Phòng bệnh sau lũ lụt

14-10-2010 09:58 | Tin nóng y tế
google news

Sau lũ lụt, vùng nước ngập thường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi phân, rác, xác động, thực vật chết thối rữa; chuồng trại gia súc, gia cầm, cống rãnh ngập trong nước khuếch tán chất thải bẩn vào nước.

Sau lũ lụt, vùng nước ngập thường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi phân, rác, xác động, thực vật chết thối rữa; chuồng trại gia súc, gia cầm, cống rãnh ngập trong nước khuếch tán chất thải bẩn vào nước. Từ nước, chất bẩn và mầm bệnh nhiễm vào đất, cây trồng, vật nuôi, nhà cửa, đồ dùng... Do đó rất dễ bùng phát các loại bệnh dịch như: tiêu chảy, đau mắt, viêm da, sốt xuất huyết, sốt rét... Nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, báo Sức khỏe&Đời sống giới thiệu bài viết về cách phòng bệnh sau lũ lụt.

Cách phòng tránh nhiễm khuẩn đường ruột

Sau khi bị nước ngập do lũ lụt, hay gặp các bệnh: tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... các bệnh này chủ yếu lây nhiễm qua ăn uống, do tay người bị nhiễm khuẩn, do ruồi, nhặng, gián, thạch sùng làm nhiễm bẩn thức ăn. Bà con cần thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh như sau:

Vệ sinh về ăn uống: luôn luôn thực hiện “ăn chín, uống sôi ”, mọi loại thức ăn, nước uống cần đun sôi trước khi ăn uống. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, bát đũa cần rửa sạch để khô ráo trước khi ăn. Thức ăn đã nấu chín cần bảo quản bằng cách đậy lồng bàn, tránh ruồi, nhặng, dán, thạch sùng, mưa gió, bụi bặm làm nhiễm bẩn. Không ăn rau sống, tiết canh, mắm tôm, mắm tép sống; không ăn gỏi cá, hải sản, nghêu, sò, ốc, hến chưa được nấu chín; không ăn nem chạo, nem chua; không ăn các thức ăn đã bị ôi thiu, không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh.

 Cán bộ y tế hướng dẫn người dân sử dụng cloramin B khử khuẩn nước sau mưa lũ.

Chỉ dùng nước sạch để ăn uống và tắm rửa: nước dùng ăn, uống phải được xử lý đảm bảo vệ sinh. Nếu trời mưa, tốt nhất là hứng nước mưa để nấu nước uống và nấu thức ăn. Khi phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch thì phải làm trong và khử trùng nước rồi mới dùng. Cách làm trong và khử trùng nước như sau: Làm trong nước bằng cách dùng một miếng phèn chua khoảng nửa đốt ngón tay, hòa tan phèn vào một gáo nước, sau đó đổ gáo nước vừa hòa tan phèn vào xô đựng nước khoảng 20 - 25 lít và khuấy đều. Sau khoảng 30 phút khi cặn đã lắng xuống đáy thì gạn lấy nước trong để khử trùng.

Khử trùng nước bằng viên cloramin B: một viên khử trùng nước cloramin B 0,25g dùng để khử khuẩn cho 25 lít nước; 1/3 thìa canh bột cloramin B (tương đương 3g) dùng để khử trùng lượng nước là 300 lít. Cách làm: hoà tan viên khử trùng nước (viên cloramin B 0,25g) vào một gáo nước, đổ gáo nước đó vào xô nước khoảng 25 lít đã được làm trong và khuấy đều. Khoảng 30 phút sau mới sử dụng nước. Nước đã khử trùng phải đun sôi mới được uống.

Vệ sinh cá nhân: dùng nước sạch tắm rửa ngày một lần, nên dùng xà phòng diệt khuẩn. Rửa tay bằng xà phòng sau mỗi lần đi vệ sinh, sau khi lao động, sau khi tiếp xúc với động thực vật, dụng cụ lao động, trước khi chế biến và chuẩn bị bữa ăn. Tránh để ruồi nhặng bu đậu vào phân gây ô nhiễm và lây truyền bệnh.

Dọn vệ sinh môi trường: sau khi nước rút, bà con cần tổ chức tổng vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà, đường làng ngõ xóm. Cào quét bùn đất, phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi. Lau rửa sạch sàn nhà. Quét dọn lau chùi nhà cửa, thay rửa bể nước, chum vại đựng nước. Rửa dụng cụ nấu ăn, nồi xoong, bát đĩa và phơi khô. Giặt quần áo, chăn màn, ga đệm phơi nắng cho khô. Khơi thông cống rãnh, san lấp các vũng nước đọng.

Thu gom rác, xác động thực vật chôn lấp kỹ. Chú ý đào hố chôn xác động vật cần cách xa nguồn nước trên 50m, hố sâu trên 1m, chiều dài, chiều rộng hố lớn hơn lượng súc vật, lượng rác định chôn. Chôn xác động vật, rác vào hố và rải vôi bột phủ lên xác động vật rồi lấp đất dày trên 20cm và nện chặt. Xử lý phân, chất thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh, không dùng phân tươi để bón và tưới rau.

Cách phòng bệnh ngoài da và bệnh do muỗi truyền

Bệnh viêm da chủ yếu lây do nguồn nước bẩn. Do đó để phòng bệnh  cần tắm và rửa mặt bằng nước đã được làm trong, khử khuẩn hằng ngày.

Bệnh sốt xuất huyết và sốt rét lây truyền do muỗi đốt người bệnh rồi đốt người lành truyền bệnh. Muỗi đốt còn truyền một số bệnh khác. Vì vậy cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) và phòng tránh muỗi đốt. 

 Dọn vệ sinh môi trường sau lũ lụt phòng chống bệnh dịch.

Diệt muỗi bằng cách: phun hóa chất diệt muỗi vào tường, vách và không gian xung quanh nơi ở, dùng vợt điện diệt muỗi, thắp đèn vỗ muỗi trong màn trước khi ngủ. Diệt bọ gậy bằng các phương pháp: thả cá bảy màu, cá đuôi cờ vào các nơi chứa nước như bể, giếng, chum, vại, lu, khạp.... Thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp mỗi tuần một lần. Bỏ muối hay nhỏ dầu hoả vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), thường xuyên thay rửa lọ hoa (bình bông). Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi: hủy bỏ các vật dụng xung quanh nhà có thể là những nơi chứa nước mưa tạo chỗ đẻ trứng của muỗi như chai lọ vỡ, ống bơ, gáo dừa, lốp xe...; đậy kín các dụng cụ chứa nước như: bể nước, chum, vại, lu khạp; lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Khơi thông cống rãnh để dòng nước lưu thông chảy trôi bọ gậy xuống cống thải.  

Phòng chống muỗi đốt bằng cách: mặc quần áo dài, nhất là trẻ em. Khi ngủ phải mắc màn kể cả ban ngày. Dùng hương xua muỗi, kem xua muỗi, tẩm hóa chất diệt muỗi đối với chăn màn, ri đô. Cho bệnh nhân  bị sốt xuất huyết hoặc sốt rét nằm trong màn để tránh muỗi đốt và truyền bệnh sang người lành.    

BS. Phạm Văn Thân

 


Ý kiến của bạn