Hà Nội

Phòng bệnh răng miệng ở phụ nữ mang thai

10-01-2014 13:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Trong thời kỳ mang thai, do thay đổi về hooc-môn, chế độ dinh dưỡng,… nên nhiều thai phụ thường gặp phải những vấn đề về răng miệng như sâu răng, viêm lợi, bệnh nha chu…

Trong thời kỳ mang thai, do thay đổi về hooc-môn, chế độ dinh dưỡng,… nên nhiều thai phụ thường gặp phải những vấn đề về răng miệng như sâu răng, viêm lợi, bệnh nha chu… gây nhiều phiền toái khó chịu. Vậy trong quá trình thai nghén người mẹ cần làm gì để hạn chế tình trạng trên.

Thai phụ dễ mắc bệnh răng miệng, vì sao?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thai phụ dễ bị sâu răng, trong quá trình mang thai thay đổi sinh lý bao gồm cả sự thay đổi chế độ ăn như thèm ăn vặt, thường xuyên ăn bữa phụ giữa các bữa ăn chính, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, dễ gây sâu răng.

 

Những thai phụ bị nghén nên thích ăn các thức ăn đồ ngọt, thức uống có ga chứa carbonate... vì các thức ăn này có thể làm dịu cảm giác buồn nôn, tuy nhiên nguy cơ sâu răng rất cao. Bên cạnh đó, nhiều thai phụ ngại chải răng vì dễ gây nôn khiến cho sự tích tụ các mảng bám răng ngày càng nhiều có thể gây viêm lợi nhất là vào thời kỳ đầu mang thai đến tháng thứ tám thai kỳ, sau đó thì giảm xuống. Hậu quả của những thay đổi này trên mô nha chu thể hiện ở gia tăng sưng tấy lợi, tăng chảy máu lợi.

Cần làm gì?

Trước hết, thai phụ cần súc miệng kỹ sau mỗi bữa ăn, về mùa lạnh cần dùng nước muối ấm hay nước súc miệng dịu nhẹ để súc miệng và chú ý là không được nuốt nước súc miệng.

Đối với thai phụ bị nghén nên dùng chỉ tơ nha khoa và súc miệng ngay sau khi ăn là vô cùng cần thiết vì điều đó sẽ giảm cảm giác buồn nôn. Sau đó để một khoảng thời gian cần chải răng và chú ý cần chải răng thường xuyên. Chú ý cần chọn loại bàn chải mềm hơn, dùng loại kem đánh răng ít mùi vị để không gây buồn nôn. Sau mỗi lần nôn thì cần súc miệng, vì dịch axit trong dạ dày có thể làm tình trạng của nướu răng thêm trầm trọng.

Hạn chế ngậm kẹo, ăn các món ăn có đường vì có thể gây sâu răng. Các loại hoa quả họ cam chanh cũng không tốt trong giai đoạn này, vì nó có thể làm mòn răng. Nếu ăn cam quýt bưởi thì cần đánh răng ngay sau đó.

Khi nào đến bác sĩ?

Trong một số trường hợp, viêm nướu lợi thai kỳ có thể gây ra bệnh periodontitis, một bệnh về lợi không chỉ ảnh hưởng tới nướu mà còn ảnh hưởng tới chân răng và xương hàm. Nghiên cứu cho thấy khi thai phụ bị viêm  nhiễm khuẩn nướu sẽ xuất hiện một loại vi khuẩn có tên fusobacterium nucleatum liên quan đến chứng sinh non và lưu thai. Vì vậy, trong quá trình mang thai nếu đau răng, lợi sưng chảy máu thì cần đến bác sĩ để được khám và tư vấn điều trị. Chú ý: Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Tiến sĩ, Bác sĩ  Như Ngọc

 


Ý kiến của bạn