Hà Nội

Phòng bệnh sỏi tiết niệu

14-08-2018 09:58 | Đời sống
google news

SKĐS - Sỏi tiết niệu là một bệnh thường gặp và có khả năng hay tái phát tại đường tiết niệu do sự kết thạch của một số thành phần trong nước tiểu ở điều kiện lý hóa nhất định.

Sỏi tiết niệu là một bệnh thường gặp và có khả năng hay tái phát tại đường tiết niệu do sự kết thạch của một số thành phần trong nước tiểu ở điều kiện lý hóa nhất định. Bệnh có thể phòng ngừa được nếu thực hiện các biện pháp chủ yếu cơ bản nhằm hạn chế những yếu tố nguy cơ gây nên sỏi.

Qua phân tích thành phần hóa học của sỏi tiết niệu, các nhà khoa học ghi nhận sỏi canxi oxalat chiếm tỉ lệ cao nhất khoảng 70 - 80%, tiếp theo đến là loại sỏi calci phosphat, sỏi amoni magie phosphat, sỏi axít uric và sỏi cystin. Tuổi mắc bệnh thường gặp là từ 35 - 55, tuy nhiên thời điểm mắc bệnh có thể khác nhau tùy theo từng loại sỏi. Nam giới mắc bệnh sỏi tiết niệu thường gấp 3 lần nữ giới, tuy nhiên tỉ lệ bệnh cũng thay đổi tùy theo thành phần hóa học của sỏi. Tại các nước công nghiệp phát triển, loại sỏi axít uric có xu hướng xảy ra nhiều hơn so với các nước đang phát triển; ngược lại ở các nước đang phát triển thì loại sỏi amoni magie phosphat do nhiễm trùng lại thường chiếm tỉ lệ cao hơn.

Nguyên nhân hình thành sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu được hình thành không phải do một bệnh riêng biệt là do biến chứng của nhiều loại bệnh, vì vậy sự phát sinh sỏi có nhiều nguồn gốc khác nhau, đặc biệt tùy thuộc vào từng loại sỏi. Tuy vậy theo các nhà khoa học, có một số nguyên nhân chính tạo nên sỏi tiết niệu được ghi nhận bao gồm yếu tố di truyền, mắc tật dị dạng bẩm sinh, yếu tố địa dư và khí hậu, chế độ ăn uống...

Về yếu tố di truyền: đối với sỏi cystin và sỏi axít uric, yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng. Sỏi cystin xuất hiện ở bệnh nhân đi tiểu cystin kiểu gen đồng hợp tử; vai trò di truyền của trường hợp sỏi axít uric cũng đã được xác định rõ ràng. Đối với sỏi canxi, yếu tố di truyền khó xác định; tuy nhiên các nhà khoa học cũng ghi nhận có những trường hợp sỏi canxi được phát hiện ở trong một số người của dòng họ bị mắc bệnh; ngoài ra yếu tố cường canxi niệu thường tạo ra sỏi có khả năng di truyền theo kiểu đa gen.

Phòng bệnh sỏi tiết niệuSỏi tiết niệu có thể ở nhiều vị trí khác nhau trong đường tiết niệu

Về các tật dị dạng bẩm sinh: trên thực tế, những tật dị dạng bẩm sinh và mắc phải là nguyên nhân thuận lợi để tạo nên sỏi do tình trạng ứ đọng và nhiễm khuẩn. Tuy vậy, những nguyên nhân chủ yếu là do sự rối loạn chuyển hóa các thành phần được bài tiết qua thận. Các tật dị dạng bẩm sinh đường tiết niệu thường có nhiều dạng khác nhau, phổ biến là tình trạng hẹp chỗ nối bể thận và niệu quản, hẹp niệu quản, phình to niệu quản, hẹp cổ bàng quang, thận móng ngựa, thận đa nang, lao tiết niệu...

Về yếu tố địa dư và khí hậu: yếu tố này đã được các nhà khoa học đề cập đến. Ở nơi có khí hậu nóng và khô tại vùng sa mạc hoặc vùng nhiệt đới là yếu tố môi trường tác động rất nhiều đến sự phát sinh hình thành sỏi tiết niệu.

Về chế độ ăn uống: đây cũng là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến bệnh sỏi tiết niệu như sử dụng các loại thức ăn, thực phẩm có chứa nhiều chất purin, oxalat hoặc canxi, phosphat...

Ngoài ra còn có một số các nguyên nhân khác như: sỏi tiết niệu do nhiễm khuẩn sẽ hình thành loại sỏi amoni magie phosphat; đồng thời bị gãy xương, nằm bất động lâu ngày cũng sẽ tạo nên những điều kiện thuận lợi để hình thành nên sỏi tiết niệu.

