Trong số báo 169 ngày 24/10, báo Sức khỏe&Đời sống đã có bài phản ánh trong thời gian qua, liên tục các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất khiến người dân, các cơ quan quản lý hết sức lo ngại và Cục ATTP đã tổ chức buổi diễn tập điều tra xử lý vụ ngộ độc tập thể tại Nam Định. Nhân dịp này, phóng viên báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với cơ quan chức năng và các địa phương về các biện pháp phòng và xử lý khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể.
TS. Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế: Phối hợp xử lý ngộ độc bằng việc thành lập bệnh viện dã chiến ngay tại cơ sở
Ngộ độc thực phẩm do nhiều nguyên nhân gây ra, do vậy rất cần sự quan tâm của các nhà quản lý, chính quyền các cấp và lãnh đạo các doanh nghiệp đối với đời sống của công nhân nói chung và bữa ăn tập thể hàng ngày nói riêng. Vấn đề cốt lõi ở đây là khi ngộ độc lớn xảy ra, việc tổ chức ứng cứu kịp thời ngay tại nhà máy là rất quan trọng, giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Không nhất thiết phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên mà cần bố trí tổ chức phối hợp xử lý ngộ độc bằng việc thành lập bệnh viện dã chiến ngay tại cơ sở, thông báo và điều động ngay các bác sĩ tuyến trên về phối hợp điều trị.
Thực tế trong nhiều năm qua, tại các tỉnh phía Nam có nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra, nhưng không có tử vong là do các cơ sở đã làm tốt công tác xử lý ngộ độc tại chỗ. Gần đây, ở một số tỉnh phía Bắc cũng xảy ra một số vụ ngộ độc lớn. Nếu như không có công tác chuẩn bị, không có kinh nghiệm, nguy cơ dẫn đến tử vong trong các vụ ngộ độc là khó tránh khỏi.
ThS. Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Nam Định: Tổ chức diễn tập thường xuyên hơn tại các bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp khác
Ngộ độc thực phẩm nếu không may xảy ra ở các bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp sẽ để lại hậu quả rất lớn, bởi số lượng người ăn đông. Việc triển khai xử trí, cấp cứu, thu dung bệnh nhân ban đầu cũng như nhanh chóng điều tra nguyên nhân và xử lý môi trường là rất quan trọng. Các buổi diễn tập phòng, chống ngộ độc tập thể giúp ích rất nhiều cho ngành y tế và các công ty có bếp ăn tập thể của tỉnh có kinh nghiệm hơn. Theo đó, tỉnh sẽ từng bước rút kinh nghiệm và tổ chức diễn tập thường xuyên hơn tại các bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp khác. Thống kê trên địa bàn tỉnh Nam Định, nếu tính cả bếp ăn khu công nghiệp và trường học, có khoảng 800 bếp ăn tập thể. Trong thời gian tới, với mô hình diễn tập, sẽ mời đại diện các đơn vị có bếp ăn tập thể đến dự và theo dõi để họ chủ động cùng phối hợp với ngành y tế làm tốt hơn công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Ông Trần Danh Phượng, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Bắc Ninh: Xử lý nhịp nhàng, tránh gây tâm lý hoang mang
Là địa bàn có nhiều khu công nghiệp quy mô lớn, với các vụ ngộ độc tập thể, chúng tôi sẽ căn cứ vào thực tế sẽ có những bước xử lý khác nhau. Qua các buổi buổi diễn tập điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm, tỉnh Bắc Ninh cũng rút ra một số kinh nghiệm thiết thực, theo đó, công tác phối hợp giữa các doanh nghiệp và ngành y tế là rất quan trọng. Thực tế, tại Bắc Ninh cũng đã từng có vụ ngộ độc với số lượng lên đến gần 1.000 người mắc. Chính vì thế, theo tôi, việc phân loại bệnh nhân cũng như công tác điều trị cần nhịp nhàng, nhanh nhạy, tránh gây xáo trộn, gây tâm lý hoang mang cho cả tập thể. Thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tổ chức cho các khu công nghiệp nhiều buổi diễn tập nhằm tránh các vụ ngộ độc tập thể có thể xảy ra.
Trần Lâm (thực hiện)