Phơi nhiễm với thuốc điều trị ung thư ở nhân viên y tế: Nguy cơ tiềm tàng cho sức khỏe

29-05-2020 11:19 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ðối với bệnh nhân ung thư, lợi ích của việc điều trị vượt xa so với nguy cơ độc tính của các thuốc điều trị ung thư. Tuy nhiên, đối với những người khỏe mạnh, nguy cơ phơi nhiễm với những thuốc này gây nên nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe và sinh sản trong tương lai...

Phơi nhiễm nghề nghiệp với thuốc

Người lao động có thể bị phơi nhiễm với các thuốc độc hại ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình sản xuất, vận chuyển, phân phối, giao nhận, lưu trữ, chuẩn bị, sử dụng cũng như xử lý chất thải, bảo trì và sửa chữa thiết bị. Nguy cơ tác động tới sức khỏe của thuốc chịu ảnh hưởng bởi mức độ phơi nhiễm, hoạt lực và độc tính của thuốc. Nhân viên y tế có các loại phơi nhiễm khác nhau, phụ thuộc vào công việc của họ (kỹ thuật viên dược phơi nhiễm khi chuẩn bị thuốc còn y tá phơi nhiễm khi thực hiện thuốc hoặc xử lý chất thải của bệnh nhân). Tuy nhiên, phơi nhiễm cũng có thể xảy ra khi làm việc trong môi trường có nồng độ cao hóa trị liệu.

Thuốc có thể vào cơ thể do hít phải những giọt nhỏ, bụi và hơi của thuốc, tiếp xúc trực tiếp qua da hoặc mắt, hấp thu qua da, ăn uống, hút thuốc trong quá trình chuẩn bị, thực hiện hoặc tiêu hủy thuốc gây độc tế bào hoặc ngẫu nhiên do tiêm phải.

Cần có các phương pháp bảo hộ an toàn khi tiếp xúc với các thuốc trị ung thư.

Cần có các phương pháp bảo hộ an toàn khi tiếp xúc với các thuốc trị ung thư.

Các yếu tố ảnh hưởng

Các yếu tố ảnh hưởng đến phơi nhiễm nghề nghiệp với thuốc bao gồm thao tác với thuốc, tần suất và thời gian thao tác với thuốc, con đường phơi nhiễm, sự sẵn có của trang bị bảo hộ và tủ an toàn sinh học (BSC) hoặc tủ vô trùng cách ly (isolator) trong khu vực chuẩn bị và người lao động không cân nhắc được sự nguy hiểm lâu dài của phơi nhiễm.

Tác hại của phơi nhiễm với thuốc

Nhân viên tiếp xúc với các thuốc độc hại thường gặp phải các triệu chứng cấp tính như kích ứng da, đau họng, ho, kích thích hoặc loét niêm mạc, kích thích mắt hoặc họng, chóng mặt, đau đầu, rụng tóc, phản ứng dị ứng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Phơi nhiễm nghề nghiệp có liên quan đến gia tăng đáng kể tỷ lệ phá hủy ADN, vô sinh, sẩy thai tự nhiên, sinh non, trẻ thiếu cân, bất thường thai nhi, dị tật bẩm sinh ở trẻ trước khi sinh, thiểu năng học tập của con cái của y tá xử lý hóa trị liệu trong thời gian mang thai; tăng nguy cơ bị bệnh bạch cầu và ung thư khác, tăng các chỉ dấu sinh học của độc tính lên gene, thay đổi di truyền lâu dài, bất thường hình thái tế bào hoặc đột biến gene, tăng số lượng sai hình nhiễm sắc thể, trao đổi nhiễm sắc thể chị em, đột biến điểm, chất gây đột biến trong nước tiểu và tăng thải trừ thioether trên những y tá xử lý thuốc điều trị ung thư.

Nhiều độc tính quan trọng xảy ra ở cơ quan và mô như tủy xương (gây giảm bạch cầu, thiếu máu, giảm tiểu cầu), gan, bàng quang, thận, phổi. Một số thuốc độc hại được xác định trong mẫu nước tiểu của những người thao tác với thuốc điều trị ung thư bao gồm cyclophosphamid, ifosfamid, doxorubicin, epirubicin, cisplatin/carboplatin.

Làm sao phòng tránh phơi nhiễm?

Tính gây ung thư, gây quái thai và đột biến không có mối tương quan với liều lượng tối thiểu của thuốc điều trị ung thư. Việc thay thế thuốc điều trị ung thư bằng hoạt chất ít độc hơn là khó thực hiện. Biện pháp bảo hộ tổng thể là khó có thể thực hiện được, đặc biệt trong thời gian điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Do đó, cần có biện pháp phòng tránh phơi nhiễm với thuốc độc hại của nhân viên y tế đến mức thấp nhất có thể. Bao gồm:

Chuẩn bị thuốc độc hại trong khu vực tập trung, có sử dụng tủ vô trùng cách ly hoặc tủ an toàn sinh học (BSC) và trang bị bảo hộ (PPE).

Nhân viên y tế thao tác với thuốc độc hại cần được đào tạo ban đầu và liên tục theo tiêu chuẩn thực hành tốt nhất: An toàn khi thao tác và xử trí sự cố tràn hoặc rò rỉ.

Nhân viên không được ăn uống, nhai kẹo cao su, dùng mỹ phẩm hoặc trữ đồ ăn gần khu vực chuẩn bị thuốc.

Nhân viên đang mang thai, dự định có thai hoặc đang cho con bú nên được chuyển sang làm công việc khác, không phải tiếp xúc với thuốc độc hại.

Nhân viên bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm kết mạc, nhiễm khuẩn ngoài da, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch nên ngừng việc chuẩn bị thuốc nếu có thể.

Nhân viên nên có các khoảng giải lao trong thời gian chuẩn bị để duy trì khả năng tập trung.

Chú ý, trong lúc thao tác, nếu thuốc gây độc tế bào vô ý tiếp xúc với da hoặc quần áo của người lao động thì ngay lập tức cởi bỏ quần áo, rửa kỹ da khu vực bị ảnh hưởng bằng xà phòng và nước, sau đó tiếp tục rửa trong vòng 15 phút. Nếu thuốc bắn vào mắt, cần rửa mắt bằng nước muối sinh lý, sau đó nhỏ mắt bằng dung dịch thiosylfate 3%; còn trong trường hợp vô tình bị kim đâm hoặc chấn thương do vật sắc nhọn, nên để vết thương chảy máu tự do, dưới vòi nước chảy nhẹ và rửa kỹ bằng xà phòng.


DS. Bạch Văn Dương
Ý kiến của bạn