Phòng bệnh sốt xuất huyết: Cần chữa bệnh chủ quan

26-11-2016 09:31 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh sốt xuất huyết (SXH) hiện vẫn xuất hiện rải rác với số lượng không nhỏ ở khu vực các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ...

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) hiện vẫn xuất hiện rải rác với số lượng không nhỏ ở khu vực các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ, cùng với đó là bệnh tay - chân - miệng bắt đầu vào mùa và bệnh Zika đang đe dọa, trong lúc này công tác phòng chống bệnh là nhiệm vụ hàng đầu. Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía các cơ sở y tế trong công tác phòng chống bệnh, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế thì sự chủ động của người dân trong công tác phòng chống bệnh vẫn là một trong những vấn đề cốt lõi để phòng bệnh  hiệu quả.

Bệnh SXH có xu hướng gia tăng

Tại Khánh Hòa: Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh Khánh Hòa, từ đầu tháng 11 đến nay, số ca mắc mới SXH liên tục tăng, dao động mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận từ 100 đến 125 ca. Tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 4.680 ca mắc SXH, có 3 ca tử vong. Thị xã Ninh Hòa có số ca mắc cao nhất với hơn 1.280 ca, tiếp đến là TP. Nha Trang hơn 1.190 ca. Theo nhận định của ngành y tế, dịch đang có xu hướng gia tăng.

Kiểm tra lăng quăng tại Khánh Vĩnh, Khánh Hòa. Ảnh: Thảo Ly

Tại Quảng Trị: Đến ngày 20/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận hơn 400 trường hợp mắc bệnh SXH. Trong đó, TP. Đông Hà 103 trường hợp, huyện Vĩnh Linh 100 trường hợp, huyện Triệu Phong 88 trường hợp... Tại Quảng Nam, theo số liệu cập nhật của Trung tâm YTDP tỉnh, tính đến ngày 20/11, toàn tỉnh ghi nhận 2.757 trường hợp mắc SXH, tập trung ở các huyện khu vực đồng bằng. Chỉ tính riêng tuần qua (từ 14 đến 20/11), Hội An có thêm 59 ca mắc, nâng tổng số người mắc toàn thành phố lên 830 ca.

Tại Bình Dương: BS. Nguyễn Văn Nhưỡng, Phó trưởng Khoa Nhi BVĐK tỉnh Bình Dương cho biết, năm nay, SXH không có ca nặng nhiều nhưng xuất hiện rải rác và hầu như tháng nào Khoa Nhi cũng tiếp nhận hơn 100 ca SXH. Từ ngày 14/9 đến 14/11, khoa tiếp nhận điều trị cho 365 ca SXH, tăng gấp đôi so với những tháng không mưa. Tại Khoa Nhiễm BVĐK tỉnh, từ tháng 4/2016 đến nay, mật độ SXH tăng 50% so với trước, mỗi tháng có hơn 200 ca. Hàng ngày có từ 30 - 50 bệnh nhân đang điều trị SXH. Theo thống kê từ đầu tháng 8 đến ngày 31/10, Khoa Nhiễm BVĐK tỉnh có 667 ca nhập viện do SXH. Trong đó, tháng 8 có 203 ca, tháng 9 có 239 ca và tháng 10 có 225 ca.

Cần hơn nữa sự chủ động

Theo phản ánh của các địa phương, một trong những vấn đề khó khăn hiện nay là chưa có sự chủ động phòng chống bệnh từ phía người dân. Người dân còn chủ quan cho rằng bệnh không đến mức nghiêm trọng. Tại BVĐK tỉnh Bình Dương, các bác sĩ cho biết, đa số các bệnh nhi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng có biến chứng sau khi sốt cao liên tục 3 - 4 ngày, đau bụng, chảy máu răng, chảy máu cam. Có trường hợp nặng hơn là bé trai (12 tuổi) được chuyển từ Trung tâm y tế thị xã Thuận An về BVĐK tỉnh trong tình trạng sốc SXH Dengue nặng (nôn ra máu, đi ngoài phân đen, mạch nhanh, huyết áp tụt).

Tuy nhiên, ngay khi phát hiện có triệu chứng bệnh, các gia đình đã chủ quan không đưa con đi khám, chỉ đến khi các dấu hiệu bệnh chuyển nặng mới được đưa đến bệnh viện. Cũng về vấn đề này, BS. Nguyễn Văn Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP Quảng Nam lo ngại, trong quá trình kiểm tra, giám sát, chúng tôi nhận thấy nhiều gia đình chưa chủ động việc phòng bệnh, thậm chí cả những gia đình có người mắc bệnh vẫn không chú ý.

Mặc dù các biện pháp diệt lăng quăng đã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, tuy nhiên người dân vẫn không quan tâm đến biện pháp diệt bọ gậy. “Đây là điều mà ngành y tế rất khó kiểm soát. Do vậy, chúng tôi rất cần chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân trong việc  phòng chống dịch bệnh, chứ việc phun hóa chất chỉ là cấp thời”, ông Hoàn băn khoăn.


Thanh Dung - Lam Giang
Ý kiến của bạn