Phòng bệnh rối loạn tiêu hóa

10-08-2016 14:35 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Rối loạn tiêu hóa thường liên quan đến chế độ ăn uống, nguyên nhân khởi đầu có thể là ăn phải thức ăn ôi thiu, uống sữa quá hạn sử dụng (trẻ em)

Rối loạn tiêu hóa thường liên quan đến chế độ ăn uống, nguyên nhân khởi đầu có thể là ăn phải thức ăn ôi thiu, uống sữa quá hạn sử dụng (trẻ em), ăn rau sống gây đau bụng, đi lỏng, nếu thức ăn bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh thì rất nguy hiểm (vi khuẩn tả, thương hàn, E.coli, vi khuẩn lỵ, lỵ amíp…) nhưng có thể là nguyên nhân thứ phát (làm khơi dậy một bệnh nào đó tái phát, ví dụ, ăn chua cay làm cơn đau dạ dày hoặc viêm đại tràng mạn tính tái phát… Đây là bệnh thường gặp trong cộng đồng, nhất là thời điểm mùa mưa bão như hiện nay, vì vậy, cần có một số biện pháp để ngăn chặn chúng.

Rối loạn tiêu hóa có phải là một bệnh?

Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng xảy ra ở đường tiêu hóa. Đường tiêu hóa bao gồm từ miệng đến hậu môn. Mỗi một bộ phận khi mắc bệnh đều có biểu hiện triệu chứng, có thể chỉ diễn ra ở ngay bộ phận đó (loét miệng gây đau ảnh hưởng lớn đến ăn, uống, nhất là trẻ nhỏ), nhưng nhiều khi ảnh hưởng đến các bộ phận tiêu hóa khác (viêm dạ dày gây đau bụng, phân lúc đặc lúc lỏng, đôi khi rắn…). Rối loạn tiêu hóa, tùy từng bộ phận đường tiêu hóa do nhiều nguyên nhân gây nên, do đó gồm nhiều triệu chứng khác nhau và do nhiều bệnh gây nên. Ví dụ, một trẻ sơ sinh nôn trớ hoặc một thanh niên bị viêm dạ dày gây đau bụng lâm râm hay dữ dội hoặc một bà lão bị táo bón gây đau bụng dưới từng cơn, mệt mỏi, chán ăn…

Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai. Ảnh: SM

Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa

Bất kỳ nguyên nhân nào làm tổn thương đường tiêu hóa gây tăng co thắt cơ trơn của hệ thống tiêu hóa như sôi bụng, đầy hơi, trướng bụng, đau, làm đảo lộn tiêu hóa, thay đổi tính chất phân (nát, sền sệt, lỏng, sủi bọt hoặc rắn, cục…), mùi của phân cũng không bình thường (khắm, tanh…) gọi là rối loạn tiêu hóa.

Rối loạn tiêu hóa thường liên quan đến chế độ ăn uống, có thể là nguyên nhân tiên phát (khởi đầu), ví dụ, ăn thức ăn ôi thiu, uống sữa quá hạn sử dụng (trẻ em), ăn rau sống gây đau bụng, đi lỏng, nếu thức ăn bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh thì rất nguy hiểm (vi khuẩn tả, thương hàn, E.coli, vi khuẩn lỵ, lỵ amíp…) nhưng có thể là nguyên nhân thứ phát (làm khơi dậy một bệnh nào đó tái phát, ví dụ, ăn chua cay làm cơn đau dạ dày hoặc viêm đại tràng mạn tính tái phát…

Rối loạn tiêu hóa thể hiện như thế nào?

Với trẻ còn bú có thể bị trớ sau khi bú. Trẻ bị trớ có thể do bế sai tư thế hoặc do bú quá no hoặc do thần kinh của trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh, nhất là hệ thần kinh thực vật chi phối nhu động hệ tiêu hóa, nhất là dạ dày, ruột. Ở trẻ lớn hơn, rối loạn tiêu hóa biểu hiện phân “sống” (hoa cà hoa cải, màu xanh, sủi bọt, lổn nhổn…), thông thường do chế độ ăn, uống không hợp lý. Trường hợp trẻ đau bụng, đi lỏng (tiêu chảy) nhiều lần trong ngày có thể do nhiễm trùng hệ thống tiêu hóa bởi ăn uống không hợp vệ sinh bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh.

Người trưởng thành rối loạn tiêu hóa rất đa dạng, nhất là mùa hè, mùa mưa bão mưa nắng thất thường, việc ăn uống đôi khi không đảm bảo vệ sinh gây rối loạn tiêu hóa. Biểu hiện thường gặp nhất là đau bụng, đau bụng có thể âm ỉ, từng cơn, có thể dữ dội, nhất là trong trường hợp ngộ độc thực phẩm. Kèm theo là đầy hơi, trướng bụng, buồn nôn hoặc nôn, cuối cùng có thể là đi lỏng. Những ngày tiếp theo, nếu không được xử trí, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa có thể tăng lên, đôi khi gây nguy hiểm (nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn). Với những bệnh viêm đại tràng mạn tính  (viêm đại tràng co thắt, hội chứng ruột kích thích…), đau bụng gần như ngày nào cũng xuất hiện, nếu ăn uống không đảm bảo vệ sinh, cường độ, nhịp độ đau bụng có thể tăng lên, phân không thành khuôn, bụng lúc nào cũng thấy khó chịu (ậm ạch, đầy hơi…), trung tiện nhiều.

Đội thanh niên tình nguyện tham gia giúp người dân dọn vệ sinh môi trường sau mưa lũ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Mùa hè nóng nực cộng với mùa mưa bão đang đến, vì vậy, cần ăn uống hết sức thận trọng cho mọi lứa tuổi, không riêng gì trẻ nhỏ. Ăn chín (không ăn thức ăn chưa nấu chín hoặc sống như tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi), không ăn thức ăn đã thiu, ôi hoặc đã nấu để quá 6 giờ. Với trẻ, không uống sữa đã quá hạn sử dụng, hộp sữa đã phồng, méo mó. Không để trẻ uống các loại nước giải khát, kem bán dạo, bán ở vỉa hè không đảm bảo vệ sinh. Không ăn rau sống, không uống nước chưa đun sôi, nước đóng bình không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Không ăn các loại thực phẩm đã để trong tủ lạnh quá lâu hay những thức ăn đường phố không rõ xuất xứ. Với những người mắc bệnh về tiêu hóa mạn tính (dạ dày, đại tràng…), nên lưu ý tránh xa các loại thức ăn, gia vị quá chua cay, nước uống có cồn, có gas… Cần uống nhiều nước, ăn nhiều rau (vì mùa hè ra nhiều mồ hôi), ăn thêm trái cây...


PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu
Ý kiến của bạn