Vậy đó là những loại thuốc nào? Việc dự phòng và ứng phó với bất lợi của thuốc ra sao?...
Các thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID)
Đây là nhóm thuốc được dùng khá phổ biến, dùng để chữa triệu chứng đau, viêm… trong các bệnh như viêm khớp, thoái hoá khớp, gút… mà không chữa được nguyên nhân gây bệnh.
Tác dụng của thuốc là ức chế men cyclooxygenase (COX) làm giảm tổng hợp prostaglandin (PG). PG có tác dụng như một chất trung gian hóa học của quá trình viêm và cảm nhận đau. Có hai dạng COX là COX-1 (cần thiết để tổng hợp prostaglandin bảo vệ niêm mạc dạ dày) và thromboxan (cần thiết cho tiểu cầu kết dính) và COX-2 (tham gia tạo ra prostaglandin khi có viêm). Việc ức chế loại COX nào sẽ liên quan đến tác dụng phụ của thuốc khi dùng.
Các thuốc NSAID thường bị lạm dụng, gây nhiều tai biến.
Cụ thể, loại ức chế không chọn lọc (ức chế cả COX-1 và COX-2) bao gồm các thuốc như ibuprofen, indometacin, naproxen, piroxicam, diclofenac, ketoprofen… cần cảnh giác với nguy cơ gây viêm loét dạ dày (do thuốc ức chế prostaglandin bảo vệ niêm mạc dạ dày). Các nguy cơ như viêm loét, chảy máu và thủng dạ dày đặc biệt cao ở những bệnh nhân 65 tuổi trở lên, người có tiền sử loét hoặc xuất huyết tiêu hóa. Hiện nay, để phòng loét đường tiêu hoá do NSAID gây ra, có thể dùng NSAID cùng các thuốc chống tiết acid như PPI (ức chế bơm proton như omeprazole, lansoprazole…). Hoặc đối với các bệnh nhân có nguy cơ cao viêm loét đường tiêu hoá, nên dùng nhóm ức chế chọn lọc COX 2.
Đối với các thuốc ức chế chọn lọc COX-2 như parecoxib, celecoxib, meloxicam, rofecoxib… có ưu thế là tác dụng không mong muốn về tiêu hóa thấp, xong lại tăng biến cố về tim mạch, nên cần thận trọng trong các trường hợp có bệnh lý tim mạch (suy tim xung huyết, bệnh lý mạch vành...).
Thực tế cho thấy, mỗi thuốc trong nhóm này là một chất hóa học khác nhau, và mỗi người lại có đáp ứng khác nhau với thuốc. Có những người bệnh đáp ứng với bất cứ một thuốc NSAID nào, nhưng lại có những người có thể không đáp ứng với một thuốc này nhưng lại đáp ứng với một thuốc kia trong nhóm. Sự khác nhau giữa các thuốc NSAID chủ yếu là tỷ lệ và các biểu hiện của tác dụng không mong muốn. Vì vậy, việc dùng một thuốc nào trong nhóm cần cân nhắc trên từng bệnh nhân cụ thể, căn cứ vào tình trạng bệnh, các bệnh mắc kèm và các yếu tố nguy cơ… Đối với những trường hợp nằm trong chống chỉ định của thuốc thì tuyệt đối không được dùng.
Ngoài ra, trong khi sử dụng nhóm thuốc này nếu thấy có bất kỳ biểu hiện khác thường nào như dị ứng, ngứa mẩn, đau bụng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng dữ dội (thủng dạ dày), chảy máu cam, chân răng, dưới da, lên cơn hen, choáng váng, chóng mặt… cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết hoặc đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời, thích hợp. Vì đó rất có thể là những tác dụng phụ không mong muốn của thuốc.
Nhóm kháng viêm corticoid
Do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch nên nhóm kháng viêm corticoid được sử dụng để điều trị nhiều bệnh trong đó có các bệnh về xương khớp. Thuốc có thể được dùng dưới dạng uống, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm trực tiếp vào khớp bị viêm đau… Các thuốc hay dùng trong nhóm này như prednisolon, cortisone, solumedrol, hydrocortisone... Đây là các thuốc có tác dụng chống viêm mạnh, nhanh nhưng lại có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, nên phải được dùng dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Một số tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như giữ nước, gây phù, tăng nhãn áp, huyết áp cao, tăng cân, tích mỡ ở bụng, mặt và sau gáy, loãng xương, đái tháo đường, nhiễm trùng, đục thủy tinh thể, loét đường tiêu hoá... nhất là khi dùng kéo dài, liều cao.
Cho đến nay, các corticoid vẫn là một nhóm thuốc quan trọng có phạm vi áp dụng điều trị rộng rãi. Để sử dụng an toàn và hiệu quả nhóm thuốc này, việc quan trọng là không tự dùng thuốc, hạn chế đến mức tối đa việc chỉ định sử dụng nhóm thuốc này. Khi bắt buộc phải dùng thì nên sử dụng với liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất. Không được sử dụng các chế phẩm có chứa corticoid khi bị nhiễm nấm hoặc virus. Để dự phòng loét dạ dày uống thuốc cùng hoặc ngay sau bữa ăn. Một số thuốc có khả năng dự phòng loét dạ dày do corticoid là sucralfate, ranitidine, losec...; uống thêm canxi, vitamin D để ngừa loãng xương do thuốc…
Không được tự ngừng thuốc corticoid đột ngột, nhất là những trường hợp đang dùng liều cao hoặc đã dùng thuốc trong thời gian dài vì nguy cơ rất cao bị suy thượng thận cấp nặng, dễ bị tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Thuốc ức chế miễn dịch (chống thấp khớp tác dụng chậm)
Methotrexat là thuốc hay được kê liều thấp dùng cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến… do thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch (ở liều lấp).