Vị trí của sỏi trong đường tiết niệu và triệu chứng lâm sàng

Sỏi được hình thành trong đường tiết niệu sẽ gây ra nhiều tình huống khác nhau tùy theo kích thước, vị trí của sỏi và những phản ứng của hệ tiết niệu đối với sỏi. Sỏi ở thận sẽ di chuyển xuống niệu quản, vào bàng quang và bị tống ra ngoài qua niệu đạo nếu kích thước của sỏi dưới 4mm và hình thù nhẵn mịn. Nếu sỏi cố định ở đài thận thì nhu mô thận bị lệ thuộc trực tiếp sẽ bị giãn rộng và mỏng dần. Sỏi ở bể thận có thể di động hoặc cố định, thường gây tắc chỗ nối bể thận và niệu quản. Sỏi ở bể thận sẽ làm giãn các đài bể thận, nhu mô thận mỏng và suy giảm chức năng. Sỏi niệu quản rất hay gặp, đặc biệt là ở vị trí 1/3 phía dưới niệu quản. Nếu sỏi niệu quản ở cả hai bên sẽ gây nên tình trạng vô niệu. Sỏi ở bể thận hay ở niệu quản gây ra thận ứ nước và nếu kèm theo nhiễm khuẩn thì thận sẽ bị hủy hoại nhanh chóng. Trong một số trường hợp, thận ứ nước gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết. Sỏi ở bàng quang thường là thứ phát do u xơ tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, hẹp bao quy đầu. Sỏi bàng quang thường gặp trong bàng quang thần kinh. Sỏi niệu đạo là do sỏi từ trên thận và bàng quang đi xuống. Thực tế rất ít trường hợp sỏi bị kẹt lại trong niệu đạo, trừ khi niệu đạo bị hẹp, bị rò hay có túi thừa niệu đạo.

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh sỏi tiết niệu có thể diễn biến tiềm tàng và âm thầm nhưng phần lớn trường hợp thường có những biểu hiện lâm sàng rõ nét. Đau vùng thắt lưng là triệu chứng hay gặp, đặc biệt lúc sỏi di chuyển và gây tắc đường tiết niệu. Triệu chứng cơn đau quặn thận do sỏi bị tắc ở bể thận hay niệu quản rất điển hình với cơn đau khá dữ dội xuất phát từ thắt lưng lan xuống dưới theo đường đi của niệu quản đến vùng bẹn và vùng sinh dục, kèm theo đi tiểu buốt, nước tiểu màu đỏ; có thể đau trướng bụng, nôn mửa. Dấu hiệu đi tiểu ra máu toàn bộ thường kèm theo cơn đau, xuất hiện lúc vận động mạnh và sẽ giảm bớt khi nằm nghỉ. Biểu hiện đi tiểu với nước tiểu đục khi có tình trạng nhiễm khuẩn kèm theo; nhiều khi bệnh nhân không sốt mà chỉ thấy dấu hiệu đi tiểu với nước tiểu đục; có khi bệnh nhân có thể sốt cao, rét run, kèm theo đau vùng thắt lưng biểu hiện của viêm thận - bể thận. Triệu chứng phù, nôn mửa, ăn không ngon thường xảy ra trong trường hợp bị suy thận nặng. Thậm chí có trường hợp bị vô niệu do sỏi làm tắc đường tiết niệu của thận duy nhất đang hoạt động. Khám lâm sàng ghi nhận các điểm đau ở vùng thắt lưng hay dọc theo đường đi của niệu quản, không ít trường hợp có dấu hiệu chạm thận hay bập bềnh thận; nước tiểu có màu hồng, đỏ, có khi đục.

Tiến triển bệnh lý và phòng bệnh

Sỏi tiết niệu thường gây nên nhiều biến chứng do tắc đường tiết niệu, do nhiễm khuẩn; sỏi có thể tái phát và phát triển ở cả hai bên. Nếu bệnh nhân không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời thì chức năng thận sẽ bị giảm sút do tình trạng ứ nước thận, ứ mủ thận. Đối với toàn thân, sỏi gây tăng huyết áp, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ dẫn đến tử vong. Hiện nay nhờ những tiến bộ của khoa học, y học trong phương pháp điều trị ngoại khoa và nội khoa cũng như phát hiện bệnh sớm và phòng bệnh có kết quả nên biến chứng sỏi tiết niệu ngày càng giảm.

Việc phòng bệnh sỏi tiết niệu chủ yếu được thực hiện nhằm hạn chế các yếu tố nguy cơ gây nên sỏi. Lưu ý khuyến khích bệnh nhân uống nước nhiều để lượng nước tiểu được bài tiết mỗi ngày ít nhất phải được 1,5 lít. Nếu thực hiện được như vậy, nước tiểu luôn luôn ở dưới giai đoạn bão hòa tránh nguy cơ hình thành sỏi. Cần tránh tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhất là đối với giới nữ. Phải giải quyết những nguyên nhân gây nên tình trạng ứ đọng nước tiểu do dị tật bẩm sinh hoặc bị mắc phải do các bệnh khác gây ra ở trẻ em cũng như ở người lớn. Nên điều chỉnh độ pH của nước tiểu tùy theo loại sỏi mà bệnh nhân mắc phải như kiềm hóa nước tiểu trong trường hợp bị sỏi cystin và axít uric, toan hóa nước tiểu trong trường hợp bị sỏi amoni magie phosphat. Đối với từng loại bệnh, phải chú ý loại trừ những nguyên nhân tạo thuận lợi cho sự hình thành của sỏi như từ chế độ ăn uống cho đến việc điều chỉnh các yếu tố sinh lý hóa của từng bệnh nhân, kể cả các trường hợp phẫu thuật cần thiết như cắt bỏ khối u tuyến cận giáp trạng, phẫu thuật tạo hình để loại bỏ các nguyên nhân gây ứ đọng đường tiết niệu.


TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn