Mặc dù trong cơ thể, các vitamin và chất khoáng này chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp, nhưng nếu thiếu sẽ gây ra những rối loạn, phát sinh bệnh tật liên quan đến việc thiếu các vitamin và chất khoáng... Ví dụ, thiếu vitamin A gây bệnh quáng gà; thiếu vitamin C giảm sức đề kháng, gây chứng chảy máu dưới da, thiếu vitamin B1 gây phù, thiếu vitamin B12 gây thiếu máu, viêm dây thần kinh; thiếu canxi gây co giật tay chân hay thiếu kali gây rối loạn nhịp tim. Thiếu sắt thường tăng dần theo thời gian và có liên quan đến chế độ ăn kém hoặc mất máu nhiều. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, thiếu sắt gây thiếu máu. Các biểu hiện của thiếu sắt như: cơ thể yếu và mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, rụng tóc, đau đầu, móng yếu dễ gãy...
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Các vitamin và chất khoáng được cung cấp cho cơ thể qua thức ăn, nước uống hàng ngày. Nếu cơ thể khỏe mạnh, hấp thu tốt và bữa ăn phong phú, đa dạng thì không sợ thiếu các chất này. Vì vậy, để phòng ngừa thiếu vitamin và chất khoáng cần ăn uống thức ăn có chứa đầy đủ chất khoáng và vitamin cần thiết cho cơ thể như ăn đa dạng các loại rau, củ, quả, thịt, cá, tôm, cua... Đối với người già, bệnh nặng kéo dài, sức khỏe suy giảm... nên bổ sung các vitamin và chất khoáng dưới dạng thuốc để đáp ứng nhu cầu về vitamin, chất khoáng của cơ thể. Tuy nhiên, bổ sung loại vitamin hay chất khoáng nào, liều lượng cần bổ sung bao nhiêu và uống trong thời gian bao lâu... cần do bác sĩ chỉ định.
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện ở những người ở độ tuổi trung bình 48 - 78 tuổi thì sau 4 - 10 tuần bổ sung vitamin và chất khoáng có cải thiện rõ rệt về sức khỏe như: giảm được mệt mỏi, tập trung tư tưởng tốt hơn, ăn ngon miệng hơn, dễ ngủ và thời gian ngủ kéo dài hơn...
BS. Hoàng Thu Thủy