Tại buổi giao lưu truyền hình trực tiếp "MERS-CoV có thực sự nguy hiểm?" do báo Sức khỏe & Đời sống thực hiện, trong hơn một giờ đồng hồ, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng 3 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh đã giải đáp hầu hết những thắc mắc của độc giả về những vấn đề liên quan đến hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV), một dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp trên thế giới và được nhận định là đã tiến rất gần đến Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng các chuyên gia giải đáp về MERS-CoV trong chương trình. Ảnh: TM.
Cùng tham gia giải đáp cho độc giả, khán giả trong chương trình còn có PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và PGS.TS. Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Việt Nam đã chuẩn bị những gì để đối phó với MERS-CoV?
Nhận được câu hỏi đầu tiên của độc giả về việc Bộ Y tế đã triển khai những biện pháp gì để ngăn ngừa dịch bệnh MERS-CoV, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, hiện nay, Việt Nam chưa có ca mắc, tức là chưa có dịch xâm nhập, tuy nhiên Bộ Y tế vẫn đưa ra những cảnh báo đối với cộng đồng để phòng ngừa dịch xâm nhập.
GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế giải đáp tại buổi giao lưu truyền hình trực tiếp.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trước bối cảnh dịch bệnh MERS-CoV diễn biến khó lường trên thế giới, từ năm 2014, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh này với các tình huống từ chưa có dịch, có dịch và dịch lây lan trong cộng đồng. Với mỗi tình huống, Bộ Y tế đã đưa ra các biện pháp phòng chống thích hợp.
Mặc dù khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra nhận định việc lây lan của MERS-CoV trong cộng đồng là chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng việc xuất hiện các ca bệnh ở Hàn Quốc cũng khá quan ngại, tốc độ gia tăng ca mắc rất nhanh. Vì vậy Bộ Y tế nhận định, cần phải theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến, đặc biệt là vấn đề liệu vi rút có biến đổi về gen, khả năng lây truyền và miễn dịch của cộng đồng như thế nào với MERS-CoV... Theo Thứ trưởng, chúng ta đang ở trong tình huống thứ nhất đó là chưa có bệnh nhân MERS-CoV, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh này lây lan vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Do đó, Bộ Y tế đã có những khuyến cáo tới người dân để có những biện pháp đối phó với dịch bệnh này.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.
Liên quan đến câu hỏi của một bạn đọc về vấn đề giám sát dịch bệnh, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, công tác giám sát cực kỳ quan trọng, thời gian qua, tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đều được kiểm soát, khai báo y tế bằng 3 thứ tiếng. Một vấn đề quan trọng là có những trường hợp đi từ nước ngoài về, nhất là từ các vùng có dịch nếu có triệu chứng viêm đường hô hấp cần phải được kiểm tra theo dõi. Ông Phu cho rằng, việc phối hợp kiểm dịch y tế biên giới, y tế dự phòng và y tế cơ sở đã làm rất tốt trong thời gian vừa qua. Bất cứ trường hợp nào nghi ngờ đều được xét nghiệm và xác định MERS-CoV. “Đến nay Việt Nam đã sẵn sàng các biện pháp khi có ca bệnh đầu tiên”, ông Phu nhấn mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Trả lời câu hỏi về nhiệm vụ của các đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, các đội này có nhiệm vụ điều phối các hoạt động chuyên môn trên từng địa bàn khu vực được giao. Khi phát hiện ca bệnh đầu tiên thì đội phải chỉ đạo các cơ sở y tế tại địa bàn thực hiện các biện pháp cách ly, phòng chống dịch; huy động lực lượng. Trong trường hợp cán bộ y tế ở cơ sở chưa đầy đủ kinh nghiệm và khả năng phòng chống thì lực lượng đáp ứng nhanh phải tiến hành xử lý ngay dịch bệnh ngay tại cơ sở đó.
Người dân phòng bệnh thế nào khi chưa có vắc xin và thuốc đặc hiệu?
Tại chương trình, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên đối với người dân nên hạn chế đến các cùng có dịch. Với những người đi từ vùng có dịch về khi có bất kỳ triệu chứng sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế. Điều này rất quan trọng, người dân cần hợp tác với ngành y tế để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Về vấn đề điều trị khi chưa có thuốc đặc hiệu, PGS.TS. Nguyễn Văn Kính cho biết căn nguyên dẫn đến MERS-CoV là vi rút corona, một vi rút gây bệnh tương tự SARS, Việt Nam đã phải đối phó với SARS năm 2003 và là nước đầu tiên khống chế được dịch này. Vì thế chúng ta cũng có kinh nghiệm nếu MERS-CoV đến Việt Nam. Trước kia, cách đây 10 năm với điều kiện thiếu thốn, chúng ta vẫn có thể khống chế được dịch thì hiện tại với tinh thần quyết liệt phòng chống dịch, chúng ta có thể kiểm soát được trước diễn biến phức tạp của dịch.
Về vắc xin phòng bệnh, theo PGS.TS. Trần Như Dương, hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới có vắc xin phòng bệnh MERS-CoV và việc tìm ra vắcxin trong thời điểm này là khá khó khăn. Trong khi chưa có vắc xin, việc phòng chống bệnh bằng các hành động đơn giản cũng rất quan trọng và hiệu quả như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, che chắn khi ho hoặc hắt hơi để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
SKĐS
Báo Sức khoẻ & Đời sống trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, PGS.TS. Trần Đắc Phu, PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, PGS.TS. Trần Như Dương đã tham gia chương trình giao lưu. Trân trọng cảm ơn nhãn hàng Lifebuoy đã tài trợ cho chương trình!
Cùng Lifebuoy chung tay vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn.
“Tắm & rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn là cách đơn giản và hiệu quả nhất giúp bảo vệ bạn khỏi 10 vấn đề sức khỏe và giúp phòng chống bệnh dịch MER-CoV."