu đóng vai trò đáng kể nhất, trong khi áp lực máu trong lòng tĩnh mạch lại tăng, sự lặp lại càng nhiều lần và thời gian càng lâu, tĩnh mạch càng dễ bị giãn ra. Trong một số trường hợp, giãn tĩnh mạch có thể là do hiện tượng rò động mạch - tĩnh mạch làm cho áp lực tĩnh mạch tăng cao đột biến gây nên giãn tĩnh mạch.

Cần ăn các loại quả, rau và không để tăng cân

Nữ giới có tỉ lệ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch cao hơn nam giới, nhất là tĩnh mạch chân. Ngoài các nguyên nhân nêu trên, họ là người làm công việc nội trợ hàng ngày hoặc đứng máy (trong công xưởng, nhà máy dệt, may) hoặc đứng bán hàng trong các siêu thị một cách liên tục nhiều giờ, nhiều ngày. Do họ phải đứng nhiều, đứng lâu nhiều giờ sẽ làm cho tĩnh mạch chân bị giãn ra, lâu ngày bị suy yếu và giãn càng nhiều. Một số phụ nữ do sinh đẻ nhiều lần (bởi tổng thời gian mang thai nhiều) cũng có thể gây nên mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân.

Băng chun cũng được sử dụng để dự phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch mạn tính

Theo một số tác giả khi bị giãn tĩnh mạch chân một bên, rất có nguy cơ tĩnh mạch chân bên đối diện cũng sẽ mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh suy giãn tĩnh mạch còn có thể do di truyền (bố hoặc mẹ bị suy giãn tĩnh mạch chân hoặc cả hai)

Biểu hiện

Thường thấy những đám tĩnh mạch nổi lên ngoằn ngoèo, tạo thành từng búi nằm ngay sát dưới da chi dưới như: khoeo, cẳng chân, bắp chân, cổ chân, có khi gặp cả vùng đùi. Màu da của vùng tĩnh mạch bị giãn thường có màu xanh. Nếu ở chân, những biểu hiện hay gặp nhất là có cảm giác nặng chân, mỏi chân kèm theo đứng lên hoặc ngồi xuống  khó khăn. Một số trường hợp người bệnh cảm thấy rát, đau âm ỉ ở vùng da có tĩnh mạch bị giãn, đôi lúc đang nằm ngủ thường bị chuột rút (vọp bẻ), nhất là ban đêm.

Phòng bệnh và cách xử trí

Để phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch chân nên tránh đứng lâu, tránh đứng nhiều một chỗ, không để tăng cân hoặc đã tăng cân, cần giảm béo. Cần ăn các loại thức ăn có nhiều sinh tố nhất là các loại quả, rau để có đủ một số chất cần thiết làm tăng tính bền vững của thành mạch. Khi nghi ngờ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân, việc đầu tiên là phải đi khám bệnh ở cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định và có chỉ định điều trị thích hợp. Khi đã bị suy giãn tĩnh mạch chân, lúc đi ngủ nên kê cao chân bằng một chiếc gối mềm, độ cao thích hợp để không gây khó chịu ảnh hưởng đến giấc ngủ. Có thể dùng băng chun để quấn (dưới sự hướng dẫn của thấy thuốc) nhằm  mục đích tạo áp lực lớn ở phía dưới, áp lực nhỏ ở phía trên và giảm đường kính lòng mạch, giúp máu tĩnh mạch lưu thông về phía trên dễ dàng hơn. Băng chun cũng được sử dụng để dự phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch mạn tính, hỗ trợ cho các biện pháp điều trị nội khoa và phòng ngừa tái phát. Tuy vậy, chỉ được dùng băng chun theo chỉ định của bác sĩ.

Nên xoa bóp nhẹ nhàng hai chân (theo xu hướng vuốt dọc trở lên từ mu bàn chân lên cẳng chân) đặc biệt là trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy để làm cho máu lưu thông một cách dễ dàng. Cần tập thể dục buổi sáng thường xuyên, mỗ lần tập cần hít thở sâu, thở ra từ từ và nhịp nhàng. Trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy nên duy trì động tác này nhằm tập luyện cho cơ quan hô hấp, tránh tắc mạch phổi. Trong trường hợp biến chứng vỡ tĩnh mạch gây chảy máu, người bệnh nên nằm, kê cao chân và băng ép lại (dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc). Khi bị loét da cần vệ sinh, sát khuẩn theo tư vấn và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ khám bệnh, tránh nhiễm trùng lan rộng và nhiễm trùng huyết.


TS. BÙI MAI HƯƠNG
Ý kiến của bạn