Hạn chế đi du lịch
Thời điểm này, cha mẹ nên tránh cho trẻ đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.
Nếu thấy trẻ có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Cần thận trọng nếu bạn có kế hoạch cho con đi du lịch trong lúc dịch bệnh (ảnh minh hoạ)
Đeo khẩu trang
Thực hiện và hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh. Với người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp như sốt, ho, khó thở, chảy nước mũi… thì có thể sử dụng khẩu trang vải, không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế. Nên đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người như bến xe, nhà ga, sân bay, chợ, siêu thị, phố đi bộ…
Cách đeo khẩu trang vải đúng cách:
- Kéo khẩu trang vải che kín cả mũi lẫn miệng.
- Trong quá trình đeo khẩu trang, tránh không dùng tay chạm vào bề mặt khẩu trang
- Khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào phần dây đeo qua tai để tháo khẩu trang, tránh dùng tay cầm vào bề mặt khẩu trang để tháo ra
- Giặt sạch khẩu trang hàng ngày bằng xà phòng để dùng lại cho lần sau.
Trẻ khoẻ mạnh có thể sử dụng khẩu trang vải để phòng bệnh (ảnh minh hoạ)
Cẩn trọng khi ho
Thực hiện và hướng dẫn cho trẻ khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ. Tuyệt đối không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh cho trẻ tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã.
Trẻ nhỏ là đối tượng nhạy cảm, vì thế khi thấy có người bị sốt, ho, phụ huynh cần cho trẻ tránh tiếp xúc. Ngoài ra, tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh
Người lớn hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay bằng nước xà phòng khi bàn tay có vết bẩn. Thời gian mỗi lần rửa tay 30 giây, dưới vòi nước sạch.
Rửa tay đúng cách để phòng bệnh (ảnh minh hoạ)
Giữ ấm cơ thể
Cha mẹ nên chủ động thực hiện hoặc hướng dẫn con các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như: Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Tăng cường dinh dưỡng
Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Chỉ nên sử dụng các loại thực phẩm chín, thực hành “ăn chín uống sôi” để giảm nguy cơ bệnh tật.
Vệ sinh cá nhân, mũi họng
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Rèn luyện cho trẻ thói quen tự giác đánh răng, rửa mặt, súc miệng thường xuyên sẽ là phương pháp hữu hiệu ngăn ngừa vi khuẩn có thể tấn công trẻ.
Cha mẹ có thể vệ sinh họng cho con bằng dung dịch xịt họng sát khuẩn hàng ngày để giữ họng luôn sạch sẽ và ngăn ngừa bệnh tật tấn công. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần cho trẻ đi khám sớm và điều trị kịp thời.
Hi vọng với những bí kíp “bỏ túi” này có thể giúp ích cho các bố mẹ trong việc phòng bệnh nói chung và phòng bệnh nCoV nói riêng giữa lúc dịch bệnh đang gia tăng như hiện nay.