Ở người bệnh dùng methotrexat để chữa vẩy nến hoặc viêm khớp dạng thấp phải xét nghiệm chức năng gan, thận và huyết đồ trước khi điều trị ổn định, rồi sau đó từng 2 đến 3 tháng 1 lần. Phải tránh dùng thuốc khi suy thận rõ rệt và phải ngừng thuốc nếu phát hiện bất thường chức năng gan. Bệnh nhân và người chăm sóc phải báo cáo mọi triệu chứng và dấu hiệu gợi ý bị nhiễm khuẩn, đặc biệt viêm họng hoặc nếu bị khó thở hoặc ho cho bác sĩ biết.
Cách dùng thuốc không phải dùng hàng ngày mà thường dùng 1 tuần 1 lần. Phác đồ điều trị hàng tuần ít độc cho gan hơn là điều trị hàng ngày, nên bệnh nhân rất dễ quên dùng thuốc. Vì vậy người bệnh cần nhớ để uống thuốc đều đặn.
Khi điều trị, người bệnh cần được thông báo về nguy cơ có thể xảy ra và phải được thầy thuốc có kinh nghiệm giám sát liên tục. Trước khi bắt đầu điều trị duy trì, có thể làm test đối với phản ứng không mong muốn đặc ứng.
Khi dùng liềuthấp trịviêmkhớpdạng thấp cần lưu ý đến các tác dụng phụ thường gặp sau như:Ðau đầu, chóng mặt, viêm miệng, buồn nôn, ỉa chảy, nôn, chán ăn, tăng rõ rệt enzym gan, rụng tóc, phản ứng da (phù da), tăng nguy cơ nhiễm khuẩn….
Để giảm viêm miệng, người bệnh có thể súc miệng bằng dung dịch acid folinic. Các phản ứng có hại trên hệ thần kinh thường hồi phục sau khi giảm liều hoặc ngừng dùng thuốc. Kiềm hóa nước tiểu và uống nhiều nước để tránh lắng đọng ở thận, gây sỏi…
Đục thủy tinh thể là biến chứng có thể gặp khi dùng thuốc kháng viêm corticoid.
Thuốc giảm đau dùng ngoài
Trong những trường hợp bị đau nhức ở phần nông của cơ thể như đau xương khớp, đau bắp thịt, bong gân, các sưng tấy va đạp khác ở phần mềm có thể dùng thuốc giảm đau dùng ngoài. Thuốc giảm đau dùng ngoài được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như thuốc dạng gel, dạng thuốc mỡ dùng để xoa lên chỗ đau, thuốc dạng dung dịch để bôi lên bề mặt nơi sưng tấy, thuốc dạng phun mù và phổ biến nhất là thuốc dạng tấm dán.
Thuốc dán: Thường chứa methyl salicylate và menthol… có tác dụng tại chỗ. Cách dùng là “đau đâu dán đấy”, không có tác dụng toàn thân, được dùng để giảm đau trong các trường hợp đau đầu, đau khớp, đau cơ... Không dùng thuốc trên vùng da bị tổn thương hay vết thương hở, trên mắt hoặc vùng da quanh mắt. Tránh sử dụng thuốc trên diện tích da lớn hoặc trong thời gian kéo dài, đặc biệt là ở trẻ em (nguy cơ nhiễm độc salicylate, nếu gặp tác dụng phụ của thuốc người dùng sẽ có biểu hiện như cảm giác châm chích/nóng rát/ngứa ran trong da; phản ứng quá mẫn; nhiễm độc salicylate; phù mạch, co thắt phế quản… Cần ngừng thuốc và xử lý y tế khi cần.
Thuốc dùng để bôi, xoa: Các thuốc này được bào chế dưới dạng gel, thuốc mỡ dùng để xoa lên chỗ đau thường chứa các chất giảm đau, chống viêm không steroid như diclofenac, ketoprofen, ibuprofen... Tuỳ theo từng loại thuốc có thể thoa thuốc lên vùng bị đau 2 lần/ngày hoặc 3-4 lần/ngày. Xoa nhẹ để thuốc thấm qua da được tốt. Chú ý đối với các thuốc này nếu bôi trên diện rộng cũng có tác dụng toàn thân.
Thuốc xịt: Thường chứa các thành phần như methyl salicylate, menthol, camphor, eucalyptus oil (tinh dầu khuynh diệp)... Dùng để giảm đau và kháng viêm trong các cơn đau liên quan đến đau vai, đau cơ, đau khớp, bầm tím, bong gân, căng cơ, các chứng đau khớp. Khi dùng không xịt lên vùng da bị tổn thương hay vết thương hở; không sử dụng nếu da bị kích ứng hay dị ứng với một trong các thành phần của thuốc; không sử dụng chung với băng dán nóng và không sử dụng cùng thời điểm với các sản phẩm giảm đau dùng ngoài khác; có thể xảy ra mụn nước, ngứa, sưng phồng, kích ứng da tại chỗ xịt nhưng không phổ biến.