Hà Nội

Phòng bệnh chảy mủ tai

11-12-2014 08:14 | Đời sống
google news

SKĐS - Bệnh chảy mủ tai thường gặp sau viêm mũi, viêm xoang, do VA, viêm nhiễm từ họng vào tai qua vòi Eustach.

Hỏi: Con tôi năm nay 7 tuổi, bị bệnh chảy mủ tai cách nay trên 9 tháng, đã điều trị nhưng chưa khỏi. Vậy xin hỏi những biến chứng nào có thể gặp và có cách nào để phòng bệnh chảy mủ tai?

(Lê Thúy Liễm - Bình Dương)

Trả lời: Bệnh chảy mủ tai hay trong dân gian còn gọi là bệnh thối tai. Bệnh thường gặp sau   viêm mũi, viêm xoang, do VA, viêm nhiễm từ họng vào tai qua vòi Eustach. Bệnh có triệu chứng đặc trưng là chảy mủ tai, đặc, sánh hoặc mủ loãng màu vàng hoặc xanh xám hoặc có khi lẫn máu, điếc ngày càng tăng khi bệnh kéo dài, thường kèm theo ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng.

Nếu bệnh nhân phát hiện sớm, được trích rạch màng nhĩ kịp thời và điều trị tốt thì bệnh có xu hướng khỏi trong một thời gian ngắn khoảng 2 tuần, lỗ thủng màng nhĩ do chích rạch thường được hàn kín lại, thính lực trở lại bình thường. Còn nếu không được trích rạch kịp thời để màng nhĩ tự vỡ thì lỗ thủng có thể ở bất cứ chỗ nào. Nếu lỗ thủng nhỏ và ở cao hoặc lỗ thủng quá nhỏ làm sự dẫn lưu bị hạn chế, tình trạng mủ bị ứ đọng rất dễ gây biến chứng.

Biến chứng nguy hiểm và đáng ngại nhất là các biến chứng ở vùng sọ não như: viêm màng não, áp-xe não, áp-xe tiểu não, áp-xe ngoài màng cứng… Đây là những biến chứng rất nguy hiểm, nếu không được cứu chữa kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân thường do người bệnh coi thường cho rằng bệnh chảy mủ tai không có gì nguy hiểm và thường tự chữa trị bằng những thuốc kháng sinh thường dùng, đến khi thấy bệnh nguy kịch mới đến bệnh viện. Vì vậy, ở những người mắc bệnh chảy mủ tai, nay không thấy chảy mủ nữa kèm theo đau trong tai, sốt, vùng sau tai sưng tấy, nhức nhiều ở bên phía tai chảy mủ, sau đó lan ra nửa đầu hoặc lan ra vùng gáy, uống thuốc giảm đau vẫn không đỡ, nôn dễ dàng, sốt kèm theo cơn rét run, người gầy sút nhanh chóng, tinh thần lờ đờ, trì trệ, lúc nào cũng buồn ngủ, đi đứng loạng choạng, mất thăng bằng…thì không được chủ quan.

Với những triệu chứng kể trên nếu được điều trị sớm, nguy hiểm sẽ qua đi, nếu quá muộn, tính mạng sẽ bị đe doạ hoặc ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị.

Về phòng bệnh, tuyệt đối không xì mũi bằng bằng cách bịt 2 lỗ mũi cùng một lúc, phải bịt một bên và để hở bên kia cho mũi và tiết dịch thoát ra ngoài, không bơi lội, lặn hụp khi viêm mũi xoang, nên điều trị viêm mũi xoang càng sớm càng tốt, nạo VA và cắt amiđanl ở những bé hay bị viêm tai tái phát ở những em bé bị sởi, cúm, thương hàn…

Ngoài ra, chúng ta phải luôn luôn nhỏ thuốc sát trùng vào mũi và khám màng nhĩ (tai) thường xuyên.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

 


Ý kiến của bạn