Theo đó, hàng tuần Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đều cử các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật nhi và tim mạch nhi đến tham gia hội chẩn và tư vấn cho các thai phụ phương pháp can thiệp cho bé sơ sinh sau khi sinh ra tại Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương.
Trong năm 2018, đã có 223 trường hợp thai nhi được chẩn đoán dị tật bẩm sinh cần can thiệp ngoại khoa ngay sau sinh, bao gồm 155 trường hợp cần can thiệp ngoại tổng quát, 48 trường hợp cần can thiệp ngoại thần kinh và 20 trường hợp cần can thiệp ngoại niệu. Đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận 45 trường hợp dị tật bẩm sinh để can thiệp ngoại khoa và đã cứu sống 39 trường hợp.
Bé sơ sinh được vận chuyển an toàn đến BV Nhi đồng Thành phố.
Bên cạnh các phòng mỗ hiện đại, khoa Hồi sức sơ sinh với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết cho hồi sức chuyên sâu sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố còn được trang bị lồng ấp chuyên dụng để chuyển bé sơ sinh từ các bệnh viện Sản đảm bảo tối đa an toàn trên đường chuyển. Dưới đây là một số hình ảnh về hoạt động phối hợp Sản – Nhi trong điều trị cho trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh:
TS.BS Hồ Tấn Thanh Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, tỷ lệ tử vong sơ sinh tại Việt Nam giảm tuy nhiên vẫn ở mức cao: 13/1000 trẻ sinh sống, trong đó sinh non và dị tật bẩm sinh là chủ yếu. Công trình nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho thấy nhóm trẻ được chẩn đoán trước sinh sẽ được điều trị sớm, giảm tỷ lệ tử vong.
“Chính vì thế Bệnh viện Nhi đồng Thành phố phối hợp với hai bệnh viện sản lớn nhất TP.HCM nhằm mục đích chẩn đoán trước sinh và những tiên lượng sau sinh để các gia đình sản phụ chuẩn bị kỹ trước khi trẻ chào đời”, BS Bình nói.
Một bé sơ sinh bị thoát vị hoành bẩm sinh được chẩn đoán trong giai đoạn bào thai, ngay sau sinh tại BV Từ Dũ được chuyển bằng lồng ấp chuyên dụng về BV Nhi đồng Thành phố để hồi sức chuyên sâu và can thiệp phẫu thuật.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã thực hiện được một số ca phối hợp cùng Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Từ Dũ như trẻ sinh cực non, trẻ thoát vị cuống rốn, hở thành bụng, teo ruột gây viêm phúc mạc, trẻ mắc khối u cùn cụt… Sự kết hợp này sẽ giúp xử trí cấp cứu và chuyển viện an toàn những trẻ sơ sinh bệnh lý từ bệnh viện sản đến bệnh viện nhi.
Ở những trường hợp khó, các bác sĩ hai bên sẽ thống nhất phác đồ xử trí cấp cứu ban đầu. Những trường hợp chưa được chẩn đoán trước sinh, nhóm trẻ sinh non và dị tật bẩm sinh được ưu tiên sẽ được chuyển trực tiếp từ bệnh viện sản vào phòng mổ của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để điều trị.
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng, sự phối hợp sản nhi là vô cùng cần thiết bởi sẽ làm giảm tử vong sơ sinh và tăng tỷ lệ mẹ tròn con vuông. Còn theo PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương, đây là kết quả là tích lũy của quá trình làm việc cùng nhau của ngành sản nhi thành phố từ bao năm nay. “Tử vong sơ sinh do sinh non và bệnh lý sơ sinh bấy lâu nay là nỗi trăn trở của các bác sĩ bệnh viện sản. Chính vì thế sự liên kết sản nhi tương lai có thể còn hướng đến việc các thai phụ dọa sinh non hoặc thai phụ có thai mắc tim bẩm sinh sẽ được sinh luôn tại bệnh viện nhi để tiện chăm sóc”, BS Trang nói.