Bệnh rò hậu môn (RHM) là bệnh gây ra do nhiễm trùng ở tuyến hậu môn và phá miệng ra da vùng cạnh hậu môn. Rò hậu môn là bệnh hay gặp ở tuổi từ 20 - 40 tuổi, gây nhiều phiền phức, dễ tái phát và có thể có biến chứng nguy hiểm.
Rò hậu môn là hậu quả nhiễm khuẩn khu trú tái diễn ở các tuyến hậu môn, tạo thành ổ áp-xe cạnh lỗ hậu môn rồi vỡ vào trong lòng ống hậu môn (gây rò). RHM và áp-xe là hai giai đoạn của một quá trình bệnh lý; khi áp-xe không được xử lý hoặc xử lý không tốt sẽ dẫn đến RHM.
Những nguyên nhân
Nguyên nhân gây nhiễm trùng các tuyến lỗ hậu môn thường gặp nhất là vi khuẩn E. Coli, trực khuẩn mủ xanh (P. aerruginosa). Đây là các loại vi khuẩn có mặt thường xuyên trong đại tràng và liên tục được đào thải ra ngoài theo phân, vì vậy, rất dễ nhiễm các tuyến hậu môn. Ngoài ra, vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus), liên cầu (Streptococcus), vi nấm và đặc biệt nhất là vi khuẩn lao (Mycobacterium) là những loại vi khuẩn thường gặp gây áp-xe gây RHM. Ngoài ra RHM do một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như: rò bẩm sinh, ung thư bạch huyết, ung thư vùng hậu môn, trực tràng, sau chấn thương do đụng đập vùng tầng sinh môn - trực tràng hoặc do phẫu thuật tiền liệt tuyến (nam giới), cắt tầng sinh môn lúc sinh đẻ (nữ giới), mổ trĩ hoặc do chiếu xạ vùng chậu…
Triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện sớm là đau và lúc này người bệnh sẽ sờ thấy một khối căng ở rìa hậu môn, kèm theo có sốt. Đồng thời người bệnh có cảm giác tức rất khó chịu, không thể đi nhanh, ngồi lâu và ngồi thẳng được. Người bệnh thường ngồi nghiêng về phía không đau. Nếu người bệnh ở tư thế nằm nghiêng hoặc tư thế quỳ chổng mông thì bác sĩ khám bệnh sẽ quan sát thấy lỗ rò cạnh hậu môn, đôi khi lỗ rò nằm tận vùng cạnh bìu (nam giới) hoặc cạnh môi lớn (nữ giới). Tuy vậy, với động tác nhìn thì khó có thể phát hiện được đường rò có thông vào ống hậu môn hay không. Do đó, để xác định đường rò hậu môn, bác sĩ phải thăm khám hậu môn bằng tay (thăm khám trực tràng). Nếu có điều kiện có thể soi hậu môn. Nếu bị áp-xe chưa vỡ thì sốt cao hơn và đau nhiều ở vùng áp-xe.
Nếu đã bị RHM thì cơn đau thường ngắt quảng, đặc biệt có mủ chảy ra ở một lỗ ở tầng sinh môn. Nếu đã bị RHM mà mủ không chảy ra được thì cơn đau càng tăng lên, nhưng khi mủ chảy ra được thì sốt giảm và cơn đau cũng giảm và thưa dần. Nếu bị rò hậu môn thì khi nhìn sẽ thấy có một mụn mủ nổi lên cạnh hậu môn, trên mặt mụn mủ có một nốt, nếu nặn sẽ có ít giọt mủ chảy ra. Do mụn mủ chảy mủ từng đợt và lượng mủ không nhiều, nên người bệnh thường bỏ qua, chủ quan hoặc không biết nên không đi khám, chỉ đến khi mụn mủ chảy mủ nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì người bệnh mới gõ cửa phòng khám bệnh. Trong trường hợp có lỗ trong ở trực tràng với kích thước lớn thì có thể thấy phân chảy ra ở lỗ rò ra ngoài. Nếu bị áp-xe quanh hậu môn, nhìn sẽ thấy một khối phồng căng ở cạnh hậu môn, đè lên khối phồng đó rất đau.
Ngoài việc khám lâm sàng, nội soi hậu môn có thể chụp X-quang đường rò có cản quang tan trong nước ở tư thế thẳng nghiêng hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng tầng sinh môn cũng giúp cho việc xác định rõ đường rò. Có thể siêu âm hậu môn với đầu dò đặt trong lòng hậu môn, qua siêu âm. Qua siêu âm hậu môn bằng đầu dò chuyên biệt này giúp ta đánh giá và phát hiện các ổ áp-xe, các đường rò giữa cơ thắt và xuyên cơ thắt. Ngày nay, siêu âm qua hậu môn là “tiêu chuẩn vàng” trong việc đánh giá toàn bộ cơ vòng trong và ngoài, phát hiện các đường rò và các ổ áp-xe vùng hậu môn. Nhờ vào siêu âm qua hậu môn bằng đầu dò, các bác sĩ biết được chính xác hình ảnh, vị trí và đường đi của đường rò, từ đó chẩn đoán được loại rò mà bệnh nhân mắc phải và áp dụng loại phẫu thuật thích hợp cho từng loại đường rò, do đó kết quả khả quan hơn nhiều và tỉ lệ tái phát rất thấp. Trong trường hợp nghi RHM do lao thì có thể làm các loại xét nghiệm xác định vi khuẩn lao.
Biến chứng thường gặp trong RHM là đứt cơ thắt. Đây là loại biến chứng đáng sợ nhất bởi vì việc phục hồi cơ thắt rất khó khăn cho nên sẽ gây đi ngoài không tự chủ. Trong điều trị phẫu thuật, nếu chảy máu sau mổ cũng là một biến chứng đáng lo ngại, đặc biệt là chảy máu từ búi trĩ trên người bệnh có sẵn bệnh trĩ. Ngoài ra phẫu thuật có thể gây hẹp hậu môn. Một loại biến chứng đáng sợ của RHM là do kích thích của chứng viêm mãn tính trong thời gian dài, làm cho mủ và phân thải ra từ đường rò, từ đó kích thích tế bào tăng sinh, gây bệnh mãn tính, thêm vào đó là vi khuẩn tồn tại trong đường rò quá lâu, đặc biệt là trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) hoặc vi khuẩn lao (Mycobacterium) hoặc sử dụng thuốc bôi ngoài cục bộ, kích thích thường xuyên có thể gây biến chứng ung thư.
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Điều trị RHM tùy thuộc vào trạng thái của bệnh (đang viêm, áp-xe hay đã rò hậu môn). Nếu có áp-xe cạnh hậu môn kèm theo thì cần rạch tháo mủ và nạo vét sạch đường rò. Để đề phòng rò hậu môn cần phát hiện và điều trị tốt các loại áp-xe quanh hậu môn - trực tràng. Nếu chỉ có đường rò đơn tuần thì phải phẫu thuật. Việc phẫu thuật phải tuân thủ đúng chỉ định cho từng loại bệnh và do bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa khám và thực hiện (đường rò không thông vào trực tràng hay đã thông vào trực tràng). Sau phẫu thuật, người ta khuyên không nên băng kín vết thương, ngược lại phải để hở hoàn toàn, không nên mặc quần lót, nên mặc quần cần rộng rãi càng tốt và thông thoáng để vết thương chóng lành.
Bệnh RHM là một bệnh ở vùng hậu môn trực tràng, xếp thứ hai sau bệnh trĩ.
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU