Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai, cả khoa có 60 giường bệnh, nhưng có đến 136 bệnh nhi nhập viện. Đặc biệt, buổi tối nhiều khi các cha mẹ phải xếp hàng để khám cho con. Trong số này quá nửa là các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản... tăng 20-30% so với bình thường.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi của BV cho biết, để hạn chế trẻ nằm ghép, hiện khoa thực hiện phân loại bệnh nhân ngay từ đầu. Với các bệnh đường hô hấp trên, trẻ chỉ sốt, ho.. do sốt virus, cảm cúm thông thường thì không cần phải nhập viện, không cần dùng kháng sinh. Những trẻ có biểu hiện ho, sốt, kèm theo thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, suy hô hấp, biến chứng phổi thì cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời.
Tại BV Nhi Trung ương, thống kê cho thấy, từ đầu tháng 8 tiếp nhận trung bình mỗi ngày từ 2.500 - 3.000 bệnh nhi, tăng khoảng 50% so với bình thường. Trong đó có nhiều trẻ bị viêm đường hô hấp, đặc biệt là trẻ mắc tiêu chảy do ăn uống không hợp vệ sinh. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện bất lợi cho các bệnh phát tán, trẻ dễ nhiễm virus, ngộ độc thực phẩm.
Đặc biệt lưu ý 3 dấu hiệu: bú, ngủ và cách thở
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hiện, thời tiết miền Bắc đang chuyển từ mùa thu sang mùa đông với ngày nóng, sáng và đêm se se lạnh. Kiểu thời tiết này khiến sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm mật độ vi khuẩn, virus trong không khí tăng lên khiến số trẻ mắc các bệnh hô hấp tăng lên trong thời gian gần đây. Trẻ ho, sốt vào viện rất nhiều, đặc biệt là sốt virus. Có trẻ vừa điều trị viêm phổi một tuần, chuẩn bị xuất viện lại bị sốt, khám lại đã bị viêm tiểu phế quản phổi.
Khoảng thời gian tháng 9, tháng 10 thường là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp. Các bác sĩ cho biết, ngoài các bệnh đường hô hấp, thời tiết thay đổi cũng khiến nhiều trẻ khởi phát cơn hen cấp - thường gặp ở những trẻ điều trị dự phòng hen không tốt.
Do đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý trẻ dưới 6 tháng tuổi còn yếu, bệnh rất dễ chuyển biến nặng nếu không được chữa trị ngay từ đầu. Với trẻ, việc phát hiện bệnh khó nên cha mẹ cần lưu ý 3 dấu hiệu là: bú, ngủ và cách thở của trẻ. Nếu thấy con bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc quan sát thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường, đầu gật gù thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường, cũng có thể do bị bệnh. Ở trẻ sơ sinh, sốt và ho không phải là những dấu hiệu quan trọng.
Ngoài ra, các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh cho trẻ cần chú ý tăng cường chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin để tăng cường sức đề kháng; giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ... Việc xịt mũi cũng cần đúng cách, xịt xong phải hút hết chất nhầy trong mũi, nên xịt trước khi đi ngủ giúp trẻ ngủ dễ hơn, có thể xịt trước bữa ăn để tránh tình trạng trẻ bị nôn trớ. Đặc biệt cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ, đặc biệt là kháng sinh.
Dương Hải