Hà Nội

Phòng bệnh lao ở trẻ

27-09-2013 07:23 | Đời sống
google news

Bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn lao (BK), do sự lây nhiễm trực tiếp. Trẻ em - nhất là trẻ sơ sinh dễ bị lây bệnh. Ở trẻ em, bệnh lao chiếm tỷ lệ 10 - 15% trong số những trường hợp bệnh lao mới mắc hằng năm.

Bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn lao (BK), do sự lây nhiễm trực tiếp. Trẻ em - nhất là trẻ sơ sinh dễ bị lây bệnh. Ở trẻ em, bệnh lao chiếm tỷ lệ 10 - 15% trong số những trường hợp bệnh lao mới mắc hằng năm. Trẻ em có thể bị mắc tất cả các thể lao, tuy nhiên, thường gặp hơn cả là các thể: Lao sơ nhiễm hay lao khởi đầu, lao cấp tính, lao hô hấp sau sơ nhiễm lao phổi và lao màng phổi, lao ngoài phổi. Cho đến nay, tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Bệnh lây qua đường hô hấp

Trẻ bị lao thường có nguồn lao từ người thân (trong các gia đình nghèo, điều kiện sống chật chội, những trẻ bị suy dinh dưỡng, hệ thống miễn dịch suy giảm) chiếm đến 70% và chủ yếu lây qua đường hô hấp. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị lây bệnh ở trường học, ngoài cộng đồng. Nguy cơ từ nhiễm trở thành bệnh là 10% trong 10 năm sau khi bị nhiễm lao. Nguy cơ này tùy thuộc nhiều yếu tố như tuổi khi nhiễm lao, tình trạng dinh dưỡng của trẻ, tình trạng vi khuẩn lao của nguồn lây tiếp xúc, thời gian và cường độ tiếp xúc nhiều hay ít.

Việc chẩn đoán lao, tìm ra vi khuẩn lao ở trẻ em thường khó hơn so với người lớn vì triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt nên dễ bị nhầm với các bệnh lý khác. Ngay cả bản thân trẻ bị lao phổi cũng khó tìm ra vi khuẩn lao vì trẻ chưa hoặc không biết khạc đờm. Đối với lao sơ nhiễm, trẻ có triệu chứng, biểu hiện giống như bệnh viêm đường hô hấp nên rất khó chẩn đoán.

Phòng bệnh lao ở trẻ 1
 Tiêm vắc-xin BCG phòng lao là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ảnh: Hoàng Anh

Những thể bệnh thường gặp

Lao sơ nhiễm: Thường gặp nhiều nhất. Sơ nhiễm lao thông thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng cảm cúm thoáng qua hay nóng sốt mệt mỏi, chán ăn hoặc ít khi có triệu chứng giống như thương hàn, sốt cao, mệt mỏi nhưng không rối loạn tiêu hóa.

Lao cấp tính: Trong đó lao màng não, lao kê cấp tính là hai biến chứng nặng và sớm của sơ nhiễm lao dễ dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm và để lại di chứng trầm trọng nếu chẩn đoán muộn. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất ở trẻ nhỏ không tiêm vắc-xin BCG, trẻ dưới 2 tuổi.

Lao kê:Là lao cấp ở phổi, xuất hiện trong những tuần lễ đầu sau sơ nhiễm lao với triệu chứng sốt cao, mạch nhanh, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, không có nốt hồng ban trên bụng (khác thương hàn) và luôn luôn có dấu hiệu hô hấp khó thở, tím tái. Trẻ bị lao kê thường dễ dẫn đến lao màng não.

Lao đường hô hấp sau sơ nhiễm: Bao gồm lao màng phổi (hiếm gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, thường xảy ra ở trẻ lớn, 6 tháng sau sơ nhiễm lao), với triệu chứng mệt, sút cân, ho, đau tức ngực và lao phổi, với triệu chứng sốt nhẹ về chiều, mệt, chán ăn, sút cân, tức ngực, ho có đờm hay có máu.

Lao ngoài phổi: Thường là biến chứng chậm hơn sau sơ nhiễm lao. Có nhiều dạng lao ngoài phổi như lao cột sống: giai đoạn đầu thường trẻ có biểu hiện đau vùng cột sống rồi từ từ gù lưng; Lao xương, khớp: trẻ bị sưng đau khớp và chảy mủ ở xương khớp rò ra ngoài da; Lao hệ niệu: trẻ có triệu chứng đi tiểu ra máu, thường kèm theo sưng tinh hoàn nếu là bé trai; Lao hạch: nổi hạch thường từng chùm, dính, nếu để muộn sẽ gây rò mủ làm sẹo xấu; Lao ruột: đi tiêu lỏng hoặc đi tiêu ra đờm, máu kéo dài.

Khỏi bệnh nếu điều trị đúng phác đồ

Về điều trị lao ở trẻ em cũng giống như của người lớn, tuy nhiên, phụ huynh phải tuân thủ điều trị cho con em mình đúng với hướng dẫn của thầy thuốc, điều trị đủ thời gian (6-9 tháng), đủ liều lượng thuốc, đúng phác đồ thì bệnh mới ổn định. Bệnh lao trẻ em có thể chữa lành được với hóa trị lao ngắn ngày, kể cả các thể nặng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên tắc (uống thuốc đúng, đủ, đều và không được bỏ sót).

Phòng bệnh lao ở trẻ 2
 Vi khuẩn lao trong phổi người bệnh.

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu

Để phòng bệnh, sau khi sinh 3 ngày, trẻ phải được tiêm vắc-xin BCG phòng lao. Vắc-xin BCG chống chỉ định trong các trường hợp sau: Đang bị nhiễm khuẩn cấp, đang sốt cao, có bệnh ngoài da trên diện rộng, bị suy giảm miễn dịch nặng, suy dinh dưỡng nặng, trẻ thiếu cân. Việc tiêm muộn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Có thể đánh giá đáp ứng miễn dịch của trẻ đối với việc tiêm phòng dựa vào các phản ứng sau khi tiêm. Nếu trẻ sốt nhẹ, sưng hạch ở hõm nách bên cánh tay được tiêm thuốc, có quầng đỏ ở vị trí tiêm, loét nhẹ và để lại sẹo thì có nghĩa là trẻ đã đáp ứng miễn dịch.

Cũng như các loại thuốc và vắc-xin khác, vắc-xin tiêm phòng lao có thể gây ra một số tác dụng phụ còn gọi là những phản ứng sau tiêm chủng. Các bà mẹ đừng quá lo lắng vì đây là điều bình thường, chứng tỏ trẻ có đáp ứng với vắc-xin và trẻ sẽ tự khỏi trong vòng 1 vài ngày.

Những phản ứng này thường nhẹ như: Sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ, trẻ quấy khóc, chán ăn, mệt, nổi ban và nổi nốt sần. Các nốt sần nhỏ như da cam ở chỗ tiêm, thường mất đi trong vòng 30 phút. Khoảng 2 tuần sau, tại chỗ tiêm xuất hiện một vết loét khoảng 10mm. Vết loét này tồn tại khoảng 2 tuần rồi tự khỏi để lại sẹo đường kính khoảng 5mm. Đây là dấu hiệu cho thấy việc tiêm vắc-xin đã có hiệu quả đối với trẻ. Viêm hạch, sưng hạch cũng thường xuất hiện sau khi tiêm vắc-xin phòng lao từ 3 - 5 tuần và sẽ tự biến mất khoảng 1 tháng sau mà không để lại bất kỳ di chứng nào.

Trường hợp nếu trẻ sốt nhẹ: Lau mát cho trẻ bằng nước ấm và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu có sưng đau tại chỗ tiêm có thể chườm lạnh tại nơi tiêm bằng cách dùng khăn thấm nước lạnh sạch chườm vào chỗ tiêm. Cho trẻ bú mẹ, ăn uống bình thường, uống nước nhiều hơn. Tránh chạm vào chỗ tiêm khi bế hoặc ôm trẻ.

Trong trường hợp sau đây phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị thích hợp: Các phản ứng sau tiêm trở nên trầm trọng hơn như: Sốt cao, bỏ bú… kéo dài 1-2 ngày; Vết tiêm sưng to, hạch sưng to, hạch kéo dài hơn 6 tuần; Cấp cứu ngay những những trường hợp: Sốt cao, khóc nhiều không dứt, mệt nhiều, da tím tái, co giật, liệt, hôn mê…

Khoảng 1 tháng sau nếu không thấy sẹo BCG ở cơ delta thì phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thử phản ứng IDR. Trường hợp kết quả thử là âm tính thì cần cho trẻ tiêm lại vắc-xin phòng lao. Nhưng dù đã tiêm phòng lao, ở thời kỳ chưa có miễn dịch, không nên để trẻ tiếp xúc với nguồn lây. Ngoài tiêm BCG, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh và có chế độ nuôi dưỡng thích hợp với từng lứa tuổi.

Khi trẻ có triệu chứng nghi bị lao (ho sốt kéo dài, sút cân hoặc không lên cân, ra mồ hôi trộm...), cần đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị đúng theo phác đồ của Chương trình chống lao Quốc gia, đảm bảo theo nguyên tắc DOST (hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát).

Bác sĩ Nguyễn Huy Khôi


Ý kiến của bạn